Hà Nội vắng tiếng chim

Hà Nội từ trên cao
Hà Nội từ trên cao

Gần năm trời sống ở Aarhus, một thành phố nào đó ở xứ Bắc Âu, ấn tượng sâu đậm nhất của tôi có lẽ là tiếng chim. Tờ mờ sáng, chim chóc đua nhau hót tưng bừng ngoài cửa sổ, chiếm luôn vai trò báo thức của điện thoại di động. Nhiều khi đồng hồ hoạt động sớm quá khiến cho một vài bạn phát cáu, nhất là những ai chuyên cú đêm hoặc thích làm công tác xã hội ở các quán bar.

Tôi thì lại rất thích cái dàn giao hưởng thiên nhiên ấy. Sáng thức giấc pha một tách cafe, ngồi rung đùi đọc sách nghe chim hót, thi thoảng liếc mắt ra ngoài sân xem chúng nó nhảy nhót trên cỏ xanh, cảm giác như thế giới bên ngoài cái xứ này cũng đang hết sức bình yên.

Cách Aarhus 10.000 cây số và 10 năm, Hà Nội cũng đã từng có một thời “cây khế có nhiều tiếng chim” như thế. Chẳng hiểu sao các bạn Tây càng giàu lên thì thành phố càng xanh, mình thì càng đô thị hóa (không biết có giàu lên hay không) thì tiếng chim cứ biến dần đi đâu mất.

Chim bay về đâu?

Nhiều người mới phát hiện ra là chúng vẫn còn quy tụ thành bầy đàn khá đông đúc trên đường Hoàng Hoa Thám, còn lông hoặc trụi lông, trong lồng hoặc xâu chuỗi. Một nhóm khác được di cư cưỡng bức từ nhiều miền xa xôi, qua những nẻo đường khác nhau, để hạ cánh vào các quán nhậu hoặc bình rượu thuốc.

Những chú chim khôn ngoan hơn, nếu được lựa chọn, đã bay đi không ngoái đầu trở lại. Ngày nay, chuyện về “bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời” ở Hồ Tây chỉ còn là thời quá vãng. Những người hoài cổ cũng nhắc đến những đàn cò trắng phau trên hàng sao đen ở phố Lò Đúc, nơi từng một thời được gọi là “vương quốc cò lả.” Phố thị ồn ào đã không còn chỗ cho những hình ảnh bình yên như thế.

Hà Nội đã trải qua một quá trình đô thị hóa tương đối nhanh chóng và đều đặn, để bây giờ trở thành một trong những thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Đô thị hóa, hiểu theo nghĩa nôm na là trở thành thành phố, thành những khu đô thị. Nghĩa là dân cư tập trung hơn, đường xá tốt hơn, quản lý dễ dàng hơn, và nhà cửa (có lẽ là) trở nên hiện đại hơn.

Liệu đô thị có đồng nghĩa với việc ít không gian xanh hơn? Với Hà Nội thì có lẽ đúng như vậy. Không cần phải nhìn vào những số liệu khô khốc, những ai đã từng sống ở thủ đô trên chục năm thì đều cảm nhận được sự chết dần chết mòn của màu xanh Hà Nội, thay vào đó là những khối bê tông mọc lên như nấm, và ao hồ thì bị lấp dần để lấy chỗ xây nhà cửa hay trung tâm thương mại.

Khách quan hơn, chúng ta có thể nhìn thấy tận mắt màu xanh bị diệt chủng như thế nào qua hình ảnh vệ tinh của Google, trong một dự án mới đây của tạp chí TIME http://world.time.com/timelapse/. Click vào website đó, chọn explore the world và gõ tên Hà Nội, bạn sẽ hình dung được quá trình đô thị hóa 30 năm qua của thủ đô đã diễn ra như thế nào.

Chúng ta có man rợ?

Cách đây tầm vài tháng, người Việt đã rất phẫn nộ khi một vị giáo sư Mỹ phê phán dân tộc Việt Nam là “hung hăng” vì cái gì cũng ăn, con gì cũng làm thịt. Tất nhiên vơ đũa cả nắm như bác này thì không phải, nhưng cũng cần phải thừa nhận rằng cách chúng ta đang cư xử với thiên nhiên là sai lầm.

Không thể lấy lý do “truyền thống” để biện minh cho việc sát hại tràn lan từ thú rừng cho đến chim trời để nhậu nhẹt và làm thuốc. Hòa hợp với thiên nhiên mới là truyền thống lâu đời của người Việt, được nhắc đến rất nhiều trong ca dao tục ngữ, đó là chưa nói đến tín ngưỡng thờ các Mẫu thiên nhiên có từ xa xưa.

Không ai cấm được chúng ta ăn con gì, cái gì, nhưng thương mại hóa đến mức độ diệt chủng thì không thể chấp nhận được.

Quay trở lại với cuộc sống của chính chúng ta. Chắc hẳn không ai thích những con đường bụi bặm và ngộp thở bởi khói xe ở Cầu Giấy hay Phương Mai, hè nắng chang chang hơn 40 độ mà không có lấy một bóng cây xanh rợp mát nào. Cũng không ai thích một thành phố chỉ có âm thanh ồn ào bởi tiếng còi và động cơ, thay vì chim hót vui tai mỗi ngày hay tiếng gió rì rào bên những mặt hồ xanh. Chúng ta thích những không gian bình yên, vì chỉ khi thật bình yên và thanh thản chúng ta mới thực sự được sống.

Thế nhưng sự thật là chúng ta lại chọn ngã rẽ khác. Phá vườn để xây một ngôi nhà thật to. Chặt một vài cái cây để cơi nới thêm một vài mét đất. Vặt trụi cành lá để làm lộc, mà không hiểu là cái nhành đã rời khỏi cây rồi thì đâu còn là lộc nữa. Chim rừng thú rừng thì ăn thịt, rác rưởi thì xả bừa bãi tận diệt tôm cá, rồi lại đi mua chim cá về phóng sinh để cho tâm hồn thanh thản. Liệu chúng ta có bao giờ thực sự thanh thản?

Dalai Latma có từng nói rằng, loài người khiến ông ngạc nhiên nhất. Bởi con người tốn sức khỏe để kiếm tiền. Rồi lại tốn tiền để mua lại sức khỏe. Lo nghĩ quá nhiều đến tương lai mà chúng ta quên bẵng đi hiện tại, để rồi không sống ở cả hiện tại lẫn tương lai. Chúng ta sống mà cứ nghĩ là sẽ không bao giờ chết, để rồi chết mà chưa từng được sống.

Chúng ta thường nghĩ cứ phải làm giàu cái đã, thiên nhiên và môi trường lo sau. Nhưng làm giàu để làm gì, nếu chúng ta không thực sự được sống?

Và có những thứ dù có tiền và rất nhiều tiền cũng không thể mua được. Như những ngày về của đàn sâm cầm trên hồ Tây.

 

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s