Đâu phải tội của Tết

Ông đồ viết gì vào Tết tây?
Ông đồ viết gì vào Tết tây?

Mấy năm gần đây cứ đến dịp Tết Âm lịch là lại có một làn sóng kêu gọi chuyển Tết ta sang Tết tây. Nhiều người đổ lỗi cho việc kinh tế ì ạch, nhậu nhẹt tràn lan, và người Việt Nam lạc hậu là bởi ăn Tết theo lịch Trung Quốc. Theo tôi như vậy thì oan quá.

Trước tiên phải khẳng định là chúng ta không ăn Tết theo lịch Trung Quốc. Âm lịch có thể khởi nguồn từ địa phận của nước Trung Hoa ngày nay, nhưng điều đó không có nghĩa đó là lịch sở hữu bởi riêng người Hoa-Hạ (vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng người Việt cổ mới là người nghĩ ra Âm lịch, nhưng dù sao ý đó không quan trọng với lập luận ở đây). Đó là tài sản trí tuệ chung của người châu Á, và nói rộng ra là cả nhân loại. Nếu không thích tất cả những thứ từ Trung Quốc, vậy chúng ta hãy thôi dùng giấy đi, đừng đọc sách nữa, và khỏi xài luôn thuốc súng làm vũ khí oánh Tàu làm gì.

Vả lại, có gì khác nhau khi ăn Tết theo lịch người Trung Quốc nghĩ ra và lịch của người Italia nghĩ ra? Không nên để chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi làm mờ đi lý trí. (Thực ra Âm lịch ở Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc còn khác nhau một chút, một số năm Tết còn không trùng ngày và con giáp không giống nhau).

Xét về mặt kinh tế, chuyển sang Tết Dương lịch chẳng làm cho Việt Nam được như Nhật Bản. Thử nhìn xem trên thế giới có bao nhiêu nước ăn theo lịch Dương mà vẫn nghèo? Tôi nghĩ con số đó là rất nhiều. Thế nên Nhật Bản, ví dụ mà được nhiều người đưa ra, thực chất chỉ là một trường hợp cá biệt, như các bác nghiên cứu khoa học gọi là outlier.

Và họ phát triển không phải chỉ bởi đổi mỗi ngày Tết, mà còn vô vàn các yếu tố xung quanh nữa. Việc thay đổi chỉ mang tiếng biểu tượng là chính.

Còn vấn đề giao thương với thế giới, đồng ý là nó cũng ảnh hưởng một phần. Nhưng thực tế mà nói, giao dịch thương mại của Việt Nam với Trung Quốc hiện vẫn đang chiếm tỉ trọng lớn nhất. Bỏ qua chi tiết đó, nếu cho rằng việc nghỉ Tết trong lúc toàn thế giới người ta đang háo hức lao động thì sẽ bị lạc bước, hãy thử nhìn sang Hàn Quốc hoặc Singapore. Hai quốc gia này ăn Tết Âm lịch và tôi không thấy có dấu hiệu nào là họ “lỡ nhịp” cả. Dân tộc được cho là thông minh nhất thế giới, người Do Thái, cũng giữ ngày Tết cổ truyền của họ (dù tất nhiên không phải là Tết Nguyên Đán).

Tết đúng là mang tâm lý rã đám, ăn chơi, nhậu nhẹt tràn lan. Nhưng nếu thay bằng Tết Dương lịch, liệu có thay đổi được điều đó không? Tôi e là không. Bởi chiếc áo không làm nên thầy tu, nếu không thay đổi được lối suy nghĩ của mọi người thì Tết nào người ta chẳng nhậu. Người Việt nhậu quanh năm chứ có riêng gì dịp Tết đâu.

Khoảng cách mà khiến người ta “rã đám” giữa Tết Dương lịch và Âm lịch, hay là chuyện tháng Giêng là tháng ăn chơi cũng vậy. Một người làm việc chuyên nghiệp thì sẽ làm chuyên nghiệp cho đến lúc được nghỉ, nếu không “cấy” được thói quen đó thì đổi lịch cũng chỉ là dã tràng xe cát mà thôi.

Vấn đề quan trọng hơn là việc hội nhập. Nhiều người nói rằng ăn Tết Nguyên Đán là “âm lịch,” tụt hậu so với thế giới. Tôi thấy hiện đại và ăn Tết Âm lịch chẳng liên quan gì đến nhau. Ngược lại, nếu muốn hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc thì tốt nhất nên giữ lại Tết Âm lịch. Chẳng phải tự nhiên mà Singapore vẫn giữ Tết Âm lịch, dù họ còn có nhiều lý do hơn Việt Nam để thay đổi.

Đó là bởi, như Lý Quang Diệu nói, văn hóa là định mệnh, các dân tộc khác nhau thì có đặc điểm khác nhau sau khi trải qua hàng nghìn năm phát triển. Không có chuyện mọi người là như nhau và đều phải tìm mẫu số chung cho tất cả mọi thứ.

Và thực ra người phương Tây coi Giáng Sinh là ngày lễ quan trọng nhất, là thời điểm đoàn tụ với người thân và gia đình, chứ không phải là năm mới. Mồng 2 “Tết” người ta đã bắt đầu đi làm trở lại rồi. Nếu thay đổi ngày Tết để đúng với lịch làm việc của phương Tây, thì có lẽ Tết Âm lịch phải đổi thành Giáng Sinh mới chuẩn.

Nếu muốn tiến lên một xã hội hiện đại với bản sắc của mình, thì cần phải biết gìn giữ những giá trị cốt lõi của dân tộc. Trong đó có ngày Tết cổ truyền.

Đừng thấy bất mãn với những thứ xung quanh mà đổ tội bừa. Đừng giận cá chém thớt.

Leave a comment