Bốn mươi năm sau khi truyện ngắn nổi tiếng “lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long ra đời, những người làm công tác khí tượng thủy văn ở Tây Bắc vẫn đang đều đặn viết tiếp câu chuyện”đo ý trời” hàng ngày. Chỉ có điều khi lớp vỏ lãng mạn được vén lên, thì vẫn còn đó những gian khó mà chỉ có người trong nghề mới thấu hiểu hết.
Rượu và cái Tết của người Mông ở Mù Cang Chải
Một chiều thăm nhà thầy cúng trên bản Mông
Thị trấn Mù Cang Chải nằm lọt thỏm trong một thung lũng hẹp trên quốc lộ 32, kẹp giữa bởi hai rãnh núi cao vút, quang năm phủ đầy mây thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Dẫu là trung tâmhuyện, thị trấn này vẫn rất thưa thớt với một khu chợ nhỏ và một bến xe chỉ đông khách vào lúc gần nửa đêm, khi xe chạy tuyến Lai Châu-Hà Nội dừng lại đón khách và nghỉ chân.
Vào dịp Tết của đồng bào Mông, nó lại càng trở nên vắng vẻ hơn nữa, đường phố chỉ có vẻ đông người chút xíu vào buổi sáng, khi sương núi làm cho không gian được then chặt lại hơn.
Nằm ở một góc khuất bên kia dòng Nậm Kim, con suối cắt ngang thị trấn và khu bảo tồn sinh vật cảnh, là một góc hẻo lánh của cả vùng đất hẻo lánh này. Đó là trạm khí tượng-thủy văn Mù Cang Chải, nơi có những người vẫn đang viết tiếp câu chuyện về cái nghề “lặng lẽ” ở vùng rừng núi Tây Bắc.
Nỗi khổ của những người “đo ý trời”
Do là trạm kép-vừa làm nhiệm vụ đo khí tượng kiêm luôn cả thủy văn-cho nên trạm Mù Cang Chải có quân số đông hơn ở những nơi khác. Trạm có tất cả bảy người, gồm bốn người làm khí tượng và ba người còn lại lo phần thủy văn.
Ngoại trừ bác Đạm, trạm trưởng, là “thổ địa” của Mù Cang Chải, thì anh em ở đây đều từ các tỉnh khác chuyển đến, người gần thì ở Nghĩa Lộ (cách Mù Cang Chải tầm 100km), ngườixa thì ở tận Lào Cai, Phú Thọ, Sơn Tây, đi đến đây cũng phải mất vài trăm cây số. Vì thế mọi người đều sống luôn ở một dãy nhà cấp bốn trong trạm để tiện cho công việc hàng ngày.
“Đặc thù của cái ngành này là phải bám trạm. Nghĩa là đã làm việc thì phải ăn, ở, ngủ, nghỉ ở trạm luôn, để khi nào cũng có người canh và đo đạc số liệu, ” Anh Diệp Ngọc Anh, cán bộ khí tượng, cho biết. “Ngày bình thường thì đi làm theo bốn “ốp” (ops): một giờ sáng-bảy giờ sáng-một giờ chiều-và bảy giờ tối, đến ngày mưa lũ thì là 24 ốp, tức là giờ nào cũng phải đi quan trắc.”
“Cái nghề này rất là ngược đời, những lúc người ta cần phải trốn ông trời nhất thì lại là những khi chúng tôi phải phơi ra để làm việc,” Anh Ngọc Anh cười.
Dẫu toàn là những người quê xa, nhưng do yêu cầu nghề nghiệp như vậy nên thời gian nghỉ phép của các anh chị ở đây cũng rất ít, mỗi năm cũng chỉ về được vài ngày.
“Có khi bố mẹ ốm đau thì chỉ về thăm được một hai hôm thôi, chứ cũng không ở lại trông nom được, vì nói chung cái nghề này làm cả ngày lẫn đêm nên không ai làm giúp cho mình,” chị Yên, vợ anh Ngọc Anh, cũng là cán bộ khí tượng ở đây, chia sẻ.
Anh chị yêu và lấy nhau từ hồi đầu những năm chín mươi, khi anh Ngọc Anh vẫn còn công tác ở trạm khí tượng Lục Yên (Yên Bái). Chị Yên sau đó cũng vào nghề trong năm 1998, nhưng phải đến năm 2006 mới xin được lên công tác cùng chồng ở mảnh đất Mù Cang Chải xa xôi này.
![]() |
Thiết bị đo thủy văn |
Đến bây giờ, hai anh chị ở luôn tại nhà tập thể của trạm, “làm nghề khí tượng suốt ngày ở trong trạm, nên chủ yếu là người trong ngành yêu nhau thôi, nếu còn không tìm được ai nữa thì chịu ế đến già,” Chị Yên nửa đùa nửa thật.
Con cái thì do điều kiện học hành nên đều phải gửi mỗi đứa một nơi ở Yên Bái cho ông bà trông nom hộ, hai anh chị một năm vài lần đến thăm con, chứ không có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ chúng thường xuyên như những bậc cha mẹ khác. Thế nhưng như vợ chồng anh vẫn còn là may mắn chán.
Ở trạm còn có những người như anh Hoàng, cán bộ thủy văn, vừa cưới vợ được ba tháng thì đã phải lên đây công tác. “Lúc đầu nghe tin phải lên đây thì như rụng rời chân tay, bởi cái tên Mù Cang Chải nghe nó xa xôi mà hẻo lánh quá, vợ con thì đang bầu bí,”
Anh Hoàngcười. “Cũng may là cưới vợ trước mới lên đây, chứ không bây giờ thì có mà ế.”
Thế mà anh Hoàng cũng đã bám trụ được ba năm. Sống riết ở trên này cũng quen, một năm cố gắng lắm cũng chỉ hai ba lần về thăm gia đình. “Nhớ thì nhớ lắm, nhưng phần vì đường xá xa xôi, phần vì đồng lương còm cõi quá, về quê nhiều thì chết đói,” Anh Hoàng phân trần.
Mức lương của anh bây giờ là 2.5 triệu đồng/tháng, còn không đủ bù vào số tiền thóc lúa bố mẹ bán đi hàng tháng nuôi ăn học mấy năm ròng ở Hà Nội.
Với anh Diệp Ngọc Anh, 20 công tác trong nghề, cũng chỉ có mức lương bốn triệu đồng, giỏi lắm cũng chỉ đủ xoay sở tiền ăn tiêu cho hai vợ chồng, ở một cái xứ mà thứ gì cũng đắt đỏ vì toàn phải nhập từ dưới xuôi lên. Số tiền lương 2.5 triệu đồng của chị Yên, vợ anh, thì để dành chu cấp cho con ăn học.
Trên “lầu Ngưng Bích” vùng cao…
Công việc “đo ý trời”, xét về mặt nghiệp vụ, thì tương đối đơn giản. Nhiệm vụ của quan trắc viên chỉ là ghi lại thông tin về thời tiết được mã hóa trong các hộp thu số liệu có hình dạng từa tựa như tổ chim bồ câu, gọi là lều khí tượng, rồi thông báo về cho trung tâm xử lý.
Với cán bộ thủy văn thì tính toán mực nước và lưu lượng nước thông qua thước đo theo kiểu bậc thang, và bằng một hệ thống chạy bằng ròng rọc.
Cái khổ của nghề này, như chị Yên có đề cập ở trên, là lúc ông trời càng giở chứng thì họ lại càng phải ra ngoài để lấy số liệu. “Lắm lúc trời sấm chớp đì đùng, 1-2 giờ sáng đi lên kiểm tra lều khí tượng một mình, tim cứ đập thình thịch như sắp nhảy ra khỏi ngực đến nơi,” chị Yên vừa nói vừa chỉ cho tôi xem cấu tạo của cái lều khí tượng.
Chị chỉ tay lên một quả đồi nhỏ gần đó, bảo rằng cách đây vài năm vẫn phải trèo lên núi để lấy số liệu, bây giờ thì “lều” được chuyển xuống đặt ngay cạnh trạm nên còn đỡ. “Hồi mới lên đây chị còn sợ ma lắm, nhưng làm vài tuần thì hết luôn cả sợ,” chị cười.
Nghề quan trắc là nghề vừa “không có gì” lại vừa “có gì.” Nói như vậy là bởi làm trong nghề đến cả mấy chục năm thì nhiệm vụ vẫn nghìn ngày như một: đi lấy số liệu xong rồi báo cáo về trung tâm. Thế nhưng vắng một “ốp” thôi thì cũng không được, vì như vậy sẽ thông tin thời tiết của ngày hôm đó coi như hỏng. Báo cáo xong cũng không được đi đâu xa, đề phòng trường hợp số liệu có vấn đề thì sẽ phải đi đo lại.
Vậy nên quan trắc viên ở đây chẳng khác nào Kiều ở lầu Ngưng Bích, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong trạm. Ở thành phố phải ngồi một chỗ như dân văn phòng đã thấy chán rồi, lên vùng cao thưa thớt lại càng chán hơn. Đến đây mới biết, chuyện anh thanh niên làm quan trắc ở Sapa chặn đường tìm người nói chuyện không phải là do nhà văn Nguyễn Thành Long nói quá.
Sự nhàm chán về mặt tinh thần ấy nhiều khi có thể bóp nghẹt được cả những trái tim tuổi trẻ còn hăng say nhất. Bác Đạm cho biết năm nay là quân số ổn định nhất, có bảy người mà chưa có ai…bỏ nghề. “Như hàng năm mấy anh trẻ trẻ vào đây làm được vài ba bữa rồi nghỉ luôn cũng nhiều lắm, có anh làm được đến tháng thứ ba thì “gút bai” trạm rồi về quê luôn, còn không thèm đến nhận lương”
Mà cũng đâu kể là trẻ hay không, đến ngay cả những người “cứng tay” nhất cũng đã từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Nhưng ngặt nỗi, bỏ nghề này thì cũng chẳng biết làm cái gì mà sống, “đành cắn răng mà làm cho đến khi nhà nước cho về hưu vậy”, chị Yên tâm sự. Vậy nên nghành khác thì người ta chạy chọt để xin vào, còn ngành này thì lại chạy chọt để xin…ra.
Bác trưởng trạm bảo, muốn cấp trên tăng chế độ cho cán bộ trong nghành lắm, vừa là để cho đời sống anh chị em đỡ khổ, vừa giữ được người giỏi ở lại. Thế nhưng với một cái nghề không được thời thượng như quan trắc, chẳng biết bao giờ mong muốn đó của bác mới trở thành sự thực, dẫu năm nào xuống Việt Trì họp ( nơi đặt trụ sở Đài Khí Tượng Thủy văn Khu vực Việt Bắc) bác cũng đề xuất với kiến nghị.
Vài năm nữa, bác đủ tuổi về hưu, “được” giã từ với công việc lặng lẽ này sau hơn 30 năm cống hiến. Với chị Yên, anh Ngọc Anh, hay anh Hoàng, chặng đường…chờ về hưu để trở lại vùng xuôi vẫn còn dài đằng đẵng.
(bài viết được đăng trên Vietnamnet http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/59810/nhung-nguoi–do-y-troi–tren-dinh-mu-cang-chai.html)