Bệnh sính ngoại và chuyện “ở bên Tây nó thế”

– Mỗi lần tăng giá xăng, giá điện, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, luôn có một điệp khúc “theo giá thế giới”, nhưng khi xét về hiệu quả đầu tư và trách nhiệm giải trình, thì dường như chuyện “bên Tây” lại bị bỏ qua.

Từ Tây quàng sang ta

Là một quốc gia có thâm niên về nhập siêu, người Việt chúng ta vốn nổi tiếng về tiêu dùng hàng ngoại. Dạo gần đây, tâm lý sính ngoại còn rộng tầm ảnh hưởng từ việc mua sắm hàng hóa đến lối tư duy. Ấy là khi chúng ta bắt đầu được nghe những lời giãi bày “ở bên Tây cũng thế” một cách thường xuyên hơn.

Đầu tiên là câu chuyện lạm phát. Hiếm có lần nào trong các cuộc họp báo liên quan đến vấn đề này mà những lời than vãn kiểu như giá nhiên liệu thế giới tăng cao, khủng hoảng lương thực toàn cầu, khủng hoảng chính trị Trung Đông, v.v… không xuất hiện để giải thích cho tình hình giá cả tăng chóng mặt trong nước.

Và để kết bài, bao giờ cũng là chuyện ở bên Tàu, bên Ấn, thậm chí cả bên Mỹ, lạm phát cũng tăng rất là đột biến (chứ đâu phải là có mỗi nước mình). Lạm phát này là “lạm phát nhập khẩu”, là bởi nguyên nhân khách quan, là vì tình hình chung của thế giới.

Rồi tiếp đến là câu chuyện giá xăng dầu. Cái cớ cho việc tăng giá xăng bán lẻ bao giờ cũng là giá trong nước thấp hơn nhiều so với giá thế giới, “bên Tây” giá cao thì bên mình giá sao mà rẻ được, cơ chế thị trường bây giờ là phải bình đẳng về giá. Thế nên giá xăng Việt Nam bây giờ đã được đẩy lên bằng giá xăng của Mỹ, nửa vòng trái đất chung một giá xăng, hết sức bình đẳng.

Điều đáng băn khoăn là thu nhập của người Mỹ cao gấp gần 23 lần người Việt Nam, nên nếu nói về bình đẳng, có lẽ giá xăng của chúng ta cũng nên thấp hơn giá xăng của Mỹ tầm… 23 lần.

Đó là còn chưa kể ở nhiều nước, ví dụ như nước Anh, tiêu thụ xăng dầu bị đánh thuế rất cao, còn như nước ta, thuế xăng nhập khẩu nhiều khi xuống tới mức 0% và lại còn có hẳn một quỹ bù giá.

Có lẽ các nhà bán lẻ xăng dầu của nước Anh sẽ hạnh phúc biết nhường nào nếu được kinh doanh trong một môi trường hết sức hào phóng như ở Việt Nam: nhận được rất nhiều ưu ái từ chính phủ, rồi thì luôn than lỗ và đòi tăng giá, mà lại chưa bao giờ phải công khai báo cáo tài chính để công chúng xem cái lỗ nó ra sao.

Chuyện của ngành điện

Dạo gần đây, lại đến lượt ngành điện nắm trên tay thứ vũ khí tối tân “cơ chế thị trường” khi phàn nàn lên Chính phủ về việc giá điện đang bị găm ở mức quá thấp. Ngay lập tức EVN tăng giá điện lên 15%, và lấp lửng chuyện tăng giá theo chu kì ba tháng một lần, cũng với cái lý “giá điện của nước ta là thấp so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới”.

Và để người tiêu dùng “ngất ngây” luôn một thể, EVN cảnh báo rằng giá điện của chúng ta ở dưới giá thành khoảng 62%, hãy còn khoảng 45% tăng giá nữa mới đủ bù chi phí, chứ chưa nói đến việc tăng đến mức có lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Sở hữu một nguồn tài nguyên thủy điện hết sức dồi dào, chiếm tới hơn 30% sản lượng điện mỗi năm, phần còn lại chủ yếu sản xuất từ nhiệt điện lại được mua nguồn nhiên liệu giá rẻ từ tập đoàn dầu khí và tập đoàn than và khoáng sản, vậy mà chi phí sản xuất điện tổng hợp từ nhiều yếu tố rẻ như trên lại hóa ra không hề rẻ như ta tưởng.

Tiếp tục lấy Mỹ để so sánh, giá bán điện bình quân của nước này là 12cent/Kwh (2.500 đồng), tương đương với mức giá thành sản xuất điện của nước ta, nếu lời than vãn của EVN là chính xác.

Giá điện của nước Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Châu Âu, cũng chỉ là hơn 19 cent (khoảng 4.000 đồng), tính cả thuế. Giá trước thuế của nước này thâm chí chỉ có 4,75 cent, tức là chưa đến 1.000 đồng. Nước Pháp gần như không có tài nguyên thủy điện và phát điện chủ yếu dựa trên nhiệt điện (phải nhập khẩu than và khí đốt) và năng lượng hạt nhân, vốn có chi phí xây dựng và hoạt động rất cao.

Vẫn biết là EVN còn nhiều khó khăn, nhu cầu điện quá cao, mùa khô thì dài, hạ tầng xuống cấp gây thất thoát nhiều điện năng, lúc cao điểm mua điện của Trung Quốc hay phát điện bằng dầu thì cũng đều rất đắt…Nhưng khi các lãnh đạo EVN giãi bày là “ở bên Tây nó cũng thế” thì người tiêu dùng cũng phải có cái quyền tương đương.

Vì cớ làm sao mà ở bên Tây người ta sản xuất hiệu quả như thế trong khi EVN lại không làm được giống họ?

Bên Tây người ta cắt điện có một tiếng đồng hồ đã có quyền khiếu nại, đòi bòi thường lên đến vài triệu USD, vậy mà sao bên mình cho cúp hẳn vài hôm liền mà đến lời xin lỗi cũng không có

Kế hoạch cung cấp điện xây dựng trước cả chục năm vậy mà năm nào cũng thiếu điện, lỗi này ai dám đứng ra nhận như “ở bên Tây”?

Tạm kết

“Ở bên Tây” nhiều khi cũng không “như thế” như chúng ta vẫn hay tưởng tượng. Mỗi một nền kinh tế khác nhau thì có hoàn cảnh khác nhau, vì vậy so sánh dù thế nào đi nữa cũng chỉ là tương đối.

Điều quan trọng là chúng ta đề ra được những mục tiêu phù hợp với điều kiện của mình, và nỗ lực để hoàn thành nó. Khi mục tiêu không đạt được, cần thẳng thắn nhận sai và sửa chữa những thiếu sót, hơn là cứ mãi xuề xòa “ở bên Tây nó cũng thế ấy mà”.

(Bài được đăng trên VEF http://vef.vn/2011-05-31-benh-sinh-ngoai-va-chuyen-o-ben-tay-no-the-)

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s