Chủ nghĩa dân tộc

Dạo này nhân dịp phải soạn bài, mình tranh thủ ghi lại những ý chính về một số chủ đề chính trị – quan hệ quốc tế dưới góc nhìn học thuật. Những ghi chép này sẽ không cụ thể như các bài viết dài, nên mình gom lại trong mục “Bản thảo” – tương tự ý tưởng ngày xưa ở mục Góc nhìn anh Hoàng Hối Hận định xây dựng, nhưng rồi bỏ dở. Bài đầu tiên là về chủ nghĩa dân tộc (nationalism).


Thuật ngữ “nhà nước” và “dân tộc” là khái niệm chỉ xuất hiện ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, du nhập từ những nhà cải cách ở Trung Quốc, vốn vay mượn từ Nhật Bản, những người tiếp nhận những khái niệm đó từ phương Tây vào giai đoạn Cải cách Minh trị. Chính vì sự vay mượn này, nên dễ nhầm lẫn giữa “nhà nước”, “quốc gia”, và “dân tộc”.

Chủ nghĩa dân tộc gắn với khái niệm “dân tộc” (nation). “Dân tộc” theo nghĩa này nói về một cộng đồng có cùng bản sắc (ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, và thông thường là có cùng lãnh thổ nhất định) và mang tính chính trị – ví dụ như khao khát có quyền tự quyết và được công nhận chủ quyền. Nghĩa này khác với từ dân tộc vẫn hay dùng ở Việt Nam, như dân tộc Kinh, dân tộc Hoa (chỉ mang tính gắn kết nhiều về văn hóa, nhưng không có/hoặc có ít một mục đích chính trị).

Chủ nghĩa dân tộc là một hệ tư tưởng (ideology), nhưng không đồng nhất, bởi có nhiều hình dạng chủ nghĩa dân tộc khác nhau, và rất dễ biến đổi thành loại hình khác. Ví dụ chủ nghĩa dân tộc Nga biến đổi thành chủ nghĩa đế quốc Á-Âu – Eurasianism – coi nước Nga là trung tâm. Chủ nghĩa dân tộc hậu đế quốc (post-imperialism), như diễn ngôn “trăm năm quốc nhục” của Trung Quốc, nhấn mạnh đến việc nạn nhân hóa, đòi lại vị thế dân tộc, và cứng rắn về vấn đề chủ quyền.

Chủ nghĩa dân tộc có quan hệ mật thiết tới chính sách ngoại giao của các nước. Về cơ bản, nhiều người cho rằng chủ nghĩa dân tộc khiến chính sách ngoại giao trở nên hung hăng hơn, bởi xu hướng chia rẽ giữa “chúng ta” (in-group) và “chúng nó” (out-group). Đây là quan điểm coi chủ nghĩa dân tộc là “ngoại sinh” (exogenous) với ngoại giao. Ngoài ra, chủ nghĩa dân tộc có thể mang tính tương tác, hoặc “nội sinh” (endogenous) với ngoại giao – ví dụ như thắng lợi trong chiến tranh có thể khiến tinh thần dân tộc tăng cao. Napoleon và Bismarck dùng cách này để xây dựng nhà nước-dân tộc ở Pháp và Đức vào thế kỷ 19.

Tuy nhiên, có một số học giả cho rằng chủ nghĩa dân tộc không nhất thiết bạo lực và có xu hướng dễ tạo ra xung đột. Ví dụ chủ nghĩa dân tộc dân sự (không biết dịch từ civic nationalism thế nào cho chuẩn), như ở EU và New Zealand chắc chắn hòa bình hơn chủ nghĩa dân tộc theo chủng tộc (ethno-organic nationalism), vốn nhấn mạnh đến khác biệt giữa “chúng ta” và “chúng nó” như nói ở trên.

Chủ nghĩa dân tộc có bạo lực hay không cũng phụ thuộc vào môi trường thể chế và giới tinh hoa cầm quyền. Các nước mới dân chủ hóa, ví dụ như Myanmar (bây giờ thì quay xe về độc tài quân sự), thường sẽ có chủ nghĩa dân tộc cực đoan hơn.

Chủ nghĩa dân tộc gắn với một thuật ngữ phổ biến khác: quốc gia-dân tộc (nation-state, có khi dịch nhà nước-dân tộc chuẩn hơn, nhưng từ này quen thuộc hơn trong tiếng Việt). Về cơ bản, đây là khái niệm chỉ một loại hình nhà nước xây dựng dựa trên một dân tộc chủ đạo. Quốc gia-dân tộc được công nhận rộng rãi về quyền tự quyết (self-determination) và toàn vẹn lãnh thổ (territorial integrity). Nhưng cũng có những dân tộc không “quốc gia” (nhà nước) như Palestine hay người Kurd (hiện đang mong muốn lập nên Kurdistan), người Duy Ngô Nhĩ, hoặc những nhà nước có nhiều dân tộc (phổ biến dưới thời các đế chế như Áo-Hung). Quyền tự quyết của các dân tộc mâu thuẫn với nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, và đây là vấn đề rất khó giải quyết.

Một biến thể của chủ nghĩa dân tộc liên quan đến vấn đề trên là irredentism (tạm dịch: Chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ) – khi một nhà nước tuyên bố chủ quyền dựa trên mối gắn kết về sắc tộc/dân tộc với nhóm người đang sinh sống ở nước khác. Ví dụ điển hình nhất là chuyện Nga tuyên bố chủ quyền với Crimea và Donbas dựa trên chuyện “bảo vệ người nói tiếng Nga”).

Ví dụ về irredentism của Nga.

Còn một số vấn đề khác của chủ nghĩa dân tộc và biểu tình, đặc biệt ở Trung Quốc, mà bài đã quá dài với ý định “bản thảo” ban đầu nên chắc dừng lại ở đây.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s