Bản thảo #4: Quyền chủ thể của nước nhỏ

Một trong những quan điểm gây tranh cãi nhất về cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine là của John Mearsheimer, một nhà khoa học chính trị ở ĐH Chicago. Ông cho rằng mâu thuẫn giữa các nước lớn (NATO và Nga) – mà cụ thể là việc NATO mở rộng – là nguyên do chính cho chiến tranh.

Ông, cũng như nhiều người theo chủ nghĩa hiện thực khác, đi xa hơn, và cho rằng tất cả những diễn biến chính trị ở Ukraine từ sau Chiến tranh Lạnh đều đến từ sự tranh giành ảnh hưởng của Nga và Mỹ – từ giải giáp vũ khí hạt nhân, Cách mạng cam 2004, các cuộc bầu cử lãnh đạo, Cách mạng phẩm giá (Maidan) 2014, cho đến nỗ lực gia nhập thế giới phương Tây.

Bằng cách đó, không cần phải có hiểu biết gì về lịch sử, con người, hay văn hóa của Ukraine, họ vẫn có thể đưa ra những nhận định đóng khung theo thế giới quan của mình. Nhưng cũng vì thế, họ phủ nhận quyền chủ thể (agency) của người Ukraine trong việc tự quyết định vận mệnh. Đây là cách nghĩ hộ mang tư tưởng áp đặt kiểu thực dân, coi nước nhỏ là con rối trên bàn cờ chính trị và không biết quyền lợi thực sự của mình là gì.

Một điều thú vị là nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm của Mearsheimer đến từ thế giới thứ ba – chính những quốc gia phải đánh đổi xương máu để giành quyền độc lập và tự quyết. Những người là nạn nhân của việc mất quyền chủ thể lại bảo vệ hành động lấy đi quyền chủ thể của dân tộc khác.

Theo đó, các quan điểm của nước lớn nghiễm nhiên là đúng – như sự “thống nhất lịch sử” giữa người Nga và người Ukraine – mà không hề biết đến lịch sử phức tạp về sự hình thành nhà nước và dân tộc tính của mỗi nước. Nếu một tiểu luận về sự “thống nhất lịch sử” giữa người Việt và người Trung Quốc được viết, thái độ của họ sẽ rất khác. Để so sánh, Ukraine chỉ thuộc không gian ảnh hưởng của nước Nga khoảng 300 năm, trong khi Việt Nam có 1000 năm Bắc thuộc.

Người Ukraine “vô ơn” với nước Nga, nhưng nếu nói Việt Nam “vô ơn” với Trung Quốc thì không được. Thông tin 5 triệu người Ukraine chết trong Thế chiến II phổ biến rộng rãi, nhưng ít người biết giai đoạn công nghiệp hóa của Stalin 1932-1933, hơn 4 triệu người Ukraine chết do nạn đói từ chính sách của Liên Xô (được goi là Holodomor, nạn diệt chủng người Do Thái là Holocaust).

Bìa cuốn Bloodlands

Mọi sự khái quát đều sai, kể cả câu này. Để tránh khái quát kiểu “dân tộc vô ơn” và biết về quyền chủ thể của nước nhỏ, vì thế, cần tìm hiểu nhiều hơn về họ. Có hai cuốn sách về Ukraine (và một phần Đông Âu) mình thấy nên đọc: 1/Đất máu – Châu Âu giữa Hitler và Stalin (Bloodlands: Europe Between Hitler and Stalin, Timothy D. Snyder 2010 ); 2/Tự do và khủng bố ở Donbas: biên giới Ukraine-Nga 1870-1990s (Hiroaki Kuromiya, 1998). Tiếc là hai cuốn này hình như chưa có bản tiếng Việt. Ai muốn đọc bản tiếng Anh có thể liên hệ với mình (cuốn Bloodlands).

Dịp này, Timothy Snyder, sử gia hàng đầu về Đông Âu và Ukraine, có công bố chuỗi bài giảng của mình trong khóa học về Ukraine ở Yale. Bạn nào quan tâm có thể theo dõi khóa học này. Không mấy khi được dự thính Ivy League miễn phí (bài giảng số 1 – https://www.youtube.com/watch?v=bJczLlwp-d8&t=3s ).   

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s