Hơn ba thập niên sau Khme Đỏ, đất nước Campuchia đã hồi sinh và thay đổi. Không còn Ponlot, giờ đây người ta dễ dàng tìm thấy bóng dáng của người Trung Quốc đổ bóng xuống khắp đất nước Chùa Tháp.
>> Kỳ 1: Những khuôn mặt Phnom Penh ba thập niên sau Khmer Đỏ
>> Kỳ 2: Nhân chứng Thet Sambath và hành trình vạch lại tội ác
>> Kỳ 3: Chuyện những người Campuchia chạy nạn ở Việt Nam
Một tổ hợp kiến trúc thâm nghiêm và kín mít như Tử Cấm Thành, choáng cả một diện tích rộng gần bằng nửa sân vận động bóng đá. Bên ngoài luôn thường trực một nhóm lính gác có trang bị vũ khí, diễu qua diễu lại thường xuyên bên dưới dãy tường rào cao ngất.
Công trình đang được nhắc đến không phải là một nhà tù kiểu mẫu, mà là đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia, được đặt trên đại lộ mang tên Mao Trạch Đông, con phố lớn nhất Phnom Penh.
Vẻ ngoài hoành tráng của khu ngoại giao này cũng đã nói lên phần nào mối quan tâm ngày càng lớn của Bắc Kinh đối với đất nước Chùa Tháp.
Casablanca của người Trung Quốc
Nếu như Châu Phi với nguồn khoáng sản thô bất tận đang là đảo giấu vàng cho những công ty “made in China”, thì Campuchia được coi là Casablanca cùa Trung Quốc. Cũng giống như thành phố du lịch nổi tiếng trong bộ phim kinh điển năm 1942, Campuchia được cho là mảnh đất làm ăn béo bở cho thế lực ngầm để mở rộng hoạt động khi chính quyền Bắc Kinh đang mạnh tay trấn áp ở trong nước.
Nhận định trên được đưa ra bởi tờ Asia Times từ tận năm 2006, nhưng đến bây giờ nó vẫn còn nguyên giá trị. Bạn có thể kiểm chứng điều nay ngay khi bước sang địa phận Campuchia ở cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), với những sòng bạc mang biển hiệu tiếng Trung mọc lên như nấm dọc con đường đến Phnom Penh.
Những quán bar và vũ trường sôi động ở thủ đô cũng phần lớn thuộc sở hữu của những người chủ Trung Quốc. Trên con phố du lịch SiSowath ngay bên cạnh dòng Mekong huyền thoại, bạn có thể dễ dàng nhận ra một quán bar mang tên Mao, với hình ảnh của vị lãnh tụ Trung Quốc được trưng bày khắp nơi.
Không chỉ là bằng những hình thức phi chính thức như trên,đầu tư của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau vào Campuchia cũng đã tăng như vũ bão trong thời gian gần đây. Theo báo cáo mới nhất của Tân Hoa Xã, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đã đạt mức 8.8 tỉ USD trong năm 2008, gấp đôi số vốn đầu tư của quốc gia đứng thứ nhì là Hàn Quốc.
“Danh sách các nhà đầu tư ở đây nhiều đến nỗi các nhân viên đại sứ quán Trung Quốc phàn nàn rằng họ không hề có thời gian để nghi ngơi,” thông tin “wikileaks” trong một điện tín từ đại sứ quán Mỹ gửi về Washington cho biết.
![]() |
Đại lộ Mao Trạch Đông tại Phnom Penh |
Cùng với những khoản đầu tư thương mại là nguồn viện trợ ngày càng nhiều của Bắc Kinh dành cho Phnom Penh. Năm 2006, chính quyền Trung Quốc tuyên bố viện trợ 600 triệu USD cho Campuchia, bằng tổng số tiền của tất cả các nhà tài trợ phương Tây khác gộp lại. Năm 2008, nhân dịp chuyến đi thăm Bắc Kinh để theo dõi Olympics của vua Sihamoni, Trung Quốc cam kết gần 260 triệu USD viện trợ bằng cho vay lãi suất thấp.
Với số dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, lên đến hơn 3,000 tỉ USD, dĩ nhiên người Trung Quốc có quyền đi viện trợ và đầu tư ở bất cứ nơi nào họ muốn. Nhưng những lời hứa rằng “giúp đỡ lẫn nhau là việc làm mang tính truyền thống của các nước láng giềng” và “viện trợ vô điều kiện” có vẻ như không được thật lòng cho lắm.
Năm 2009, khi 20 người thiểu số Uighur ở Tân Cương đang ở Phnom Penh để chờ đi tị nạn chính trị thông qua sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, thì đã bị lực lượng an ninh của Campuchia bắt giữ và giao lại cho phía Trung Quốc. Chỉ trong vòng 48 giờ sau, một khoản trợ giúp phát triển cộng với đầu tư lên tới 1.2 tỉ USD đã được Bắc Kinh cam kết cho Campuchia. “Rõ ràng đây là một phần thưởng”, tạp chí Time bình luận.
Với vai trò ngày càng lớn của ASEAN, trong đó Campuchia là một thành viên, nhiều chuyên gia nhận xét việc Trung Quốc bất ngờ siết chặt quan hệ với Campuchia, một quốc gia không thực sự giàu có về tài nguyên, mang nhiều mục đích chính trị hơn là kinh tế. Lý giải này càng có lý hơn khi tranh chấp về chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây.
Với những người dân thường, những tác động với các số liệu kinh tế như trên có vẻ còn khá vô hình, nhưng cái bóng “ông lớn” đang phủ dần xuống đất nước Campuchia thì họ còn có thể cảm nhận được ngay từ cuộc sống thường nhật.
Nếu chú ý đến tên các biển hiệu cửa hàng ở Phnom Penh, bạn có thể sẽ thấy ngạc nhiên khi tiếng Hoa phải nhiều ngang ngửa tiếng Khmer.
Ở khu chợ trung tâm và chợ Nga, hai khu buôn bán sầm uất nhất thủ đô, đa phần các tiểu thương là người Hoa.
Và tất nhiên, quần áo, đồ đạc, máy móc…made in China có mặt ở khắp mọi nơi. Đừng có quá sốc khi chẳng may bạn mua một đồ lưu niệm độc đáo nào đó ở chợ đêm, và khi về nhà mới nhìn thấy cái mác “xuất xứ từ Trung Quốc” của nó.
Sự áp đảo về kinh tế tất yếu sẽ tiến tới sự áp đảo về dân cư và văn hóa. Theo số liệu không chính thức, có khoảng 200,000-350,000 người Trung Quốc làm ăn ở đây, đặc biệt tăng mạnh sau khi tuyến đường bộ giữa Côn Minh và Phnom Penh, đi xuyên qua Lào, được xây dựng.
“Trỗi dậy hòa bình” và cái chết của dòng Mekong
Miếng pho mát cho không chỉ có trong bẫy chuột, và dẫu con chuột có khôn đến mấy cũng khó kiếm được miếng ăn trong khi vẫn giữ mình được lành lặn. Bài học đó có lẽ sẽ phải được nghiên cứu cho kĩ trước khi Campuchia quyết định giao quyền xây dựng những công trình thủy điện khổng lồ trên sông Mekong vào tay các nhà thầu thủy điện Trung Quốc.
Trung Quốc hiện nay đã có trong tay giấy phép xây dựng năm dự án thủy điện lớn ở Campuchia, trong đó đập Kamchay là lớn nhất (trữ lượng 180 MW) đã được đưa vào hoạt động sơ bộ trong năm 2010. Hơn 20 dự án khác, cũng nằm chủ yếu trong tay của Bắc Kinh, đang trong giai đoạn đánh giá mức độ khả thi.
Tất cả đều nằm trong tham vọng của người Trung Quốc nhằm biến Campuchia, và cả những nước láng giềng thành những “đôi pin của châu Á,” như trong một tuyên bố đưa ra vào năm 2008.
Nếu nó trở thành sự thực, trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ được chứng kiến một tấm bản đồ của vương quốc Chùa Tháp với lỗ chỗ những nốt xanh của hồ chứa đập thủy điện.
![]() |
Công nhân Trung Quốc tại Nhà máy thủy điện Kamchay thuộc tỉnh Campot, Campuchia |
Nhưng những cái lỗ xanh đó mang lại ảnh hưởng tiêu cực hơn rất nhiều hơn là dưới góc độ thẩm mỹ, và nó đã thực sự diễn ra rồi chứ không còn là một viễn cảnh xa xôi nữa.
Đập Kamchay sau khi xây dựng đã chặn hoàn toàn con đường di cư để sinh sản của nhiều loài cá ở biển Hồ, khiến cho lượng cá đánh bắt được trong những năm gần đây suy giảm nghiêm trọng.
Trong một đất nước mà thủy sản là nghề chính, và cá ở biển Hồ chiếm tới hơn 2/3 sản lượng, thì đây là một một tình trạng rất đáng báo động. Khi xây dựng, cái đập này cũng đã nuốt trọn hơn 2,000 hecta diện tích rừng nguyên sinh, mặc cho các tổ chức môi trường và cả người dân lên tiếng phản đối.
“Họ hầu như chẳng làm báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thi công dự án, và nếu có làm thì cũng chẳng đáng tin cậy,” ông Meas Nee, một nhà nghiên cứu xã hội người Campuchia nhận xét về các nhà thầu Trung Quốc.
Trong khi những tranh cãi gay gắt về việc nên hay không nên cho phép nhà thầu Trung Quốc xây đập thủy điện tiếp tục diễn ra sôi nổi, thì vùng đất này đã chứng kiến một cơn đại hạn khắc nghiệt nhất trong vài thập kỉ trở lại đây trong năm 2010. Mực nước ở biển Hồ xuống dưới mức kỉ lục, nước sông Mekong ở Phnom Penh cũng bị giảm xuống đáng kể. Nhiều ý kiến cho rằng, hàng chục đập thủy điện lớn nhỏ trên sông Mekong là nguyên nhân chính của vấn nạn này.
Nghĩ đến số phận của dòng Mekong, đặc biệt là trong khúc nó đi qua Campuchia, không ai là không khỏi lo lắng. Dòng Trường Giang, con sông dài thứ ba thế giới, đang dở sống dở chết sau khi đập Tam Hiệp đi vào hoạt động, làm thay đổi hoàn toàn dòng chảy, lượng nước, và hệ sinh thái xung quanh nó. Không ai nghi ngờ rằng Mekong sẽ có số phận tương tự.
Bài được xuất bản trên Tuần Việt Nam http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-09-12-phnom-penh-hom-nay-chu-han-va-dai-lo-mao-trach-dong-