Lang thang trên phố xá nhộn nhịp, rồi nhìn niềm vui nụ cười của kẻ khác, mới thấy làm con người hiện đại thật cô đơn. Mỗi một con người như là một hòn đảo di động trên chiếc xe của mình, tìm những lối đi riêng cho mình, lo những nỗi lo cho riêng mình.
Nói đến đường phố Hà Nội bây giờ là nói tới tắc đường. Chỉ mới gần một thập kỉ trước thôi, nhắc đến tắc đường là người ta hay nói tới các điểm nóng như: Trường Chinh rồi Ngã Tư Sở, nhưng bây giờ nó xảy ra ở nhiều nơi và nhiều thời điểm đến nỗi mà chẳng ai buồn đánh giá xem chỗ nào là “tắc” nhất.
Những dòng người lũ lượt đổ về thủ đô vì mưu sinh khiến các nẻo đường của thành phố như một cái tổ kiến khổng lồ, làm cho ta có cảm giác dân số của Hà Nội khi nào cũng túc trực trên đường, Người ta đã kêu ca nhiều về nạn tắc đường, về chi phí và phiền toái kéo theo, nhưng xét theo một mặt nào đó, tắc đường đôi khi cũng không phải đáng xấu.
Thật thế, chẳng mấy khi trong xã hội hiện đại mà con người được vai kề vai thân thiết bên nhau, rồi lại bình thản đứng yên một chỗ (vì có cố nhúc nhích cũng bằng thừa) ngắm những làn khói lam chiều sặc mùi hóa chất từ ống xả của trăm nghìn phương tiện giao thông. Âu cũng là khoảng thời gian đáng giá để con người tĩnh tâm mà suy nghĩ về những gì đã và đang trôi qua. Hoặc nó cũng làm cho con người biết thế nào là giá trị của tự do bay nhảy. Còn gì hạnh phúc hơn sau cả tiếng đồng hồ lăn lộn trên đường, được trở về tổ ấm thân thuộc và tận hưởng không gian của riêng mình cách biệt chốn bụi đường huyên náo?
![]() |
Hà Nội 36 phố phường… Ảnh Vietfriendly |
Lang thang trên phố xá nhộn nhịp, rồi nhìn niềm vui nụ cười của kẻ khác, mới thấy làm con người hiện đại thật cô đơn. Mỗi một con người như một hòn đảo di động trên chiếc xe của mình, tìm những lối đi riêng cho mình, lo những nỗi lo cho riêng mình. Nhưng rồi cảm giác cô đơn kiểu như vậy rồi cũng sớm qua đi, bởi bạn sẽ sớm tìm được niềm vui “trên đường”: Lái xe trên phố là một phương pháp cực kỳ tốt để tìm hiểu thêm về đời sống văn hóa đương đại của người Việt. Từ cách người ta ăn mặc tới cách đi đứng, cách chấp hành luật giao thông; Tất cả đều phản ánh một cách rõ ràng nhất cái nếp sống mới của nhưng người thuộc “thời đại mới”.
Còn nhớ dưới thời kỳ bao cấp, vẫn có những cán bộ văn hóa sẵn sáng cầm kéo xẻ đôi những chiếc quần ống loe và xoẹt đi mái tóc dài là “mốt” của thời gian đó, để đảm bảo cho “thuần phong mỹ tục” của người Việt. Có lẽ nếu giao họ nhiệm vụ đảm bảo “thuần phong mỹ tục” với các cô gái mặc quần đùi hoặc váy ngắn, rồi là áo lưới, áo dây đủ loại, chắc là những cán bộ này cũng phải chịu bó tay vì không biết phải xử lý như thế nào.
Đã bao giờ bạn dừng lại khi màu đỏ hiện lên cho người đi bộ qua đường, và bị la ó ầm ĩ phía sau lưng vì làm cản trở giao thông chưa? Đã bao giờ bạn thấy những chàng trai trẻ, trông rất tri thức, mắng chửi cả những người mà bằng tuổi cha mẹ mình vì làm trầy xước chiếc xe bóng lộn của họ chưa? Hơn cả văn hóa, đó là những thứ đánh giá cả về mặt tình người. Bất chợt những lúc đó, trong đầu vang những ca từ trong bài “ngẫu hứng phố” của nhạc sĩ Trần Tiến:
Hà Nội cái gì cũng rẻ,
Chỉ có đắt nhất tình người thôi….
![]() |
Phố phường trở lại với vẻ mặt xinh đẹp khi bỗng dưng ta ngoặt vào những con phố lặng lẽ… Ảnh hanoi.edu |
Đường phố Hà Nội là tập hợp của hai bộ mặt kì lạ. Đó là gương mặt của phố phường bụi bặm, xe cộ đông như kiến cỏ, từng đoàn người chen lấn trên những mảnh đường chật chội, với ầm ĩ còi xe, nồng nặc mùi khói, từng khuôn mặt nhăn nhó che trong những chiếc khẩu trang khệ nệ.
Đi trên phố lúc đó thật căng thẳng, nhưng cũng thật thú vị. Những ai máu me phiêu lưu và mê mạo hiểm có lẽ chẳng cần đi đâu xa để thỏa mãn niềm yêu thích của mình; phố phường Hà Nội thực sự là một thử thách với đầy đủ khó khăn và hiểm trở không khác nào những đoạn ghềnh, ngọn thác của người lái đò sông Đà từ thời cụ Nguyễn Tuân. Hà Nội đó là bộ mặt ồn ào của một đô thị trẻ, luôn vội vã một cách vô tình, đôi khi chỉ cần bạn đi chậm lại một nhịp thôi đã bị cả đoàn xe phía sau bóp còi inh ỏi đầy khó chịu. Rồi rốt cuộc bạn cũng sẽ bị cuốn đi bởi dòng người như thác đổ, đi tìm kiếm những bước mưu sinh ở đời…
Phố phường trở lại với vẻ mặt xinh đẹp khi bỗng dưng ta ngoặt vào những con phố lặng lẽ, nhất là khi bước vào khoảng khắc giao mùa. Đó là khi lá vàng lả tả bay theo gió, đôi lúc táp cả vào mặt người, rồi lại chìm lên nổi xuống, lăn tăn đầy sinh động hai bên lề đường. Lá vàng rơi nhường chỗ cho những mầm non đỏ rực sáng lên trên những hàng cây xà cừ đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Diệu, đường Láng.
Xuân qua, hạ tới, khắp nơi trên thủ đô đều rực tím một màu bằng lăng nở ồn ã, điểm thêm vào đó là những hàng phượng vĩ đỏ rực như máu con tim, báo hiệu mùa thi, mùa chia tay trường lớp, đã đến. Bạn sẽ thấy tâm hồn trong sáng trở lại biết bao khi lặng nhìn các em học sinh với những tấm áo dài thiết tha, cười đùa hồn nhiên lúc đi học về trong ánh nắng chói chang của mùa hạ. Và khi dạo bước qua hồ Hoàn Kiếm tỏa ánh sáng xanh ngọc dưới ánh mặt trời, ngắm mặt trời vẽ những vệt đỏ quạch xa xa góc trời hồ Tây lúc hoàng hôn, ta mới hiểu được vì sao Nguyễn Đình Thi gọi nơi đây là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”…
Ta mới hiểu được những tình yêu Hà Nội da diết bắt nguồn từ đâu, dẫu bao đổi thay khiến có lúc nó xấu xí không còn nhận ra được nữa…
Bài được đăng trên Tuần Việt Nam http://www.tuanvietnam.net/2010-05-25-ha-noi-cai-gi-cung-re-