
Cái góc thân thuộc nhất của giới sinh viên và lao động bình dân thành phố là quán trà đá vỉa hè. Đối với những người không dư dả, được ngồi nhâm nhi ly trà với bạn bè giữa mùa hè nóng nực là phút thư giãn không mấy tốn kém.
Thế nhưng như mọi thứ khác, trà đá cũng không thoát khỏi vòng xoáy bão giá. Kể từ thời tôi còn đến trường cách đây chưa đầy chục năm, trà đá vỉa hè tăng giá vùn vụt từ 500 đồng lên đến 1000 đồng, rồi 2000, và bây giờ không ai bảo ai, quán nào cũng bán 3000 đồng.
Ai đi xa Việt Nam một vài năm, khi trở về chắc sẽ thấy mình như Từ Thức gặp tiên, ngơ ngác trước cái gì giá cũng như ở Tây: từ xăng, điện, nước, cho đến đĩa cơm bình dân hay ly trà đá.
Trong khi cùng giai đoạn này, tăng trưởng kinh tế đều đặn đạt chỉ tiêu, thấp thì 5.5%, cao phải được 8%. Lạm phát năm nào ‘về cơ bản’ cũng được khống chế ở mức thấp nhất có thể.
Chỉ có điều giá cả hàng hóa cơ bản vẫn tăng vùn vụt.
Đôi lúc ngồi uống trà đá trước cổng trường đại học, tôi tự hỏi mình là liệu các chỉ số trên có thực chất hay không?
Với nhiều người, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có tăng 8% hay 22% cũng không có nhiều ý nghĩa. Dẫu sao nó cũng chỉ là số liệu vô hồn, nghe thì biết vậy. Điều quan trọng hơn là giá trà đá tăng sáu lần, giá cơm bình dân tăng gấp 4-5 lần trong chưa tròn một thập niên. Với thu nhập bình quân, trên danh nghĩa, chỉ tăng hơn gấp đôi.
Thế nên có thể ít người phàn nàn lúc nghe tin CPI lên cao, nhưng khi giá xăng vượt mốc kỷ lục, giá điện tăng gấp mấy lần sau một tháng hè, đó lại là câu chuyện khác. Bởi ai cũng hiểu nó ảnh hưởng đến mình như thế nào.
Nhiều năm qua, mục tiêu kinh tế chính vẫn là tăng trưởng. Thành tích tăng GDP luôn được nhắc đến một cách đầy tự hào. Tuy nhiên trong vòng chục năm đổ lại, chưa khi nào tăng GDP vượt chỉ số lạm phát. Nghĩa là tốc độ tăng giá luôn nhanh hơn làm ra của cải. Đó là còn chưa tính đến chuyện giá cả hàng hóa thiết yếu còn tăng nhanh hơn CPI.
Không có gì lạ khi có cảm giác chúng ta đang bị ‘nghèo’ đi.
Tất nhiên tăng trưởng cao thì ai cũng vui. Nhưng ai cũng mong nó đi kèm với ổn định giá cả. Và đó là điều có thể làm được mà không phải đánh đổi lợi ích kinh tế về lâu về dài.
Đã qua giai đoạn phải đạt tăng trưởng cao bằng mọi giá. Một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành phải hồng hào và đầy sức sống, chứ không chỉ cao lêu ngêu mà lại thiếu dinh dưỡng.
Chúng ta không cần những phần tăng trưởng GDP có được từ con đường chưa đi đã hỏng, những công trình mới xây đã phải sửa, hay cây cầu treo đi được vài năm đã gãy.
Thành quả kinh tế chỉ thực sự cảm nhận được, với tôi, là khi thảnh thơi uống ly trà đá mà không phải lo thiếu tiền ăn cơm bụi.
Update chậm quá, bây giờ trà đá 5000 rồi em. Hôm nọ chị ngồi uống…nước lọc ở vỉa hè cũng mất 5000.
Quá nhanh, quá nguy hiểm…
To la dua hoi leu ngeu va hoi thieu dinh duong day haha