Chống tham nhũng như thế nào?

Bài mới của mình trên VnExpress (https://vnexpress.net/vi-sao-kho-chong-tham-nhung-4489016.html)

bản dưới đây là bản gốc, trước khi biên tập.

Năm 2012, khi mới ra trường, tôi lần đầu tiếp tay cho tham nhũng.

Tôi bị một anh cảnh sát giao thông dừng xe báo lỗi vượt phải. Bây giờ nghĩ lại thì có lẽ đó không phải là lỗi nặng, nhưng tôi của 10 năm trước rất ngại đôi co. Lần vi phạm trước yêu cầu xử lý theo biên bản, tôi nộp phạt nhưng xe bị giữ ở bãi 30 ngày, không đến nỗi xui xẻo như số xe bị cháy ở TP.HCM vừa qua, nhưng cũng mất một khoản kha khá với túi tiền sinh viên để sửa lại. Anh cảnh sát đề nghị 300 nghìn đồng để “xử lý nhanh”, tôi tặc lưỡi đồng ý.

Có lẽ không ít người cũng từng rơi vào trường hợp như tôi, đến nỗi thời điểm đó một vị tướng có nói đại ý rằng nhận vài ba trăm nghìn bồi dưỡng thì đâu gọi là tham nhũng. Ai cũng biết chuyện “xử lý nhanh” là xấu, nhưng nhắm mắt cho qua vì coi đó là chi phí ngầm của bộ máy nhà nước.

Nên trong năm đó, khi công tác phòng chống tham nhũng được tái khởi động, không nhiều người kỳ vọng những thay đổi chóng vánh. Nhưng qua mười năm, kết quả đạt được có lẽ khiến tất cả đều bất ngờ.

Trong đợt tổng kết công tác phòng chống tham nhũng vừa qua, tính theo tỷ lệ, có đến gần 170,000 đảng viên, tương đương 3.2% tổng số đảng viên cả nước, chịu trách nhiệm tập thể do sai phạm của hơn 2700 tổ chức đảng. Khoảng 7,500 cá nhân trực tiếp bị kỷ luật, trong đó có 170 cán bộ cấp cao. Tôi không dám chắc chuyện “xử lý nhanh” đã hết chưa, nhưng chắc chắn hành vi đó không còn được là chuyện đương nhiên như trước.  

Tôi mừng với điều đó, nhưng cũng hơi lo về các con số. Sai phạm nhiều chứng tỏ công tác chống tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, “không có vùng cấm” như tuyên bố của người đứng đầu. Nhưng số vụ vi phạm tăng đột biến so với giai đoạn trước cũng cho thấy những nỗ lực đó là chưa đủ để loại trừ tham nhũng. Trong khi đó, nỗi sợ mắc sai phạm khiến bộ máy nhà nước vận hành trì trệ ở một số nơi, điển hình là tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trên cả nước trong thời gian qua, hay việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công.

“Chiến dịch” vừa qua rất thành công trong việc phát hiện những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng nhìn về dài hạn, công cụ chống tham nhũng không thể chỉ dựa vào hình phạt. Nếu coi xử lý tham nhũng bao gồm cả phòng lẫn chống, thì 10 năm qua ưu tiên phần “chống” nhiều hơn. Một chiến dịch bao giờ cũng có điểm kết thúc, trong khi nguy cơ tham nhũng thì luôn tồn tại. Chính vì thế, xây dựng thể chế hiệu quả để tạo ra một hệ thống chống tham nhũng tự vận hành hiệu quả là yêu cầu tiếp theo.

Theo tôi, cần phân biệt rõ hai nhóm thể chế như vậy: nhóm tiền kiểm và nhóm hậu kiểm.   

Với thể chế tiền kiểm, quốc gia thành công mà chúng ta có thể học hỏi là Singapore. Lý Quang Diệu, khi bắt đầu nỗ lực tái xây dựng bộ máy hành chính đảo quốc này vào thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước, cho rằng cần ba yếu tố để chống tham nhũng hiệu quả. Thứ nhất, mức thu nhập của cán bộ phải đủ cao để họ ít có động cơ tham nhũng. Thứ hai, hình phạt phải đủ nặng để có sức răn đe. Và thứ ba, quan trọng hơn, là xây dựng được văn hóa công chức đủ tốt để coi tham nhũng là hành vi không chấp nhận được.

Chúng ta không thiếu các quy định hay hình phạt để chống tham nhũng. Trong 10 năm qua, đã có hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, 300 bộ luật, và hơn 2000 văn bản từ chính phủ đề cập tới chống tham nhũng. Tuy nhiên, cải thiện thu nhập khu vực công và xây dựng văn hóa công chức là hai mặt còn yếu.  

Trong khi công việc trong khu vực công ngày càng áp lực, đặc biệt là với song song với yêu cầu tinh giản biên chế, thu nhập của công chức không tăng theo tương xứng. Lấy một ví dụ đơn giản: một sinh viên mới ra trường khi làm cho cơ quan nhà nước sẽ hưởng mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Con số này trên thực tế còn thấp hơn tiền học phí hàng tháng của một số trường đại học. Nghĩa là nếu bạn phải đi vay tiền để hoàn thành chương trình cử nhân, thì kể cả nhịn ăn cũng không đủ tiền trả nợ khi đi làm công chức. Nếu bạn sống ở Hà Nội hay TP.HCM, bạn hoặc sẽ phải nhịn ăn, hoặc đi ở nhờ để bù tiền thuê nhà.

Những ai giàu kinh nghiệm sẽ phản bác rằng “đâu có cán bộ nào sống bằng lương”. Nhưng chính quan điểm này là vấn đề. Nếu không sống bằng lương, thì cán bộ sống bằng gì?

Khi một người được trả mức lương quá thấp so với năng lực của mình, sẽ có ba khả năng. Trước tiên, bạn có thể có thái độ thiếu trách nhiệm, làm việc cho qua ngày vì nói như một câu chuyện vui thời Liên Xô cũ, “họ giả vờ trả lương, chúng tôi giả vờ làm việc”. Thứ hai, bạn có thể tận dụng vị trí để làm lợi cho bản thân, bù vào khoản thu nhập kém hơn công việc khác. Thứ ba, bạn xin nghỉ việc.

Logic của công chức cũng vậy. Khi lương không đủ sống, cán bộ sẽ phải tìm những cách khác nhau để “thu hồi vốn”: từ tận dụng thời gian công sở để bán hàng online – như một hình thức lãn công – cho tới những phương thức rơi vào khoảng xám pháp luật như ưu ái các mối quan hệ thân quen trong công việc. Khi áp lực gia tăng, và đặc biệt là với nỗi sợ làm sai và quy định ngày càng ngặt nghèo, nhiều trong số họ lựa chọn nghỉ việc.

Với mức lương công chức như hiện nay, sẽ không thể thu hút người tài vào làm việc cho nhà nước. Khi đó, bộ máy sẽ cần nhiều nhân lực hơn bởi vận hành thiếu hiệu quả hơn. Đó là lý do chính giải thích vì sao mục tiêu tinh giản biên chế vẫn trầy trật trong thời gian qua. Đảm bảo cán bộ sống được bằng lương là điều cần làm ngay để phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn tiền lương – biên chế này.

“Sống bằng lương” cũng là điều kiện cần để xây dựng văn hóa công chức, bởi có thực mới vực được đạo. Không phải ai nghèo cũng tham nhũng (những “đại án” vừa qua là minh chứng), nhưng mức thu nhập càng thấp thì cám dỗ càng lớn. Tôi sẽ bớt thông cảm với anh cảnh sát nói trên hơn nhiều, nếu thu nhập của anh ta không phải là 3.5 triệu một tháng.

Về nhóm thể chế hậu kiểm, bộ máy phòng, chống tham nhũng của chúng ta đã được kiện toàn từ trung ương tới địa phương trong thời gian qua.

Có một tiền đề quan trọng: Không kiểm soát được tài sản thì không thể chống tham nhũng. Tuy nhiên, Luật Phòng chống tham nhũng 2018, sau đó là Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (ban hành năm 2020) vẫn chưa lấp hết các kẽ hở, khiến tính hiệu lực, hiệu quả về kiểm soát tài sản vẫn rất thấp. Ví dụ, kiểm soát sự di chuyển tài sản của đối tượng bị kê khai là một chuyện khó khăn. Tài sản của một lãnh đạo tỉnh có thể được chuyển cho con là giám đốc một doanh nghiệp và không kiểm soát được vì con ông không thuộc diện phải kê khai.

Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng khuyến cáo các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, cần hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, và hành vi không giải trình được nguồn gốc tài sản bất thường của cán bộ, công chức. Hiện Việt Nam chưa thực hiện được triệt để khuyến cáo này.

Các giải pháp cơ chế trong ngắn hạn cần tập trung bịt kín những lỗ hổng trên.

Quan trọng hơn, chống tham nhũng không thể chỉ phụ thuộc vào quyền lực nhà nước và bộ máy hành chính. Thực tế cho thấy những nước Bắc Âu và New Zealand, nơi có chỉ số tham nhũng thấp, nguồn lực dành riêng cho chống tham nhũng là không lớn. Không nơi nào có cơ quan chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương. Ngoài yếu tố văn hóa, thành công của họ đến từ sự tham gia tích cực của công chúng, báo chí – truyền thông, và các tổ chức xã hội.

Sự ra đời của những cơ quan chống tham nhũng là cần thiết, nhưng có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất, cần hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của các cơ quan khác. Cũng như với doanh nghiệp, việc thanh kiểm tra có thể làm gián đoạn hoạt động của bộ máy nhà nước, vì thế cần cân nhắc kỹ về quy mô và tần suất trước khi thực hiện. Chống tham nhũng để bộ máy vận hành trơn tru, chứ không phải khiến nó trở nên trì trệ hơn.

Thứ hai, nhiều bài học lịch sử cho thấy việc giám sát hiệu quả người giám sát là không dễ. Quyền lực quá lớn sẽ dễ dẫn đến tha hóa, còn quyền lực quá ít sẽ khiến hệ thống hoạt động kém hiệu quả. Vào thời nhà Minh ở Trung Quốc, khi nhận thấy cơ quan an ninh là Đông Xưởng lạm quyền, Minh Hiến Tông lập thêm Tây Xưởng để giám sát. Nhưng đến lượt Tây Xưởng không kiểm soát được, lại xuất hiện thêm các cơ quan khác để giám sát hai cơ quan đó.

Chuỗi giám sát bất tận này chỉ kết thúc nếu có sự tham gia của người dân, những người vừa là nạn nhân trực tiếp, vừa tiếp tay, vừa chịu ảnh hưởng lớn nhất từ tham nhũng. Dẫu luôn được coi là “tai mắt”, nhưng thực tế trong hàng nghìn văn bản ban hành về chống tham nhũng, không có hướng dẫn cụ thể về việc người dân chống tham nhũng ra sao.

Mười năm về trước, có thể tôi sẽ email hoặc gọi điện cho đường dây nóng chống tham nhũng, nếu như nó tồn tại. Hoặc tôi cũng có thể nêu bức xúc của mình với đại biểu Quốc hội hoặc hội đồng nhân dân thành phố, nếu như họ gần gũi với cử tri hơn. Tôi cũng có thể dùng lá phiếu của mình để quyết định bầu cho ai chống tham nhũng một cách thực chất.

Đó đều là những vấn đề không thể cải thiện một sớm một chiều. Nhưng nếu không thực hiện, thì về dài hạn chống tham nhũng sẽ giống như vỗ tay một bàn: rất mạnh, nhưng không phải khi nào cũng trúng mục tiêu.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s