Một chiều thăm nhà thầy cúng trên bản Mông

Cụ Lý Bốt Kí vo từng viên thuốc phiện nhỏ cỡ đầu ngón tay út, bỏ vào một cái ống trông như điếu cày ở dưới xuôi nhưng bé hơn một chút, rồi rít lấy rít để.

>> Rượu và cái Tết của người Mông ở Mù Cang Chải

Nhà thầy cúng Lý A Sằng nằm thấp hơn những nhà khác ở Trống Páo Sang, chếch sâu trong một hẻm núi kín, đường vào tương đối khó đi. Thầy Sằng còn rất trẻ, nếu so với những “đồng nghiệp” khác. Năm nay thầy mới 29 tuổi đời, nhưng đã có đến hơn chục năm kinh nghiệm trong nghề. Thầy trông khá hiền lành, thậm chí có vẻ hơi nhút nhát nữa, nhưng khi làm việc thì rất tập trung.

Hôm tôi đến, thầy đang làm lễ cúng khai xuân, mừng năm mới và đuổi tà ma của năm cũ đi, trọn cả một buổi chiều. Những người thân trong nhà thầy, hàng xóm, và cả “khách hàng” quen, đến quây quần bên bếp lửa hơ tay, hút thuốc lào, và xem thầy làm phép.

Con ma làm ra…thầy cúng

Không phải người Mông nào cũng có thể được làm thầy cúng. Nghề này không phải là nghề cha truyền con nối, mà phụ thuộc rất nhiều vào cái duyên.

Làm thầy cúng, theo người Mông, là “được con ma nó dạy”, qua một lần ốm thừa sống thiếu chết thì sẽ tự nhiên biết được tiếng Quan Hỏa cổ, thứ ngôn ngữ linh thiêng của người Mông, biết được cách liên lạc với “nhà trời”, thần linh, tà ma, và quan trọng hơn cả là biết làm phép. Thế nên dẫu nghề này theo lý thuyết là có thể “học việc” được, người Mông vẫn tin vào thầy cúng “tự nhiên” hơn.

Thầy cúng Lý A Sằng cũng là một trường hợp “được con ma nó dạy”. Năm 19 tuổi thầy bị ốm rất nặng, mê man trong suốt hai năm liền. Người nhà cầu cứu khắp nơi không được, thì bỗng dưng một ngày thầy tỉnh lại, và đột nhiên nói bằng tiếng… Quan Hỏa cổ. Từ đấy thầy làm nghề thầy cúng. Trường hợp của thầy là khá lâu, vì bình thường một thầy cúng bị “ốm chuyển đổi” chỉ khoảng từ nửa năm cho đến kịch kim là hai năm.

Qua lời của một anh người Mông biết tiếng Kinh phiên dịch (thầy không nói được tiếng Kinh), thầy Lý A Sằng tâm sự rằng khi làm phép thì thầy cúng như bị ma nhập, bị “cướp hồn”, trở thành một con người hoàn toàn khác. Cho nên nhiều khi làm phép xuyên đêm, từ sáng mờ cho đến tối mịt, thầy cũng không thấy mệt.

Bàn thờ trong nhà thầy cúng Lý A Sằng. Ảnh: Khắc Giang

Mà cái nghề này cũng phải gìn giữ rất ghê, không phải thích làm gì cũng được. Vì thầy cúng, như cách nghĩ của người Mông, là “người nhà trời”, phải ăn sạch, uống nước từ tận đầu nguồn. Thầy mà không tuân theo các quy phép nghề nghiệp đó thì sẽ đổ bệnh, chỉ có thể làm phép cầu xin “nhà trời” tha thứ thôi, chứ còn càng đưa đi bệnh viện thì bệnh sẽ càng thêm nặng.

Thầy cúng khác với thầy mo, dù cả hai công việc này đều rất được người Mông coi trọng. Thầy mo chuyên lo các thủ tục, lễ nghi cho họ hàng, và mỗi họ thì lại có một thầy mo riêng, thầy Sằng cho biết.

Nghề thầy cúng hôm nay

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nghề thầy cúng là đuổi con ma mang bệnh tật đến cho dân bản. Cụ Lý Bốt Kí, một người Mông đã gần 80 cái xuân xanh, cho biết rằng ngày xưa ốm đau bao giờ cũng phải mời thầy cúng đến nhà trước tiên. “Bây giờ xã hội thay đổi rồi, thì người ta mời thầy cúng đến nhà cũng ít đi. Bây giờ có bị ốm đau thì phải đưa đi viện trước, nếu không chữa khỏi thì mới mời thầy cúng đến nhà.”

Mời thầy cúng có thường xuyên hay không thì cũng phải tùy thuộc vào tình hình sức khỏe nữa, như ông Kí thì kể rằng một năm ông mời thầy đến nhà hai lần, mỗi lần thầy “làm phép” khoảng hai tiếng đồng hồ.

Tiền “làm phép” nói chung cũng khá tốn kém, nếu đem ra cân đong đo đếm với cuộc sống còn khó khăn của người Mông nơi đây. Tiền mua đồ cúng mất khoảng 300 nghìn đồng, còn tiền công cho thầy cúng là từ 30 đến 50 nghìn đồng. “Có cho thêm tiền thì thầy cúng cũng không nhận,” Thầy Sằng nói.

Cảnh đốt bùa năm cũ ghi tại nhà thầy cúng Lý A Sằng. Ảnh: Khắc Giang

Vì cái nghề mang đầy tính tín ngưỡng như vậy, cho nên mỗi một bản chỉ có trung bình 3-4 thầy cúng. Riêng ở Trống Páo Sang, chỉ có hai thầy, thầy Sằng và một thầy còn lại khoảng chừng 70 tuổi.

Dụng cụ làm phép không thể thiếu của thầy cúng là hai mảnh sừng trâu cắt ngang. Sau khi chuẩn bị hết đồ để cúng, làm xong các nghi lễ, thầy cúng mới tung hai mảnh sừng trâu xuống đất để đoán bệnh. Nếu cả hai đều ngửa thì tức là đã “bắt” được cái bệnh, sau đó thầy cúng sẽ phán cho gia chủ biết là tổ tiên đang muốn mình làm gì, cần cúng tiếp những cái gì để khỏi bệnh. Tầm từ 3-10 ngày sau, nếu bệnh tình đã đỡ thì lại mời thầy cúng đến tiếp.

Nếu hai cái mảnh sừng kia đều úp thì là điều tốt, điềm báo rằng không lâu sau thì sẽ khỏi bệnh. Nếu tung được một mặt sấp một mặt ngửa thì thầy sẽ làm phép và tung lại đến khi nào tung được hai mặt như nhau thì thôi.

Cách chữa bệnh của thầy cúng nói chung là hơi…mơ hồ, nhưng thật kì lạ là, như cụ Lý Bốt Kí nói, nhiều trường hợp bệnh nhân đưa đi viện không chữa được, về nhà “cúng ma” thì lại khỏi.

Bản sắc…bàn đèn

Trong bản của người Mông thì nhà của thầy cúng bao giờ cũng giữ được cái chất truyền thống rõ nhất, kể cả thói quen…hút thuốc phiện bằng bàn đèn. Khi thầy cúng còn đang mải làm lễ, một số cụ già leo lên giường và lôi bộ bàn đèn ra để lau chùi, rồi châm lửa…hút.

Cụ Lý Bốt Kí vo từng viên thuốc phiện nhỏ cỡ đầu ngón tay út, bỏ vào một cái ống trông như điếu cày ở dưới xuôi nhưng bé hơn một chút, rồi rít lấy rít để. Khói của “nàng tiên nâu” bay ra thơm lừng cả gian phòng, cụ nằm nghiêng người thở dài sảng khoái, mắt nhắm nghiền như cố giữ chút lạc thú còn sót lại.

Nhà của thầy cúng bao giờ cũng giữ được cái chất truyền thống rõ nhất, kể cả thói quen…hút thuốc phiện bằng bàn đèn. Ảnh: Khắc Giang

Tôi ngạc nhiên quá, mới hỏi là chính quyền không cấm à, sao các cụ vẫn hút được thuốc phiện, thì cụ Lý Bốt Kí mới gãi đầu cười:” Cái phong tục của người Mông là thế, người già như tao không bỏ được.”

Cụ Lý Bốt Kí thấy phóng viên nhìn sự việc có vẻ nghiêm trọng quá, nên mới vội vàng nói tiếp là cái này hút ít thì cũng không nghiện đâu, nên thi thoảng cụ mới hút chơi thôi. Thêm nữa, cái giống thuốc phiện này thực ra là cũng có nhiều công dụng, như là chữa được kiết ly này, đau khớp này, và nhiều loại bệnh khác nhau nữa.”Tất nhiên dùng nhiều thì có hại, cái này tao biết mà,” Cụ Kí bảo.

Tôi có hỏi cụ là mua thuốc ở đâu, cụ chỉ cười và nói rằng mua ít ít ở vùng khác thôi, mà chính quyền làm dữ quá cho nên dạo này cũng khó mua lắm rồi. Trồng anh túc thì hồi xưa dân bản nhà nào cũng trồng, vừa để mình hút, vừa mang đi bán. Thế nên vùng La Pán Tẩn này lúc trước mới được mệnh danh là “cấm địa bàn đèn.” “Bây giờ chính quyền cấm rồi, nên không ai trồng nữa,” Cụ Lý Bốt Kí nói.

Khi các cụ già dứt ra bữa tiệc bàn đèn thì thầy Lý A Sằng cũng đã làm phép xong, những mảnh giấy bùa được gỡ ra và đốt đi để tiễn biệt năm cũ. Màu lửa cháy vàng rực, xen lẫn với tiếng chiêng ngân vang của thầy cúng, khiến không gian của căn nhà trở nên mờ mờ ảo ảo như trong huyền thoại, và như sức mạnh tâm linh huyền bí của thầy cúng trong văn hóa người Mông.

Bài viết được xuất bản trên Tuần Việt Nam http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-01-18-mot-chieu-tham-nha-thay-cung-tren-ban-mong)

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s