
Dạo này không xem phim, nhưng tự dưng nhớ đến nhiều bộ phim đã xem. Có một bộ không nổi tiếng lắm, kể về một người đàn ông chỉ sống tối đa 10 năm ở mỗi nơi ông đến, sau đó sẽ phải chuyển đi một chỗ khác.
Bác này trường sinh bất lão: sống từ thời đồ đá cho đến hiện đại, và không bao giờ già (đó chính là lý do vì sao phải chuyển chỗ ở liên tục để tránh bị phát hiện). Câu chuyện đậm chất huyền thoại (rốt cuộc một lần bên bếp lửa bập bùng, bác này chém mình chính là hiện thân của Jesus và Đức Phật). Nhưng thôi bỏ qua chi tiết đó, vấn đề mình muốn đề cập là: chúng ta sẽ sống như thế nào nếu cảm thấy mình chỉ là một “kẻ qua đường”?
Thái độ dễ nhận thấy nhất là sự bàng quan. Tất nhiên rồi, đã là “ở tạm” thì cần gì phải dây dưa với những thứ phiền phức xung quanh, không lợi lộc gì mà đôi khi còn chuốc họa vào thân. Bố mẹ vẫn dạy ăn cỗ đi trước lội nước theo sau là thế.
Vậy nên mới có những câu chuyện thờ ơ với người gặp nạn trên đường, xúm vào xem đánh nhau chứ không can ngăn hoặc gọi cảnh sát, hay tranh nhau hôi bia ở trên phố.
Các học giả phương Tây lý thuyết hóa hiện tượng này, gọi là “bystander effect”: hiệu ứng của kẻ đứng ngoài cuộc chơi. Nó vừa là đại diện cho tư duy “mình không làm sẽ có người khác lo,” và “việc đó chẳng ảnh hưởng gì đến mình.”
Tâm lý này không chỉ thể hiện bằng hành động, mà còn cả lời nói. Đã bao giờ bạn ngại nói ra một điều nào đó vì sợ nó ảnh hưởng tiêu cực đến bạn? Hoặc nghĩ ai cũng biết rồi nên không cần phải nói nữa?
Kẻ ngoài cuộc cũng hời hợt với mọi thứ, bởi làm gì cũng chỉ nghĩ là “tạm”: việc tạm thời, yêu tạm thời, ở tạm thời. Điều đáng buồn là nhiều “kẻ ngoài cuộc” lại là người trẻ, độ tuổi đáng lẽ phải cháy hết mình nhất. Sinh viên dành thời gian đi chơi nhiều hơn đi học, mới ra trường ngồi chưa ấm chỗ đã nhấp nhổm “nhảy việc,” hoặc theo một hướng khác là tìm một nơi ổn định để “sống cho nhàn.” Không đấu tranh, không lo lắng, không đam mê.
Chúng ta cứ lê lết cái bóng tàm tạm đó đến già, chết đi và biến mất vào hư không như chưa từng tồn tại.
Tất nhiên nếu nói một cách Phật giáo thì tất cả loài người cũng chỉ là kẻ qua đường, ở trọ trần gian. Nhưng cuộc đời của ta, nó là cố hữu trong ta, nó không nay đây mai đó như thân xác được. Nên cuộc sống không có chuyện ở tạm. Mỗi giây phút được sống ta phải cháy hết mình với nó. Nếu bây giờ là sống tạm, thì bao giờ chúng ta mới sống thật?
Chúng ta nói đến chuyện thay đổi cho xã hội tốt đẹp hơn, nhưng cái khó vẫn là thay đổi bản tính con người. Nhiều người Việt vẫn có thói quen là nói mà không làm, hoặc làm mà không đến nơi đến chốn, hoặc thậm chí là chẳng nói gì luôn trước những thứ mình thấy là “không phải.”
“Dám nói” là mấu chốt để hình thành một xã hội tốt đẹp. Im lặng trước cái đẹp là gián tiếp phủ nhận nó. Im lặng trước điều xấu là ngấm ngầm cho phép nó lộng hành. Điều đáng sợ nhất cho dân tộc không phải là một quần chúng giận dữ, mà là quần chúng mụ mị, bàng quan với mọi thứ trừ lợi ích của bản thân ra.
Thế nên tôi thực sự thấy lạc quan với những cuộc tranh cãi đa chiều (phần lớn là trên mạng) vừa qua, những sự kiện kiểu như “vẫn là Dương Tự Trọng” vừa rồi. Có những người ủng hộ việc ông Trọng vì tình anh em mà làm trái pháp luật, có người lại cho rằng “quân pháp bất vị thân,” là công bộc của nhân dân thì phải tuân theo pháp luật trong mọi hoàn cảnh.
Việc đúng hay sai trong những cuộc tranh luận như thế này rất khó quyết định, bởi mỗi cá nhân nên được phép tự do lựa chọn quan điểm của mình. Nhưng như triết gia người Đức Emmanuel Kant từng nói, khi quần chúng biết sử dụng lý lẽ để phán xét những vấn đề chung, xã hội đó đã được “khai sáng.”
Tranh luận là liều thuốc dân chủ hữu hiệu nhất.
Trích lời Sigmon Freud: “Khi cộng đồng không còn biết phản ứng thì cái xấu sẽ nổi lên, con người dễ phạm phải điều ác, dối trá, man rợ với nhau thậm chí ở cả những nền văn minh mà không ai tưởng tượng điều đó có thể xảy ra được.”
Chúng ta không ở tạm ở đâu cả. Chúng ta không phải là những kẻ qua đường.