Chiếc lá cuối cùng

1186222_10200821207595337_1163279236_n
Cuối năm qua, tôi có dịp tham gia một chương trình mổ mắt từ thiện ở huyện Bắc Quang, Hà Giang. Đó là chương trình đặc biệt, bởi tất cả những người được thay thủy tinh thể là các cụ già, có người đã gần 90 tuổi. Một năm, quỹ này hỗ trợ đem lại ánh sáng cho hàng chục nghìn người già như thế.

Tôi đem băn khoăn tội lỗi của một người học kinh tế hỏi anh Andy, người đại diện của quỹ, rằng vì sao họ dành một khoản tiền lớn để mổ mắt cho những người mà chỉ nay mai thôi sẽ lìa xa thế giới này.

“Chúng tôi muốn họ được sống những ngày cuối cùng trong đời với phẩm giá, được tự chăm sóc bản thân, và nhìn thấy gia đình trước khi nhắm mắt xuôi tay”, Andy trả lời.

Năm cùng tháng tận, trở về Hà Nội, tôi tiễn đưa một người bạn qua đời vì ung thư dạ dày. Cô biết mình mắc bệnh mấy năm nay, nhưng với mọi người, cô khi nào cũng lạc quan và vui vẻ. Trong năm cuối cùng trước khi lìa trần, cô đã kịp hoàn thành những ước nguyện của mình: trọn vẹn với tình yêu và đi đến những nơi mơ ước đặt chân tới. Trên tấm di ảnh là nụ cười trong trẻo của cô gái 27 tuổi đã sống trọn vẹn với cuộc đời ngắn ngủi.

Hai câu chuyện về điểm kết thúc, tuổi già và cái chết nhưng đều đem lại cho tôi bài học vô giá về cuộc sống. Đó là dù cho sắp đến cuối con đường, chúng ta cũng phải sống với tất cả những gì tốt đẹp nhất của mình. Cô bạn tôi không vì biết mình bị ung thư mà đau khổ chờ thần Chết gọi tên, và những cụ già vùng cao không vì sắp từ giã cõi đời mà cam chịu cảnh mù loà. Quyền của một con người là được sống với tư cách con người đầy đủ nhất, dẫu chỉ còn một giây để sống.

Nghĩ xa hơn, tôi cho rằng chuyện “sống trọn vẹn” không phải chỉ có ý nghĩa trong cuộc sống cá nhân, mà còn trong cả công việc của mỗi người. Xã hội cần biết bao anh công nhân cẩn thận đóng chiếc đinh vít cuối cùng trước khi nghỉ việc, cô giáo miệt mài dạy trọn vẹn bài giảng trước khi về hưu, hay người lãnh đạo ra quyết định anh minh trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry, tôi ấn tượng nhất ở đoạn kết, khi ông hoạ sĩ già Behman dồn hết sức lực để vẽ chiếc lá trong đêm giá rét, cứu cô hoạ sĩ trẻ Johnsy khỏi cơn bạo bệnh. Đó là hình ảnh tuyệt vời cho sự chuyển giao giữa hai thế hệ, với “chiếc lá cuối cùng” tượng trưng cho ngọn lửa sống mà người đi trước truyền lại cho người đi sau.

Một đất nước chỉ phát triển được khi ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở khoảnh khắc cuối cùng trong vị trí của họ, để không có chuyện tiêu cực ở “hoàng hôn nhiệm kỳ” và “hạ cánh an toàn” như các đại biểu Quốc hội thắc mắc vừa qua.

Hôm nay, Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 12 khai mạc tại Hà Nội, tiếp sau đó là bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Bộ máy Đảng và Nhà nước sẽ bắt đầu một nhiệm kỳ mới, với những người tài đức nhất sẽ được lựa chọn vào các vị trí điều hành quan trọng.

Trong thời khắc chuyển giao đầy ý nghĩa của đất nước, tôi rất mong những người thuộc nhiệm kỳ cũ hoàn thành tốt công việc còn lại, và những người mới sẽ “tiếp lửa” để tiếp tục đưa dân tộc đi lên.

Advertisement

5 thoughts on “Chiếc lá cuối cùng

      1. Ừa, chỉ coi chữ chứ không mấy khi thèm ngó ngàng đến các hình minh họa. Giờ coi hình minh họa rồi vẫn thấy mấy đoạn cuối bạn viết sến không chịu được và chả liên quan lắm đến hai chuyện ở đầu bài. Mình mà biên tập sẽ cho bạn đăng nửa đầu của bài viết này :))

      2. Thế này chả mấy mà viết được truyện ngôn tình *hóng hóng* 😀

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s