
Điểm sáng nhất của du lịch Việt Nam trong một năm vừa qua là hang Sơn Đoòng, kì quan thiên nhiên mới được khám phá vào năm 2009 tại Quảng Bình. Đây là hang động lớn nhất thế giới, được truyền thông quốc tế đánh giá là hấp dẫn ngang với đỉnh Everest về du lịch khám phá.
Để đáp lại quà tặng vô giá đó từ tạo hóa, người ta đang định xây cho nó một hệ thống cáp treo. Cảnh hoang sơ của hang Sơn Đoòng sẽ điểm xuyết thêm bởi những dây văng và cabin giăng qua trời, hình ảnh khiến người ta dễ liên tưởng đến hệ thống dây điện trên phố. Sẽ có những ga hành khách, điểm phục vụ du lịch, rồi thì quán xá và hàng rong. Sơn Đoòng có thể trở thành một chùa Hương mới, với vẻ đẹp tuyệt trần nhưng du khách thì một đi không trở lại.
Viễn cảnh đó có thể hơi bi quan, nhưng tôi cho rằng nó hoàn toàn có thể xẩy ra nếu kế hoạch cáp treo được triển khai. Có thể tỉnh Quảng Bình có một ý định tốt khi muốn “phổ cập hóa” địa điểm hấp dẫn này, nhằm đưa nhiều du khách đến đây hơn. Nhờ vào đó, doanh thu du lịch có thể tăng lên, và người dân địa phương có thêm công ăn việc làm. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ chỉ là “có thể”, trong khi các nguy cơ của dự án là rất rõ ràng.
Thứ nhất là nó khiến Sơn Đoòng mất đi sự hấp dẫn của một điểm du lịch khám phá, biến nó trở thành một công viên nhân tạo. Sự hấp dẫn của du lịch thiên nhiên phần lớn nằm ở trải nghiệm, chứ không chỉ là phong cảnh. Trải nghiệm đó bao gồm cả những vất vả, khó khăn trên đường đi, cũng như những giây phút được hòa mình vào tự nhiên mà không bị quấy rầy. Với cáp treo, tất cả những trải nghiệm này sẽ biến mất.
Tôi không biết tỉnh Quảng Bình và chủ đầu tư đã có những ước lượng nào về lượng khách phổ thông khi có cáp treo hay chưa, nhưng tôi tin sẽ không còn ai bỏ ra 3000 đô la để đến tham Sơn Đoòng với cáp treo. Trong thời điểm du lịch Việt Nam đang thiếu những điểm nhấn thực sự về du lịch cao cấp, đó là một mất mát không thể bù đắp.
Thứ hai, kể cả hệ thống cáp treo này có mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn mô hình thám hiểm ban đầu, thì tác hại với thiên nhiên là khôn lường. Tôi không tưởng tượng được là nó sẽ nằm ở đâu giữa những khu rừng nhiệt đới, địa hình núi đá karst, và hệ thống hang động để không làm phá vỡ khung cảnh hoang sơ nơi đây. Và dù có cố gắng hạn chế, việc hệ sinh thái của Sơn Đoòng bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới của Phong Nha – Kẻ Bàng, bởi UNESCO rất nghiêm khắc với các hành vi tác động đến cảnh quan. Nên nhớ rằng, đỉnh núi cao nhất châu Âu Mont Blanc từng không được công nhận di sản thiên nhiên khi người Pháp xây dựng hệ thống cáp treo tại đây. Vào năm 2009, thung lũng sông Elbe của Đức bị tước danh hiệu khi chính quyền thành phố Dresden xây dựng một cây cầu bắc qua sông.
“Nhân tạo hóa” tự nhiên
Không biết có thuộc một quy hoạch phát triển tổng thể nào hay không, mà trong thời gian qua cáp treo mọc lên như nấm ở nước ta. Có lẽ sẽ không quá nếu gọi Việt Nam là vương quốc của cáp treo: từ nóc nhà Đông Dương Fansifan cho đến biển Nha Trang, từ núi thiêng Yên Tử cho đến Bà Nà, và bây giờ là Sơn Đoòng. Tôi có cảm giác tại bất cứ một hùng quan nào, cái đầu tiên người ta nghĩ đến là cáp treo.
Cá nhân tôi cho rằng, nếu được lắp đặt hợp lý, thì cáp treo là một cách làm du lịch rất hay để cho phép du khách ngắm cảnh quan trên cao, hạn chế bất tiện về đi lại, cũng như giảm bớt thời gian di chuyển. Thế nhưng cái gì quá lên thì cũng phản tác dụng.Và rõ ràng là với các di sản thiên nhiên, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người là cách bảo tồn tốt nhất.
Những địa điểm du lịch thiên nhiên nổi tiếng như núi Phú Sĩ (Nhật Bản) hay đỉnh Mont Blanc (biên giới Pháp – Ý) sử dụng cáp treo một cách rất chừng mực, để nó không làm biến dạng vẻ đẹp của tạo hóa. Đó cũng là để bảo vệ lợi ích kinh tế: hãy thử nghĩ liệu còn bao nhiêu người muốn chinh phục Everest nếu có hệ thống cáp treo kéo lên đến tận đỉnh núi?
Cũng giống như di sản lịch sử, di sản thiên nhiên cũng cần được giữ nguyên trạng thái của nó.
Đáng buồn là ở nước ta, có vẻ như tính “nguyên trạng” của di sản không được coi trọng. Nếu cách đây vài năm là chuyện làm mới di tích lịch sử, thì bây giờ đến lượt các di sản thiên nhiên bị “nhân tạo hóa” bởi những kế hoạch phát triển du lịch.
Có những kế hoạch thậm chí còn “lặng thầm” diễn ra như cáp treo lên đỉnh Fansifan, khiến cho công chúng chỉ biết ngỡ ngàng khi nhà thầu chính thức khởi công xây dựng.
Tôi hiểu rằng nếu không có cái cáp treo nào ở Sơn Đoòng thì có thể tôi sẽ không bao giờ đủ tiền để tận mắt chiêm ngưỡng nó. Thế nhưng là người Việt Nam và yêu tự nhiên, tôi vẫn mong “Thiên hạ đệ nhất động” này bảo tồn được vẻ đẹp thiên thai hiếm có. Bởi làm thì khó nhưng phá thì rất dễ. Và với một di sản phải mất hàng triệu năm để hình thành, không ai muốn nó bị mất đi vĩnh viễn bởi một quyết sách sai lầm.