Nhân chứng Thet Sambath và hành trình vạch lại tội ác

Tìm ra được những đồ tể dưới thời Khmer Đỏ đã khó, việc làm thế nào để họ kể về quá khứ mà chính họ đang muốn dấu đi lại càng khó khăn hơn gấp bội. Rất nhiều nhà làm phim và phóng viên đã thử và thất bại theo hướng đi này, nhưng Thet Sambath đã thành công.

Kỳ 1: Những khuôn mặt Phnom Penh ba thập niên sau Khmer Đỏ

“Cánh đồng chết” Choeung Ek

Nằm cách thủ đô Phnom Penh khoảng 17km, “cánh đồng chết” Choeung Ek là thực chất là một khu vườn rộng gần bằng một sân vận động bóng đá, bao bọc bởi ruộng lúa, với cây cối um tùm chứ không có vẻ gì là khủng khiếp như “ác danh” mà nó vẫn thường được gọi.

Giữa những ngày hè nắng gay gắt và phải trải qua một con đường đông đúc đầy bụi bặm từ Phnom Penh đến đây, nhiều khách viếng thăm còn thở phào nhẹ nhõm khi bước vào “khu vườn” xanh tươi này.

Nhưng có lẽ, những câu chuyện ẩn sau vẻ thanh bình của Choeung Ek sẽ trở thành một nỗi ám ảnh khó phai cho bất kì ai đã từng đến nơi này.

Khu hành hình này đã được bộ đội Việt Nam phát hiện vào năm 1979, ngay sau khi Phnom Penh được giải phóng. Nhận thức được vai trò quan trọng cả về ý nghĩa lịch sử cũng như bằng chứng tội ác của Khmer Đỏ, Choeung Ek đã được phía Việt Nam khai quật và bảo tồn một cách tỉ mỉ, trước khi bàn giao lại cho nước bạn. Những hài cốt lúc đầu được bảo quản trong một khu tưởng niệm bằng gỗ, sau đó được tân trang lại bởi một công ty Nhật Bản và có hình dáng như bây giờ.

 

Một trong những hố chôn tập thể tại Choeung Ek

Công việc khai quật đã bị dừng lại từ năm 2002, do vậy  không có con số chính xác về số người bị giết hại ở nơi đây. Theo những gì đã thu thập được cho đến hiện tại, con số đó rơi vào khoảng hơn 20.000 người, trong một khu vực chỉ rộng bằng hồ Gươm ở Hà Nội.

Đứng giữa trung tâm của khu tưởng niệm là một tòa tháp được xây theo kiểu tháp đựng tro cốt (stupa) của đạo Phật, tôn giáo lớn nhất ở Campuchia. Nhưng thay vì những dấu tích thiêng liêng của Phật giáo, bên trong đài tưởng niệm này là xương cốt và đầu lâu của hàng chục nghìn người vô tội đã bị giết hại dã man ở nơi đây. Phần lớn nạn nhân ở đây đều được mang đến từ nhà tù S21-Tuol Sleng-ở Phnom Penh.

Những cuộc hành hình được diễn ra một cách bí mật dưới ánh đuốc vào buổi tối, để tránh sự chú ý của những người dân thường; và cũng có lẽ, tạo ra sự bạo gan hơn cho những tên đao phủ.

 

‘Cây ma thuật treo loa phóng thanh để che dấu đi những âm thanh rên rỉ của các nạn nhân đang hấp hối trong một hố chôn tập thể khổng lồ ngay dưới gốc cây.

Đã từng đến những trại tập trung khét tiếng của phát xít Đức ở Ba Lan, tôi không thể tưởng tượng nổi có một nơi nào đó trên thế giới con người lại đối xử với nhau tàn nhẫn hơn thế. Nhưng ở Choeung Ek, sự thật đã vượt quá trí tưởng tượng.

Nạn nhân bị trói chân vào cùng với nhau, và được chở đến đây bằng những chiếc xe tải kín như bưng. Họ được những tên đồ tể đưa lại gần những hố chôn tập thể đã được đào sẵn, hoặc đôi khi là bị bắt phải đào những hố chôn cho chính mình.

Sau đó, cuộc hành hình kinh hoàng bắt đầu, không phải bằng súng, mà bằng những công cụ thô sơ như cuốc xẻng, gậy gộc, dao rựa, vốn làm cho sự đau đớn của các nạn nhân tăng lên gấp bội.  Cuối cùng, những tên đồ tể sẽ rải chất hóa học, thường là thuốc trừ sâu DDT, lên trên xác nạn nhân, để đảm bảo rằng không còn một ai sống sót.

Điều khiến tôi ám ảnh nhất ở “cánh đồng chết” Choeung Ek là những cái gốc cây cổ thụ xanh tốt. Chúng mọc lên với những hình thù kì lạ và mang đầy vẻ ma quái như bị quỷ ám. Trên một thân cây ngay bên cạnh một hố chôn tập thể, đề chữ “smashing babies tree”. Thật kinh hoàng khi dịch từ này ra tiếng Việt theo đúng nghĩa đen của nó: “cây (để) đập nát trẻ em”.

 

Một trong những nạn nhân nhỏ tuổi của Khme Đỏ

Theo lời kể của một người bạn người Campuchia, Khmer Đỏ thường hành hình trẻ em ở đây bằng cách túm lấy hai chân đứa trẻ và quật vào thân cây, ngay trước sự chứng kiến của bố mẹ.Và ở một cái cây kì quái khác ở ngay gần đó được gọi là “cây loa”, vốn là nơi Khmer Đỏ treo loa phóng thanh để che dấu đi những âm thanh rên rỉ của các nạn nhân đang hấp hối trong một hố chôn tập thể khổng lồ ngay dưới gốc cây.

Trước sự man rợ của con người, ngay cả những cái cây vô tri vô giác cũng trở thành vật gây tội ác.

Trên đất nước Chùa Tháp bé nhỏ này, còn có khoảng hơn 260 “cánh đồng chết” như ở Choeung Ek.

Lần theo vết máu

Chiến tranh kết thúc, để hòa giải dân tộc thì chính quyền mới của Campuchia đã không truy cứu các tội ác của Khmer Đỏ, nhất là những người đóng vai trò “tay sai”, thừa lệnh của cấp chỉ huy.

Những kẻ khát máu ngày xưa đã bằng cách này hay cách khác, ẩn mình dưới những cuộc đời mới ở khắp các đồng quê Cambodia. Có lẽ họ đã bị lịch sử lãng quên, và những câu chuyện của họ sẽ không bao giờ được nhắc đến, nếu như không có một người: Thet Sambath.

Toàn bộ gia đình Thet Sambath đã bị giết hại trong bốn năm của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Bố anh là người đứng lên phản đối việc thu toàn bộ tài sản của người dân trong một cuộc họp của “Angkar”, và bị bọn chúng sát hại dã man bằng hơn 200 nhát dao ngay sau đó.

Mẹ anh, sau cái chết thảm thương của chồng, bị ép phải tái hôn với một tên lính Khmer Đỏ, và chết trong một lần sinh con do mất máu. Anh trai anh cũng bị ép tham gia phong trào Khmer Đỏ, sau đó bị giết trong một cuộc thanh trừng nội bộ.

Sau năm 1979, đêm nào tôi cũng trằn trọc và giàn giụa nước mắt,” Thet kể lại.

Quyết tâm đi tìm nguyên nhân cho bi kịch của gia đình mình và hàng triệu người Campuchia khác, Thet bắt đầu đào sâu lại quá khứ giai đoạn 1975-1979 đen tối.

 

Nhà báo Thet Sambath

Để trau dồi kĩ năng điều tra và phỏng vấn, anh trở thành phóng viên vào năm 1995. Từ năm 2001, anh đã bắt đầu làm bộ phim tài liệu của cả cuộc đời mình: đi tìm sự thật về chế độ Khmer Đỏ.

Cho rằng chẳng có sự thật nào có giá trị hơn những lời bộc bạch từ chính những thành viên của nó, Thet lên kế hoạch điều tra, tìm hiểu, và làm quen với những tên đồ tể cũ, những kẻ thù sát hại cả gia đình mình, để giữ lại “sự thật cho lịch sử”.

Trong quá trình đó, anh đã bước đi một mình, đối diện với biết bao nhiêu nguy hiểm, và phải sử dụng hết số tiền lương ít ỏi để phục vụ cho dự án. Mái ấm nhỏ với hai đứa trẻ, anh phải để mặc cho người vợ chăm lo, dù anh chưa bao giờ nói nửa lời với chị về cái mình đang làm.

Tìm ra được những đồ tể dưới thời Khmer Đỏ đã khó, việc làm thế nào để họ kể về quá khứ mà chính họ đang muốn dấu đi lại càng khó khăn hơn gấp bội. Rất nhiều nhà làm phim và phóng viên đã thử và thất bại theo hướng đi này, nhưng với Thet Sambath, anh đã thành công.

“Để tiếp cận được họ, bạn phải biết cách nói chuyện với những người nông dân mù chữ ( nhận lệnh thực hiện những vụ hành hình), do đó người nước ngoài hoặc các nhà báo đơn thuần rất khó để làm được điều này. Nhưng tôi cũng là một người nông dân, và tôi có những cách riêng để giúp họ lên tiếng, “Thet nói.

Anh thường mất đến từ một đến ba năm để làm quen với một mục tiêu. Đầu tiên anh đến gia đình của họ, nói chuyện với vợ con họ, tâm sự về cuộc sống,nhà cửa, mùa màng…tất cả những cách mà làm cho anh trở nên thật gần gũi với gia đình.

Sau khi đã thân thiết, anh sẽ lựa chọn những thời điểm thích hợp nhất, ví dụ như trong khi đang uống rượu tâm giao, để giãi bày về Khmer Đỏ và ướm hỏi những người đồ tể cũ về những cuộc thảm sát ở “cánh đồng chết”.

“Nhiều người  sẽ nói ngay: anh muốn biết cái đó à? Chính tôi cũng làm đấy!” Thet nói. “Khi đó, tôi chỉ cười và im lặng. Ngày hôm sau, tôi đến với tư cách của một người bạn, và phỏng vấn họ một cách nghiêm túc, với lời hứa rằng đây chỉ đơn thuần là quá trình đi tìm sự thật cho thế hệ những người Campuchia sau này, không liên quan gì đến ECCC (tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ-phóng viên) cả. ”

 

Thet Sambath phỏng vấn  Nuon Chea, “anh cả số hai” của chế độ Khmer Đỏ

Khó khăn nhất của Thet vẫn là cố gắng chế ngự cảm xúc của mình. “Tôi đã phải ngồi hàng giờ nghe họ kể về cách họ giết người như thế nào, và vẫn phải mỉm cười với họ. Trong khi cả gia đình tôi đã chết dưới tay một trong những người này,” Thet chia sẻ trong bộ phim “Kẻ thù của nhân dân (Enemies of the People), công trình mười năm đã vén ra tấm màn bí mật về Khmer Đỏ nằm trong bóng tối lâu nay.

Với cách tiếp cận “đầy tình người” của mình, Thet Sambath là phóng viên duy nhất được Nuon Chea, “anh cả số hai” của chế độ Khmer Đỏ, tin tưởng và trả lời về chế độ này trong giai đoạn 1975-1979.

“Tôi đã phải nói dối với Nuon Chea rằng bố mẹ tôi vẫn sống bình thường như những người khác, và qua đời vào những năm 1980. Nếu biết rõ về hoàn cảnh của tôi, sẽ rất khó để tiếp cận người này, “Thet cho biết.

Bộ phim của anh và người bạn đồng hành sau này, đạo diễn người Anh Rob Lemkin, được hoàn thành vào năm 2010, và ngay lập tức đoạt được hàng loạt giải thưởng danh giá ngay sau đó.

Phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ đã đề nghị được sử dụng các thước phim anh quay được làm bằng chứng buộc tội Nuon Chea, nhưng Thet đã từ chối để giữ lời hứa với ông này khi thực hiện bộ phim. Hệ quả là chính phủ Campuchia hiện nay vẫn chưa cho phép “Kẻ thù của nhân dân” được phát hành chính thức ở nước nhà.

Mười hai năm trước (1999), khi cứ địa cuối cùng của Khmer Đỏ bị khuất phục, thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng đã đến lúc để “đào một cái hố sâu và chôn vùi đi quá khứ”.

“Ông ấy nói đúng, tất cả chúng ta đều muốn quên đi quá khứ, nhưng chỉ khi mà sự thật được phơi bày và chúng ta hiểu rõ được tấn thảm kịch mà người dân Cambodia đã phải chịu đựng,” Thet phát biểu trên tờ the Guardian của Anh nhân dịp bộ phim của anh được công chiếu tại London.

Với cá nhân Thet Sambath, sự thật về những “cánh đồng chết”, về những mất mát của gia đình anh, về nỗi đau thương của cả một dân tộc, đã được lý giải gần như thỏa đáng. Bây giờ anh có thể nhẹ nhõm mà chăm lo cho gia đình bé nhỏ của mình, trồng cây trên những thửa ruộng ở vùng biên giới, và đặt lưng nghỉ ngơi sau hành trình 10 năm với biết bao gian khổ.

Những cánh đồng của anh sẽ hòa vào màu xanh bát ngát của lúa và thốt nốt trên khắp mảnh đất này, để cho cả thế giới thấy rằng, cánh đồng chết bây giờ đã hồi sinh.

Bài được xuất bản trên Tuần Việt Nam http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-09-06-nhan-chung-thet-sambath-va-hanh-trinh-vach-lai-toi-ac

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s