Chuyện giàn khoan và ngoại giao nước bé

Cắt đường lưỡi bò
Cắt đường lưỡi bò

Nhân câu chuyện giàn khoan, ôn lại thăng trầm trong ngoại giao Việt Nam giai đoạn 1976-1992 và bài học trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.

Ôn cố tri tân*

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1976, một năm sau khi Việt Nam thống nhất. Năm nước ASEAN lúc đó hết sức lo ngại Hà Nội sẽ báo thù việc họ đã trợ giúp Mỹ trong cuộc chiến mới vừa kết thúc.

Philippines và Thái Lan là nơi có căn cứ của Mỹ và là thành viên tích cực của khối SEATO, phiên bản của NATO khu vực Đông Nam Á. Thái Lan, quốc gia từng có nhiều xung đột quân sự với Việt Nam trong lịch sử, từng cho rằng “Hai Việt Nam thì tốt hơn một,” đại ý sợ một nước Việt thống nhất sẽ tạo ra vấn đề an ninh cho họ.

Các nước còn lại (Singapore, Indonesia, Malaysia) ủng hộ Mỹ để ngăn cái gọi là hiệu ứng domino ở khu vực, khi phong trào cộng sản vẫn phát triển mạnh trong các quốc gia này.

Người ta chưa biết một nước vừa giành thắng lợi trước siêu cường số một thế giới sẽ có mưu đồ gì. Trong khi tiềm lực quân sự của Việt Nam là quá mạnh. Lý Quang Diệu lúc đó có nói, không có một liên minh nào trong khu vực có thể đối đầu với Việt Nam.

Cách tiếp cận với “cựu thù” này, do đó, vẫn là dè dặt và nhiều nghi ngại.

Ngược lại, Việt Nam muốn hợp tác để phát triển và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Hà Nội không muốn chỉ nằm trong khối cộng sản mà mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và cả phương Tây, dù điều này khiến Liên Xô không hài lòng.

Họ xin gia nhập World Bank vào năm 1977. Việt Nam thậm chí còn muốn hòa giải với Mỹ ngay sau chiến tranh, nhưng bất đồng về bồi thường thiệt hại và tình hình chính trị của Mỹ lúc đó khiến nỗ lực đó bất thành.

Năm 1977, thủ tướng Phạm Văn Đồng kêu gọi ASEAN tiếp nhận các nước bán đảo Đông Dương vào làm thành viên. Để tỏ thiện chí, Việt Nam tuyên bố không chuyển giao lượng vũ khí khổng lồ thu được từ Mỹ cho du kích cộng sản trong khu vực.

Đàm phán đang diễn ra thì biên giới Tây Nam của Việt Nam có chuyện. Quân Khmer Đỏ tấn công trên quy mô lớn, giết hại hàng nghìn dân thường. Vụ thảm sát Ba Chúc khiến hơn 3,000 người chết khiến Việt Nam mất kiên nhẫn trong việc duy trì giải pháp ngoại giao với chính quyền Polpot.

Sau khi kí hiệp ước an ninh với Liên Xô vào năm 1978, cuối năm đó Việt Nam tấn công Cambodia, chỉ trong hai tuần đã tiến tới Phnom Penh và lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Việt Nam tuyên bố mục tiêu là giải phóng người dân Cambodia khỏi chế độ diệt chủng, vốn sát hại hơn hai triệu người chỉ trong chưa đầy bốn năm cầm quyền.

Nếu như thời điểm hiện đại, đó có thể coi là sự “can thiệp nhân đạo” (humanitarian intervention). Thế nhưng khái niệm này chỉ được Liên hiệp quốc đưa ra vào thập niên 90 sau nạn diệt chủng tại Rwanda (1994) và Bosnia (1997). Thời điểm đó, cộng đồng quốc tế gọi sự kiện Cambodia là “xâm lược”.

Đây là thảm họa ngoại giao của Việt Nam, dù hành động tấn công Cambodia có thể là không thể tránh khỏi.

Các nước ASEAN ngay lập tức ngừng đàm phán và yêu cầu Việt Nam rút quân. Thái Lan, bị ám ảnh bởi nỗi sợ Việt Nam bành trướng đến cạnh biên giới, đã giúp Khmer Đỏ bằng cách cho lực lượng này trú quân và cho phép Trung Quốc vân chuyển vũ khí trợ giúp qua lãnh thổ. Quốc gia này hai lần chọn nhầm bên thua cuộc.

Mỹ ủng hộ Polpot, tất nhiên không phải vì chính quyền Khmer đỏ tốt đẹp gì, mà bởi chính sách “Anything but Vietnam”.

Các quốc gia đồng loạt lên án Việt Nam, kể cả những nước từng ủng hộ Hà Nội trong cuộc chiến chống Mỹ. Logic của họ là không thể hiểu một nước vừa mới đánh đuổi quân xâm lược lại đi xâm lược nước khác. Nhiều khoản trợ cấp bị cắt, Việt Nam lại một lần nữa bị cô lập.

Ở lại với Việt Nam duy nhất chỉ còn Liên Xô, vốn trong thời điểm đó trợ cấp hơn 30% lượng gạo tiêu thụ của Việt Nam, và ước tính trợ cấp hơn 6 triệu đô la (tính theo thời giá tại thời điểm đó) mỗi ngày. Liên Xô không hẳn ủng hộ gì “can thiệp nhân đạo” vào Cambodia, nhưng không muốn Bắc Kinh ảnh hưởng sâu hơn tới bán đảo Đông Dương.

Việc dựa vào Liên Xô vừa vui vừa buồn. Vui vì chí ít có một sự đảm bảo về kinh tế để không bị chết đói và vận hành bộ máy chiến tranh ở Cambodia, và vừa bớt lo ngại Trung Quốc, đồng minh Khmer Đỏ, tấn công tổng lực từ phía bắc.

Nhưng nó cũng làm trì hoãn những đề nghị cải cách kinh tế để tiếp tục gắn với mô hình Xô Viết, và khiến Việt Nam phải chọn phe phái khi đứng trên bàn cờ quốc tế, điều mà Hà Nội không hề muốn. Với một nước nhỏ, đứng về phe nào cũng là thảm họa.

Bao vây, cô lập với Việt Nam chỉ chấm dứt từ cuối những năm 80, khi Hà Nội rút quân dần khỏi Cambodia. Sau khi hòa đàm Paris (1991) kết thúc, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với đồng minh của Khmer đỏ là Trung Quốc (1992), với cựu thù Mỹ (1995), và gia nhập ASEAN cùng năm đó.

Ai cho tao lương thiện?

Bài học lớn nhất của Việt Nam sau khi bị bao vây cô lập hơn 10 năm sau cuộc chiến Cambodia có lẽ là truyền thông với quốc tế.

Hành động tốt nhưng không  tuyên bố rõ ràng, thực hiện đơn phương khi chưa có được sự ủng hộ cần thiết, dễ dẫn đến tai họa. Đặc biệt là với một nước nhỏ, không có sức mạnh để chống chọi với các thế lực lớn hơn, việc trông cậy vào sự ủng hộ quốc tế là điều tiên quyết để đạt được các mục đích của mình. Khi bị cô lập, sa cơ vào miệng sói là điều khó tránh khỏi.

Phải thừa nhận một thực tế khắc nghiệt rằng, như cựu bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từng nói, các nước bé chỉ là quân tốt trên bàn cờ chính trị quốc tế. Nhưng đã vậy thì phải là con tốt biết đi, chứ không được chờ bị đẩy vào thế bí.

Bỏ qua những khác biệt về quan điểm chính trị, chính sách ngoại giao “đu dây” của Việt Nam có thể coi là lý tưởng: độc lập, tự chủ, không liên minh với bên nào để chống lại bên khác. Làm bạn với tất cả và không gây thù chuốc oán.

Nhưng thực tế nhiều khi không dễ dàng như vậy: không có đồng minh đồng nghĩa với việc sẽ phải tự xoay sở khi có khủng hoảng. Cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, trên danh nghĩa chỉ là “tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế”, nhưng nếu không có sự trợ giúp từ Liên Xô và Trung Quốc thì sẽ khó khăn hơn nhiều để chiến thắng.

Nếu không đồng minh với nước lớn, cửa duy nhất để các nước bé hơn đảm bảo an ninh là phát triển hệ thống phòng vệ tập thể (collective defense), điều mà Việt Nam đang muốn xây dựng với khối ASEAN. Trong tương lai gần điều này sẽ khó xẩy ra, bởi ASEAN là tập hợp những nước có ưu tiên an ninh khác nhau.

Theo tác giả Sheldon Simon (1982), chỉ có Indonesia và Malaysia coi Trung Quốc là “mối đe dọa dài hạn”. Hai nước này lại thường xuyên có xung đột với nhau về chủ quyền. Hiện thời, có lẽ đã thêm Philippines và Brunei, hai nước không có tiềm lực quân sự đáng kể.

Trong dài hạn, khi luật pháp quốc tế chặt chẽ và ràng buộc hơn, khi các quốc gia, dù lớn hay bé, cũng phải tuân theo luật như cá nhân trong một xã hội pháp quyền, thì việc “sống tử tế” của Việt Nam là có thể thành hiện thực.

Nhưng nói như Keynes, trong dài hạn chúng ta đều chết. Trong khi hàng ngày Việt Nam vẫn phải đối diện với một quốc gia tiềm lực mạnh hơn gấp bội và lại cư xử bất chấp luật pháp như một kẻ côn đồ.

Điều duy nhất có thể làm bây giờ có lẽ là khiến quốc tế chú ý nhiều hơn, và nỗ lực luật hóa tranh chấp bằng cách đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế để xử lý. Rút kinh nghiệm giai đoạn 1976-1992, việc làm “chính nghĩa” thì phải quang minh chính đại, lôi kéo được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đã qua cái thời “hữu xạ tự nhiên hương” rồi.

Cái này không chỉ chính quyền làm được, mà bản thân mỗi người đều làm được. Nó có thể chỉ đơn giản là một comment giải thích rõ ràng, rành mạch về tranh chấp chủ quyền biển Đông trên những bài báo quốc tế để cho bạn đọc hiểu được phải trái sai. Khi sự thật được lan tỏa, nó sẽ có lợi hơn cho Việt Nam trong trường hợp xấu nhất xẩy ra.

Định mệnh đặt Việt Nam nằm bên cạnh Trung Quốc, điều đó là không thể thay đổi. Trước khi hi vọng quốc gia này có một chính quyền văn minh hơn, Việt Nam phải tự cứu lấy mình. Đó có thể là một liên minh quân sự trong ngắn hạn. Và một cuộc cải cách kiểu Minh Trị trong dài hạn. Không giàu thì sẽ mãi hèn.

————————————————————–

*Phần này viết dựa trên thông tin trong nghiên cứu của Sheldon Simon (xuất bản 1982), có tên gọi “Các nước ASEAN và an ninh khu vực” (ASEAN states and regional security). Dù được viết vào giai đoạn Việt Nam vẫn đang bị coi là một “tiểu bá vương” và là mối nguy hại an ninh của ASEAN, cuốn sách này phần nào cho thấy nỗ lực (tuyệt vọng) của Việt Nam nhằm “muốn làm bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.”

Simon, S. (1982). The Asean states and regional security. Hoover Insitutiton Press.

 

 

One thought on “Chuyện giàn khoan và ngoại giao nước bé

Leave a comment