hương may mắn chạy sang được Việt Nam, trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa “được” Angkar bắt về đào tạo để trở thành những tên sát thủ trung thành và máu lạnh nhất.
>> Kỳ 1: Những khuôn mặt Phnom Penh ba thập kỷ sau Khme Đỏ
>> Kỳ 2: Nhân chứng Thet Sambath và hành trình vạch lại tội ác
Trong những ngày tháng kinh hoàng 1975-1979, đã có hàng trăm ngàn người Campuchia cố sống cố chết chạy thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Cùng với Thái Lan, Việt Nam là một trong những điểm đến đông đảo nhất mà người tị nạn Campuchia coi như là “miền đất hứa” giữa chốn địa ngục trần gian.
Tôi gặp cô Kim Lieng, một trong những người tị nạn ở Việt Nam khi xưa, một cách khá tình cờ ở Phnom Penh. Cô là hướng dẫn viên phụ trách đưa đoàn của tôi vào thăm cung điện hoàng gia và nhà tù Tuol Sleng.
Dáng cô đậm người và trông đôn hậu như những bà má miền Tây, còn khuôn mặt với nét da đen sạm và viền đen trang điểm quang mắt thì đúng chất người Khmer không lẫn vào đâu được. Tiếng Anh của cô khá chuẩn.
Thế nhưng tiếng Anh của cô lại không chuẩn bằng cách cô nói tiếng Việt. Khi được biết trong đoàn có người Việt Nam, cô giới thiệu mình một cách rành rọt bằng chất giọng Sài Gòn chính hiệu.
“Gì mà ngạc nhiên dữ vậy các con? Việt Nam là quê hương thứ hai của cô đó,” cô cười khi thấy nhóm người Việt Nam cứ há hốc kinh ngạc nghe cô nói tiếng Việt.
Hỏi ra thì tôi mới biết cô đã từng sống ở Việt Nam tới gần 20 năm, kể từ khi chạy nạn Khmer Đỏ vào năm 1975 đến tận 1992 mới trở về Campuchia.
Cô Kim Lieng thực ra cũng không phải là một người Khmer. Cô là con của một gia đình người Hoa thiểu số ở một tỉnh nhỏ cách Phnom Penh không xa. Tên của cô cũng vốn là tên gốc Hoa, Kim Lieng-Jin Lian-bông sen vàng. “Hồi còn ở Việt Nam thì tên của cô là Kim Liên đấy,” Cô giải thích cặn kẽ từng”biến tấu” của tên mình.
Trước biến cố 17/4/1975, ngày mà lực lượng Khmer Đỏ lật đổ chính quyền của tướng Lon Nol thân Mỹ, cô ở nhà giúp việc kinh doanh cho bố mẹ. Công việc buôn bán không phải là quá thuận lợi trong thời buổi chiến tranh, nhưng cũng đủ cho gia đình cô có được một cuộc sống ổn định. Cuộc đời của cô rẽ sang một trang khác khi những du kích lem luốc bùn đất từ trong rừng của Pol Pot chiếm được Phnom Penh và giành luôn quyền kiểm soát đất nước.
![]() |
Hướng dẫn viên du lịch Kim Lieng |
Qua những hành động điên rồ của Khmer Đỏ ngay từ những ngày đầu tiên, gia đình cô cũng đã lờ mờ hình dung được cuộc sống dưới chế độ này sẽ như thế nào. Và khi chính quyền mới bắt đầu những “cải cách” khắc nghiệt, nông thôn hóa thành thị và “thanh lọc” giai cấp và chủng tộc, gia đình cô Kim Lieng và những nhà buôn bán khác đã được đưa vào tầm ngắm, bởi nguồn gốc tiểu thương và lại là người Hoa thiểu số.
Cuộc tháo chạy tập thể diễn ra, cả gia đình cô cùng với đoàn người loạn lạc nhằm hướng Việt Nam mà chạy, nơi cô nghe nói đã có hàng nghìn người Campuchia đã được cho qua biên giới tị nạn. Vừa chạy vừa lo tránh những nguy hiểm rình rập từ quân Khmer Đỏ, cô cuối cũng cũng đã vào được An Giang, nhưng lại bị lạc mất gia đình.
“Những ngày đó người ta cũng chỉ biết chạy thôi con à, gia đình cô tách nhau ra để chạy cho dễ, vậy mà đến gần vùng biên giới rồi thì lạc nhau mất lúc nào không biết,” Cô Kim Lieng trầm ngâm kể lại.
Đến tận bây giờ, cô cũng không biết được tung tích những thành viên còn lại trong gia đình của mình. Họ còn sống đâu đó trên đất nước này, hay là một trong hai triệu người nằm xuống dưới những cánh đồng chết? Nỗi trăn trở đó vẫn làm cô day dứt không nguôi.
Về phần cô, sang được An Giang coi như là đã được sống lại lần hai. Lúc đầu cô được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ chỗ ăn ở cùng với những người tị nạn khác, sau đó máu kinh doanh thúc giục cô lên TP. Hồ Chí Minh làm nghề buôn bán nhỏ lẻ kiếm sống. Cuộc sống bận rộn ở Sài Thành cũng không đủ để làm cô quên đi nỗi sợ Khmer Đỏ. “Ban ngày đi bán hàng thì thôi, chứ đêm về có một mình là cô lại cắn móng tay ngồi thu lu một góc vì sợ,” cô nhớ lại.
Bám trụ ở thành phố được một thời gian, cô theo lệnh của chính quyền Việt Nam quay trở lại vùng tập kết người tị nạn Campuchia ở An Giang để dễ quản lý, khi số người vượt biên từ Campuchia đã tăng đến mức ngoài tầm kiểm soát. Ở đây, cô học thêm nghề may thêu, nhận may vá quần áo của những người tị nạn và cả người Việt sống ở những làng lân cận.
Chính quyền diệt chủng Pol Pot bị lật đổ vào năm 1979, nhưng cô và những người Campuchia khác vẫn xin ở lại Việt Nam để sống, một phần vì vẫn sợ Khmer Đỏ, một phần vì đã quá quen với cuộc sống ở miền sông nước An Giang.
Chỉ đến khi hội nghị Paris lập lại hòa bình ở Campuchia kết thúc vào năm 1991. Chính quyền Việt Nam đưa ra hai lựa chọn cho người tị nạn ở đây: phải chọn quốc tịch Việt Nam nếu ở lại, còn không thì phải trở về Campuchia theo quy định của quốc tế, những người Campuchia ở Việt Nam mới miễn cưỡng hồi hương.
Cô Kim Lieng về sống ở Phnom Penh, học thêm một lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch, và sống ở đây từ thời đó đến bây giờ.
![]() |
‘Cây (để) giết trẻ em’ (smashing babies tree) ở cánh đồng Choeung Ek |
Với cô, Khmer Đỏ vẫn còn là một kí ức còn quá đỗi kinh hoàng như vừa mới ngày hôm qua. Trong những lần đầu tiên đưa khách đến viếng những nạn nhân ở cánh đồng chết Cheoung Ek, cô thậm chí không thể nói được một từ nào. Bố, mẹ, anh chị em, họ hàng của cô, có thể chính là một trong số những người bỏ mạng tại nơi đây. Và thậm chí chính cô cũng đã có thể đã nằm trong danh sách tử thần này, nếu như ông trời không cho cô vận may để sống.
“Những hôm đầu cả cô lẫn du khách đều im lặng mà khóc khi đến đây,” Cô nói. “Nhưng dần dà rồi cô cũng quen, dù sao thì người ta cũng phải học cách sống cùng với quá khứ.”
Khi tôi hỏi rằng từ hồi về Phnom Penh, cô còn sang Việt Nam nữa không, cô đáp: “Có chớ, có việc chữa bệnh thì cô bắt xe qua Chợ Rẫy suốt, còn thi thoảng thì xuống ở An Giang để thăm lại mấy người bạn cũ ở đó. Nhưng mà bây giờ đi lại thoải mái hơn nhiều rồi, hổng còn trốn chui trốn lủi như thời Pol Pot nữa,” cô cười.
Gặp “người quê Bác” ở Xiem Reap
Ngay từ lúc đầu tiên gặp anh Phương, tôi đã thấy có cảm tình với chất giọng nằng nặng xứ Nghệ của anh. Anh có tạng người gầy và làn da ngăm đen, trông giống như một ngư dân ở ngôi làng ven biển nào đó dọc miền Trung hơn là một doanh nhân ở vùng Biển Hồ phì nhiêu này.
Hai ngày được anh dẫn đi dạo quanh Xiem Reap, xem múa Apsara và thăm khu Angkor hùng vĩ, tôi vẫn cứ đinh ninh anh là đồng hương quê Bác chính cống mà không cần phải hỏi lại làm gì. Chỉ đến khi được anh mời nhậu với món cá Biển Hồ tôi mới vỡ lẽ ra rằng anh là một người Campuchia chính gốc, dân Khmer “xịn”.
Hồi Khmer Đỏ lên cầm quyền, anh mới chỉ chín tuổi đời và ở cùng với bố mẹ, những nông dân chân chất quanh năm chỉ gắn với ruộng đồng. Cũng như biết bao người khác, kinh hoàng trước sự tàn bạo của Khmer Đỏ, gia đình anh đã theo dòng người chạy loạn ra các vùng biên giới. Anh cũng đã lạc mất gia đình mình kể từ đó.
Thân cô thế cô, anh may mắn chạy sang được Việt Nam, trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa thì đang “được” Angkar bắt về đào tạo để trở thành những tên sát thủ trung thành và máu lạnh nhất. Anh gặp được bộ đội Việt Nam, được họ mang về nuôi dưỡng và lo cho việc ăn học.
Sau khi chiến tranh kết thúc, anh được cử ra học văn hóa và sống ở Yên Thành, Nghệ An trong một thời gian khá dài. Học xong, anh lại trở vào TP. Hồ Chí Minh và làm việc cho Vietnam Airlines ở đó.
Đến năm 1995, anh nhận lời quay lại Campuchia để làm việc cho đại diện của Vietnam Airlines ở Xiem Reap, và rồi định cư hẳn. Công việc thuận lợi, cùng với sự hồi sinh của đất nước Chùa Tháp, dần dà anh mở công ty riêng, rồi lập gia đình với một cô gái có hai dòng máu Khmer và Việt Nam.
![]() |
“Người Nghệ An” Phương |
“Hai đứa nhóc nhà tôi bây giờ cũng bập bẹ được tiếng Việt rồi đấy!” Anh cười rồi lấy tay hất ngược mái tóc hoa râm ra một bên theo một kiểu cách rất “cán bộ Việt Nam”.
Cuộc đời đã không bạc với anh, hay đúng hơn là đã bù đắp xứng đáng với những mất mát và nỗ lực của anh. Thế nhưng bước vào độ tuổi đủ lớn để nghĩ về quá khứ, nhiều lúc anh không khỏi trầm tư về cái tuổi thơ dữ dội của mình, về tất cả những khuôn mặt gia đình thân thương, mà bây giờ anh thậm chí không còn hình dung ra được nữa.
“Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” Có lẽ hơn ai hết, anh Phương là người thấu hiểu nhất những lời tự đáy lòng của nhà văn Nguyễn Khải.
Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai
Còn rất nhiều người nữa tôi đã được gặp trên mảng đất huyền thoại này, để làm nhân chứng sống về mối ân tình sâu nặng giữa hai nước láng giềng Việt Nam và Campuchia trong thời kì khắc nghiệt ấy của lịch sử.
Có những sai lầm, có những mất mát, có những thiệt thòi khi chúng ta quyết định can thiệp để lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Nhưng đã là người Việt Nam, có lẽ không ai là không tự hào và rơi nước mắt khi đứng trước tượng đài quân tình nguyện Việt Nam, lồng lộng gió giữa đại lộ đẹp nhất ở Phnom Penh, cùng một dọc đường với đài Độc Lập và ngay sát cạnh hoàng gia Campuchia.
“Không ai bị lãng quên-không điều gì bị lãng quên!”
Máu của chiến sĩ Việt Nam đã không rơi vô ích trên mảnh đất này. Nhìn vào vương quốc Campuchia ngày hôm nay, bất kì ai, người Khmer, người Việt Nam, hay nhân loại có lương tri, đều hiểu rõ như vậy.
Bài đã được xuất bản trên Tuần Việt Nam http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-09-07-chuyen-nhung-nguoi-campuchia-chay-nan-o-viet-nam-ky-3-