Những khuôn mặt Phnom Penh ba thập niên sau Khmer Đỏ (kì 1)

Những người Campuchia khác nhau, từ giáo sư của trường ĐH Hoàng Gia Phnom Penh đến các sinh viên, từ những nhân viên công sở đến người lái xe tuk-tuk (xe lôi) trên phố, rằng họ có muốn trả thù Khmer Đỏ không. Có một câu trả lời chung giữa họ: đó là cái lắc đầu nhè nhẹ và một nụ cười thân thiện như những khuôn mặt bí ẩn ở chùa Bayon.

 

LTS: Ngày 27/6/2011 vừa qua dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, sau một quá trình thương lượng lâu dài với chính phủ Campuchia, bốn lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ đã bị đưa ra xét xử tại thủ đô Phnom Penh, vì những cáo buộc tội diệt chủng và nhiều tội ác khác nhau. Phiên toà đã thu hút hàng ngàn người dân Campuchia tham gia, cũng như sự chú ý theo dõi của toàn thế giới.

Sau sự kiện này, một giai đoạn lịch sử bi thảm của đất nước Chùa Tháp lại được lật lại. Những sự kiện, câu chuyện kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người vẫn hiện hữu đâu đây, đặc biệt trong ký ức những người dân Campuchia, những nhân chứng của tội ác, câu chuyện vẫn như mới diễn ra hôm qua.

Tuần Việt Nam xin được giới thiệu loạt bài ký sự của tác giả Khắc Giang.

Bài 1: Khmer Đỏ và tấn bi kịch của lịch sử

Tôi đến Phnom Penh vào những ngày hè tháng bảy, ngay giữa mùa mưa ở vùng đồng bằng phì nhiêu màu mỡ này. Là nơi giao nhau giữa sông Tongle Sap nối với biển Hồ và dòng Mekong huyền thoại, Phnom Penh là một thành phố duyên dáng với những kiến trúc mang đậm dấu ấn Khmer và Phật giáo, xen lẫn với những tòa nhà kiểu phương Tây mọc lên san sát ở các khu phố mới.

Trên hòn đảo giữa dòng Mekong, lớn hơn bãi nổi sông Hồng một chút, những tòa cao ốc của các hãng bất động sản có tiếng tăm trên thế giới cũng đã xong phần móng, hứa hẹn trở thành bộ mặt hiện đại cho thủ đô của đất nước Chùa Tháp.

Trên đường phố, những dòng xe cộ đi lại tấp nập chẳng kém gì Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, thậm chí còn có nhiều ô tô hơn. Tất cả đều mang hơi thở của một thành phố trẻ, năng động, và tràn đầy lạc quan về tương lai.

 

Cô gái Campuchia hôm nay

Quá khứ kinh hoàng

 

Ít ai có thể tưởng tượng được rằng chỉ cách đây hơn ba chục năm lẻ, Phnom Penh chỉ là một nhúm phố điêu tàn với vài chục ngàn dân cư so với gần hai triệu người như bây giờ. Khi bộ đội Việt Nam cùng với lực lượng giải phóng Campuchia tiến vào thành phố, tất cả chỉ còn lại những đống hoang tàn đổ nát trong một bầu không khí sặc mùi chết chóc.

Bốn năm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, được bọn chúng gọi là “năm số không” (Year Zero), hàng triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa để về nông thôn làm lao động khổ sai.

Để xây dựng một nền “chuyên chính vô sản” và một “xã hội công bằng” tuyệt đối, Khmer Đỏ đã biến tất cả người dân Campuchia thành “vô sản” thực sự theo đúng nghĩa đen của nó: ra đi mà không được phép mang theo bất kì tài sản có giá trị nào. Sở hữu cá nhân hoàn toàn bị loại bỏ. Tiền tệ và quan hệ mua bán bị thủ tiêu, chế độ nhà nước toàn trị được thiết lập.

Nhằm “tái kiến trúc xã hội”, Khmer Đỏ quyết “cào bằng giai cấp” bằng cách cải tạo hoặc dùng “giải pháp cuối cùng” đối với lực lượng tri thức, thành phần mà bọn chúng cho là chống đối “Angka”(Tổ Chức), làm gián điệp cho nước ngoài, và là những kẻ phản cách mạng.

 

Tấm bản đồ Campuchia bằng đầu lâu người, với hình ảnh biển Hồ được tô đậm bằng màu máu

Hơn 90% lực lượng trí thức của Cambodia đã bị giết hại trong thời gian này, con số mà có lẽ những bạo chúa căm ghét trí thức đến tột độ như Tần Thủy Hoàng cũng không thể làm nổi.

Cách “tìm và diệt” trí thức của chế độ Pol Pot cũng vô cùng quái gở: ngoài những người được nhận định rõ ràng là tri thức tiểu tư sản, những ai đeo kính hoặc không có “chai” tay cũng bị khép vào lực lượng nằm ngoài xã hội.

Thế nên mới có chuyện trên những cánh đồng công xã của Khmer Đỏ, thi thoảng lại có những tên lính nhảy bổ xuống và giật tay kiểm tra những người đang lao động khổ sai. Những ai không có chai tay thì bị giáng ngay những đòn chí mạng, sau đó sẽ “được” đưa đến những trại tù khét tiếng của Khmer Đỏ, đồng nghĩa với một bản án chết đợi sẵn.

Chế độ diệt chủng man rợ này chỉ kết thúc khi lực lượng quân tình nguyện Việt Nam, kết hợp với mặt trận cứu quốc do người Campuchia thành lập, mở chiến dịch lật đổ tập đoàn Pol Pot vào cuối năm 1978. Chỉ trong vòng hai tuần, quân giải phóng đã tiến đến Phnom Penh và buộc chính quyền Khmer Đỏ phải tháo chạy khỏi thủ đô.

Địa ngục trần gian

 

Di tích nhà tù Tuol Sleng

“Di sản” lớn nhất của Khmer Đỏ để lại trước khi trốn khỏi Phnom Penh là địa ngục trần gian Tuol Sleng, nhà tù S21 khét tiếng do “Đồng chí Duch” cầm đầu, nơi mà trong số gần 20,000 tù nhân bị đưa đến đây chỉ còn lại bảy người sống sót.Có chuyện kể rằng khi những người lính Việt Nam đầu tiên bước vào giải phóng nhà tù này, họ đã hết sức kinh hoàng khi chứng kiến những gì còn sót lại ở nơi đây: những phòng giam đầy máu, lê liệt những xác chết không lành lặn, cùng với đó là những mảnh thi thế vương vãi khắp nơi ở trong một khuôn viên chỉ rộng chừng bằng một cái trường tiểu học này.

“Mặc dù trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong nửa cuối thế kỉ XX, những người lính Việt Nam đã không thể tưởng tượng nổi một khung cảnh địa ngục ghê sợ như vậy khi tiến vào Tuol Sleng.”Một tấm biển giới thiệu ngay trước cửa nhà tù S21 ghi lại.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi, cũng như những ai đã từng đến thăm khu địa ngục trần gian này, là những bức ảnh chân dung các tù nhân, lưu lại bởi chính lực lượng Khmer Đỏ.

Vào ngày 8-1 lịch sử trong năm 1979, dưới tiếng đạn pháo dồn dập của quân giải phóng, những tên cai ngục hoảng loạn đã không kịp xóa đi những dấu vết tội ác của mình trước khi bỏ trốn khỏi đây.

Tù nhân S21 là những con người khác nhau, đủ mọi lứa tuổi, thành phần, giới tính, dân tộc, gồm cả người nước ngoài và những đứa bé có lẽ mới cai sữa mẹ, bị giam giữ và tra tấn tại Tuol Sleng.

 

Những nạn nhân nhỏ tuổi ở nhà tù Tuol Sleng

Khác với ở Auschwitz, trại tập trung của Đức Quốc Xã, tất cả các tấm ảnh chụp nạn nhân ở đây đều là những chân dung nhìn thẳng vào máy ảnh. Nó làm cho bất kì ai bước vào đây cũng có cảm giác là hàng chục ngàn đôi mắt vô tội, thất thần, đang bủa vây lấy mình xin cầu cứu.

Để thể hiện “bản chất nhân đạo” của mình, bọn cai ngục S21 đã bắt các nạn nhân phải cười trước khi chụp ảnh. Nhưng những ai có một chút tình thương con người đều có thể nhận ra những nụ cười ra nước mắt của họ. Nhiều người đã rơi nước mắt khi nhìn thấy bức ảnh một người đàn ông đang vừa cười vừa khóc, khi một cánh tay của viên cai ngục đang cố cù vào hông để lấy cho bằng một nụ cười mếu máo của ông.

Điểm kết của nhà tù Tuol Sleng là một tấm bản đồ Campuchia bằng đầu lâu người, với hình ảnh biển Hồ được tô đậm bằng màu máu. Không rõ ai là người đã làm nên cái bản đồ được cho là ghê sợ nhất trong lịch sử nhân loại này, nhưng nó có lẽ đã mô tả chuẩn xác nhất đất nước Chùa Tháp trong bốn năm dưới chế độ Khmer Đỏ: chỉ là một cánh đồng đầy máu và chết chóc.

“Đất nước giờ đây khác rồi…”

 

Một cây súng bị bẻ cong nòng, biểu tượng hòa bình mới của Campuchia

Chế độ diệt chủng bị xóa bỏ, cuộc nội chiến dai dẳng gần 30 năm cũng đã kết thúc vào năm 1998, Campuchia giờ đã trở lại với hình ảnh của một quốc gia trung lập, thân thiện, và trên tất cả, yêu chuộng hòa bình.Sau khi những tàn dư cuối cùng của nhóm cực đoan trong lực lượng Khmer Đỏ bị quân đội hoàng gia quét sạch, thủ tướng Campuchia Samdek Hunsen đã ra lệnh gom tất cả những vũ khí thu được trong cuộc nội chiến, đặt giữa trung tâm Phnom Penh, cho xe tăng cán nát, và dùng số kim loại đó để tạo ra một cây súng bị bẻ cong nòng, biểu tượng hòa bình mới cho quốc gia.

Với người Campuchia, chính quyền không còn ở trên đầu họng súng như kim chỉ nam hành động của Khmer Đỏ nữa, mà là lực lượng biết nắm giữ và bảo vệ hòa bình, hòa giải, và thống nhất dân tộc.

Những phiên tòa xét xử tội ác của Khmer Đỏ vẫn đang diễn ra ở Phnom Penh với sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc, với việc bốn lãnh đạo hàng đầu còn sống sót bị đưa ra tòa và buộc các tội khác nhau.

Pol Pot đã chết vào năm 1998, còn “đồng chí Duch” thì đã bị xử phạt 35 năm tù giam, bản án quá nhẹ cho những tội ác hắn gây ra ở Tuol Sleng.

Nhưng hận thù dân tộc thì có lẽ đã không còn. Tôi đã hỏi những người Campuchia khác nhau, từ giáo sư của trường ĐH Hoàng Gia Phnom Penh đến các sinh viên, từ những nhân viên công sở đến người lái xe tuk-tuk (xe lôi) trên phố, rằng họ có muốn trả thù Khmer Đỏ không. Có một câu trả lời chung giữa họ: đó là cái lắc đầu nhè nhẹ và một nụ cười thân thiện như những khuôn mặt bí ẩn ở chùa Bayon.

Đi khắp nơi trên đất nước Campuchia, hình ảnh quen thuộc nhất có lẽ là bức tượng vua Vayajaman VII, khuôn mặt hướng về phía trước với đôi bàn tay bị cụt. Người Cambodia lý giải rằng, sau khi đi chinh chiến khắp nơi và xây dựng nên đế chế Khmer hùng mạnh nhất trong lịch sử, vị vua này đã “rửa tay gác kiếm” và quyết tâm xây dựng quốc gia hòa bình và yên ổn, không đi gây chiến với các nước khác.

Đôi bàn tay cầm vũ khí của ông đã bị “cắt bỏ” mãi mãi.

Tại sao một dân tộc yêu chuộng hòa bình như Campuchia lại phải chịu những bi kịch khủng khiếp như vậy của lịch sử? Đó có lẽ là một câu hỏi lớn mà chỉ sau khi phiên tòa xét xử những tên Khmer Đỏ cầm đầu kết thúc trong vài năm tới, chúng ta mới có được câu trả lời xác đáng.

Bài đã được xuất bản trên Tuần Việt Nam http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-09-06-nhung-khuon-mat-phnom-penh-ba-thap-nien-sau-khmer-do-

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s