Những mảnh trăng thành phố

Chuyện thật như đùa, có những đứa bé thành phố đã 10 tuổi mà chưa một lần được ngắm ông trăng. Bởi thứ ánh sáng bàng bạc diệu kỳ làm rung động muôn triệu con tim nhân loại làm sao mà ken qua nổi những tòa nhà chọc trời, làm sao đọ được với ánh điện neon bao trùm cả thành phố suốt đêm.

 

Một lần tình cờ, tôi nghe lỏm được một câu chuyện của một đôi bạn trẻ yêu nhau. Đại loại là cô gái muốn anh người yêu đưa đi chơi, nhưng quanh co mãi mà vẫn không tìm được một nơi nào cho vừa ý. Chán nản, chàng trai than thở: “cả một thành phố không có một mảnh rừng cho đôi chim non“. Cái sự ví von ngộ nghĩnh đó vừa làm tôi buồn cười vừa thấy chột dạ: không còn nơi trú ẩn thì đàn chim biết bay về đâu?

Con người Việt Nam vốn tính lãng mạn. Tuổi thơ của mỗi người ai cũng đầy ắp những kỉ niệm đẹp về bầu trời, mảnh trăng, ngọn núi, con sông; với những bài văn câu thơ đi vào giấc ngủ từ những trang sách giáo khoa đầu tiên được học. Lớn lên rồi, dù đi đâu làm gì, ai cũng có một tuổi thơ như cổ tích để nhớ về, để trong những lúc tất bật trong cuộc sống rối ren hiện tại, biết dừng lại và cảm nhận những nét đẹp đầy màu sắc của cuộc sống.

Than vãn về cái nhịp sống hối hả của thời nay một chút, chứ ai cũng hiểu là khi cái không gian sống lãng mạn không còn thì con người cũng chẳng biết bấu víu vào đâu để mà lãng mạn. Có anh nhà thơ nửa đêm sinh bầu tâm sự, muốn mở cửa sổ ngắm trăng qua vòm lá như những bậc tiền bối, cũng chỉ thấy tí ánh sáng he hé đập vào bức tường bê tông của nhà hàng xóm.

Nghĩ đến đây lại thấy khổ thân cho trẻ con thành phố bây giờ. Bước chân ra đường là cả một biển người với nào là xe máy, ô tô, xe buýt, nào bụi bặm, còi xe, đến một chút không gian để thở cho yên lành còn chẳng có, huống chi là để ngắm nọ ngắm kia.

Với một không gian sống náo loạn như thế, thật khó để cho những người làm cha làm mẹ nào dám rời đứa con mình nửa bước khi bước chân ra khỏi nhà. Sáng mở mắt thì đã ngồi lọt thỏm trên xe của bố mẹ, với đủ kính bụi rồi khẩu trang, đến lớp thì ngồi trong bốn bức tường học kín mít đến tối mịt mới về. Trở về nhà lại tiếp tục sống với bốn bức tường, tuy có mát mẻ hơn do có đủ điều hòa quạt máy đấy, nhưng có cố giương mắt nhìn ra đến đâu thì cũng chỉ đến bốn bức tường.

Ngoài kia mặt trăng lẻ loi tủi phận khuất lấp sau những tòa tháp bê tông, trong này những đứa trẻ cũng đơn độc trong bốn bức tường nghèo nàn.

Các em như là những con búp bê xinh đẹp, được ăn đấy, ngủ đấy, học hành đấy, nhưng ai cho các em biết cảm nhận? Người ta cứ luôn than vãn là sao thời nay trẻ con dễ hư thế, sống cá nhân thế, thế nhưng nhốt các em trong những ngôi nhà kính hiện đại, với đầy đủ những thông tin tốt xấu không định hướng trên Internet, thử hỏi các em làm sao mà lại không sa vào những ma trận đầy cạm dỗ chỉ chực chờ đợi những con mồi ngờ nghệch?

 

Ngoài kia mặt trăng lẻ loi tủi phận khuất lấp sau những tòa tháp bê tông, Ảnh fineartamerica.com

Nói thì nói thế, chứ những “người lớn” bây giờ cũng đâu khác gì trẻ con. Sống trong một đô thị hiện đại, nhịp sống nhanh đến nghẹt thở, cái gì cũng ào ào đi qua không để lại một chút lắng đọng, người lớn cũng chẳng qua chỉ là những đứa trẻ con lớn tuổi, sống lầm lũi trong những căn nhà tự xây của tâm hồn mình.

Chuyện thật như đùa, nhưng có những đứa bé thành phố lên đến 10 tuổi mà chưa hề được ngắm ông trăng mà em được đọc trong sách. Nghe thật cười ra nước mắt, nhưng thử hỏi cái thứ ánh sáng bàng bạc đã từng làm rung động muôn triệu trái tim nhân loại làm sao mà ken qua được những tòa nhà chọc trời, làm sao đọ nổi với ánh điện neon nhân tạo bao trùm cả thành phố suốt đêm?

Nhiều lúc đi qua những con đường ồn ã vào những đêm rằm, bất chợt nhìn thấy mặt trăng nhấp nhô sau những dãy nhà san sát nhau, mịt mờ bởi ánh đèn và bụi đường, mà thấy chạnh lòng. Mặt trăng bị bỏ quên như người dưng qua đường. Mà thế cũng đúng thôi, với mật độ giao thông dày đặc như ở Hà Nội, chẳng ai đủ can đảm và tự tin để ngước lên cái khoảng không hiếm hoi trên đường phố dù chỉ trong tích tắc. Ngày xưa Nam Cao than thở cho thân phận của những người mơ mộng, chỉ suốt đời nhìn trăng; cái thi vị của người xưa sao bây giờ xa xôi và xa xỉ quá…

Một ngôi sao đã bị lãng quên

Nước sông Tô vừa trong vừa mát

Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh

Hẳn hàng ngàn người chen chúc nhau qua những Cầu Giấy, cầu Hòa Mục mỗi ngày, những người tất tả đi lại dọc con đường Láng sớm hôm, đều sẽ buông ra một cái bĩu môi hết sức khó chịu khi nghe những câu thơ phi lý này. Nhưng nó chẳng phải là một câu châm biếm lấy từ trên các trang web chuyên gây cười cho thiên hạ, hay là từ những câu bông đùa trên quán cóc vỉa hè, mà là của chính cha ông ta cách đây chỉ một vài thế kỉ. Nó nói về cái thời nước sông Tô vẫn còn trong ngần với những cánh buồm trắng chạy gần chạy xa.

Giờ đây người ta chỉ còn thấy những nhân viên của đội quản lý sông Tô chèo thuyền đi vớt những mảnh rác nổi lềnh bềnh trên mặt sông, vốn sền sệt một thứ nước đặc quánh đến nỗi không thể chảy nổi.

Hà Nội của ngày xưa là Hà Nội của vùng “tứ giác nước”, được bao bọc bởi bốn bề là nước của Nhị Hà, Kim Ngưu, Tô Lịch. Bên trong của tứ giác nước đó là một hệ thống các kênh, hồ được nối liền với nhau, tạo cho thủ đô một không gian vừa tiện lợi cho giao thông, vừa điều hòa khí hậu cực kì hiệu quả, làm cho không gian phố phường luôn được thoáng mát, trong lành.

Trải qua bao phong ba của lịch sử, cái phần hồn của thành phố sông nước đã mất đi phải hơn một nửa. Đoạn sông Tô Lịch đi từ sông Hồng về Bưởi bị người Pháp lấp đi làm đường Phan Đình Phùng, hệ thống hồ, kênh chằng chịt trong nội thành cũng dần biến thành nhà cửa, đường xá. Những cái hồ, con kênh nhỏ còn lại thì đang ngắc ngoải bởi ô nhiễm, rồi lại còn bị người ta ngang nhiên lấn chiếm để xây nhà.

Các khối bê tông khổng lồ lần lượt mọc lên trên những mảng hồn của thủ đô, để lại một thành phố khô khan, hiện đại đấy mà sao mất hẳn đi cái phong thái tao nhã, tự do tự tại của Hà Nội xưa.

Người ta bảo Hà Nội là thành phố xanh, thành phố của hòa bình, ấy vậy mà có lẽ nhìn từ trên cao, cái đập vào mắt chúng ta là một màu trắng bạch của khói bụi và nhà cửa, hơn là những mẩu xanh dúm dó thành các cụm tí tẹo trông nhỏ nhoi đến tội nghiệp.

Mấy ngày trời nóng nực này, điện năng đang bị tiết kiệm một cách tối đa do các nhà máy thủy điện chờ mãi mà nước lũ tiểu mãn vẫn chưa chịu đến. Vài hôm trước thì lịch cắt điện luân phiên đã đến khu phố tôi ở. Cáu gắt mãi vì mất trận bóng World Cup, nhưng rốt cuộc rồi ai cũng phải chui khỏi cái nhà của mình để ra vỉa hè hóng gió, vì ở trong nhà thì chẳng khác nào ngồi trong một chiếc lò sưởi.

Vẫn dòng xe cộ ầm ầm chạy qua, vẫn là khói bụi mịt mù đường phố, vẫn là tiếng còi xe toen toét, nhưng bây giờ thì những ánh đèn neon sáng trưng đã không còn ngự trị. Cheo leo trên một nóc nhà cao vút, mặt trăng đột ngột xuất hiện như một ngôi sao hết thời trở lại sân khấu trong tiếng reo hò của đám khán giả cũ.

Trăng cuối tháng, chỉ được một mảnh khuyết vắt vẻo giữa nền trời, nhưng mà sao trông nó xinh đẹp thế, rực rỡ thế sau biết bao ngày chìm nghỉm trong thành phố chỉ đầy ánh sáng nhân tạo. Trong đầu tôi chợt vang lên những câu thơ của Nguyễn Duy:

Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình…

 

http://www.tuanvietnam.net/2010-06-14-nhung-manh-trang-tui-phan

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s