iPhone và những chiếc mặt nạ

Mặt khóc, mặt cười
Mặt khóc, mặt cười

Với nhiều người Việt, có lẽ việc ra mắt iPhone 6 là sự kiện quốc tế tiêu biểu nhất trong tháng Chín, hơn cả khủng hoảng Nhà nước Hồi giáo (IS) hay Scotland bỏ phiếu độc lập. Giới trẻ chụp selfie trước cửa Apple Store ở nước ngoài, giới sành công nghệ đua nhau xem ai sở hữu nó trước tiên, và đến cả một vị sư trụ trì cũng muốn được tận tay “đập hộp”.

iPhone và Apple, đến hẹn lại lên, trở thành cơn sốt ở nước ta như mọi năm trong vòng bảy năm qua.

Không đam mê công nghệ lắm, tôi chỉ thực sự để ý đến chiếc iPhone cách đây bốn năm, khi thấy một bác tài xế dành dụm ba tháng lương để mua nó. Không phải một chiếc xe máy để đi làm, cái máy giặt cho vợ, mà là chiếc điện thoại. Ba tháng lương. Và bác chỉ biết dùng nó với công năng bằng một chiếc smartphone Trung Quốc.

Có lẽ đâu đó chúng ta cũng có những ví dụ tương tự cho riêng mình.

Tôi không kỳ thị gì iPhone, và tôi nghĩ việc ai thích và có đủ điều kiện mua nó là điều rất bình thường. Nhưng cái không bình thường ở đây là nỗi khao khát sở hữu nó bằng mọi giá.  Hình như với nhiều người chiếc iPhone trở thành một cột mốc giá trị, mà nếu không đạt được họ sẽ không còn là chính mình.

Nhìn rộng ra, những cột mốc giá trị không chỉ giới hạn ở chiếc điện thoại. Nó còn nằm ở con xe SH đời mới, bộ quần áo Louis Vuitton, hay chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta vẫn phải có những trang sức để nâng tầm bản thân.

Điều đó tất nhiên là tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi cá nhân, bởi khẳng định bản thân cũng là một nhu cầu. Vấn đề là không phải ai cũng đeo vừa chiếc mặt nạ mình muốn.

Những người làm marketing có lẽ sẽ biết đến tháp nhu cầu Maslow, trong đó đặt “thể hiện bản thân” ở đỉnh tháp, sau khi các nhu cầu về sinh-thể-lý đã được đáp ứng. Con sốt iPhone ở Việt Nam cho thấy nhiều người, như ví dụ tôi nêu ở trên, sẵn sàng nhảy vọt lên nhu cầu tồn tại hàng ngày để đứng trên đỉnh tháp.

Làm như vậy, nói như Karl Marx, họ dần biến bản thân thành hàng hóa và đặt giá trị của mình thông qua lăng kính đó (sùng bái vật chất-commodity fetishism).

Người ta chỉ mua cái mình không có. Theo tôi, gốc rễ của việc sùng bái vật chất là sự thiếu tự tin. Khi con người không chấp nhận mình như vốn có, chúng ta sẽ cố đeo những cái “nhãn” để làm tự làm mình thỏa mãn.

Đó là hiện tượng tôi thấy phổ biến ở những quốc gia đang chuyển mình như Việt Nam, nhưng không quá mãnh liệt ở các nước phương Tây phát triển, nơi vẫn được coi là đỉnh cao của tôn thờ vật chất.

Nhiều người phương Tây có bản ngã cá nhân rất cao mà không cần có bất kỳ cái “nhãn” sang trọng nào. Một người lao công cũng có thể bắt tay và nói chuyện thoải mái với ông Barack Obama mà không hề có dấu hiệu tự ti hay khúm núm. Họ tự tin với cái mình có.

Với chúng ta, tự tin là phải đi mua. Một doanh nhân Việt ở Berlin từng chia sẻ với báo giới Đức rằng người Việt có năm khoe mười, còn người Đức có mười chỉ khoe một.  Một cách trực quan, số “siêu xe” tôi nhìn thấy trên đường phố Hà Nội còn nhiều gấp mấy lần ở thủ đô nước Đức.

Nhìn quanh, chúng ta chỉ có Trung Quốc làm bạn trong cơn sốt iPhone.

Cái giá của tự tin tất nhiên là không rẻ. Tiền nhập khẩu hàng xa xỉ của Việt Nam gần đây năm nào cũng tiệm cận 10 tỷ đô la. Và có bao người ở nước ta phải nhịn ăn để có tiền mua iPhone 6?

Trong truyện ngắn “Mưa mặt nạ”, nhà văn Nhật Chiêu đưa ra hình ảnh cả ngôi làng không còn biết mình là thật hay giả khi đeo những chiếc mặt nạ từ trên trời rơi xuống. Từ đó, họ đánh mất mình và sống cuộc đời của người mặt nạ.

Mặt nạ vật chất, như chiếc iPhone, như xe SH, sẽ trở thành mặt người khi ta cho phép chúng làm vậy. Chúng ta chọn mặt nào cho hôm nay?

Bài đăng trên VnExpress (Editor-cut version)

http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/iphone-va-su-tu-tin-3088756.html

7 thoughts on “iPhone và những chiếc mặt nạ

  1. Ay oi thanks for the article, more thoughts like this need to be read 🙂 Nhung ma doan Maslow – the top of the chart is supposed to be understood more as being able to understand and express selves in a master’s level through sprituality for example, not by being ‘materialistic’?

    1. Thanks bạn hiền nhé. Vấn đề ở tháp Maslow là mọi người không nghĩ giống nhau về đỉnh tháp: với người này đó có thể là đi du lịch, là tôn giáo, là được thể hiện mình, nhưng nhiều người lại nghĩ rằng cần phải có giá trị vật chất mới đạt được ngưỡng đó.

  2. thú thật là bài này tôi thấy ông viết dở hơn phong độ thường thấy. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở việc văn hóa bị rửa trôi khiến cho người ta không có một chỗ neo vững chắc, trở nên dễ ngả nghiêng hơn trước các giá trị, sống nông cạn hơn, chứ không chỉ là chuyện tự tin hay tự ti. Tự ti, có, nhưng nó chỉ là một góc của câu chuyện.

    1. Cảm ơn ông, tôi cũng thấy hơi đuối vì thực ra chủ đề này khá rộng. Tự ti hay tự tin, hay rửa trôi văn hóa như ông nói, đó là vấn đề giá trị. Tôi nhắc đến Trung Quốc là bạn đồng hành duy nhất của VN trong hoàn cảnh này, bởi đó đều là hai xã hội đang chuyển mình và chưa tĩnh về giá trị. Ở các nước khác, khi xã hội đã lên một mức độ khác và ổn định rồi, thì những chuyện như cuồng iPhone diễn ra ít khốc liệt hơn.

Leave a comment