Nhân công giá rẻ

11062868_10153140769019277_1892087812685571177_n

Nhân dịp khai trương một nhà hàng đồ nướng ở Hà Nội, anh bạn tôi, hiện đang có một tiệm bánh mì tại Kuala Lumpur, ngạc nhiên khi thấy quán có đến hơn chục nhân viên trên một diện tích không phải là quá rộng. Và nhiệm vụ của họ chỉ là chuyền tay nhau đĩa thức ăn từ bếp ra bàn cho khách.

“Đơn giản vậy sao không làm dây chuyền để tiết kiệm nhân công?” Anh nói.

Tôi nhớ đến câu hỏi đó khi một toạ đàm gần đây cho rằng năng suất lao động của Việt Nam là gần đội sổ châu Á. Đây có lẽ là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà chúng ta đã bàn đi bàn lại trong suốt vài năm qua. Có chuyên gia còn dùng từ “đáng hổ thẹn”, vì Việt Nam chỉ hơn được Myanmar, Cambodia và Lào, với nguy cơ bị bỏ lại sau các nước Thái Lan hay Malaysia đến cả nửa thế kỷ.

Là một người lao động, tôi thấy hơi oan khi bị cho là “đáng hổ thẹn”. Bởi tính theo thời gian làm việc, chúng tôi không phải là chây ì, lười biếng gì lắm. Theo Tổ chức Năng suất châu Á, số giờ làm việc trung bình hàng năm của lao động Việt Nam trong giai đoạn 2000 – 2010 còn cao hơn Mỹ đến 13%.

Năng suất thấp, trên thực tế, phần lớn nằm là do những thứ người lao động như tôi không thể kiểm soát.

Được tính bằng Tổng Sản phẩm Quốc dân (GDP) chia cho số lượng lao động, năng suất thấp đồng nghĩa với hai việc: GDP thấp và số người làm việc quá đông. Điều này chỉ chứng tỏ rằng Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ của những ngành “lấy công làm lãi”: công sức bỏ ra nhiều nhưng giá trị thu về thì không cao.

Theo Tổng cục Thống kê, 40% lực lượng lao động của chúng ta là lao động giản đơn, với mức thu nhập chỉ hơn ba triệu/tháng (thu nhập trung bình của người tốt nghiệp đại học là 6,6 triệu/tháng). Vậy nên để tăng năng suất, tất yếu phải giảm đi số lượng lao động giản đơn bằng cách khuyến khích phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao hơn, thay vì tập trung vào gia công.

Nhưng khi “nhân công giá rẻ” gần như trở thành một thương hiệu, thay đổi không phải là điều dễ dàng. Trong cơn hứng khởi khi đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc, ít người để ý rằng với tất cả những thời cơ sẽ có, TPP cũng có thể đẩy mạnh thêm xu hướng khuyến khích các ngành thâm dụng lao động như da giày và dệt may. Các nước nằm ngoài TPP như Trung Quốc và Hàn Quốc nhắm đến Việt Nam như để tiếp cận thị trường chung chiếm đến 40% GDP toàn cầu, còn Nhật Bản thì chuyển hướng vì chi phí lao động ở Trung Quốc tăng quá cao.

Tất nhiên, nhiều nhà đầu tư quan tâm là dấu hiệu tốt. Nhưng thay vì  nằm trong vùng an toàn với lao động giá rẻ, chúng ta chỉ nên coi đó là một bước đệm để tiến lên mốc phát triển tiếp theo. Hong Kong, từng rất thành công với dệt may những năm 60 – 70, sau đó đã chuyển hướng để trở thành trung tâm dịch vụ tài chính – ngân hàng hàng đầu thế giới. Tương tự là Singapore từ một cảng biển đơn thuần chuyển mình thành quốc gia công nghệ cao, và Hàn Quốc phát triển thành cường quốc công nghiệp từ nền kinh tế chỉ biết gia công.

Chúng ta không phải là không có những chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao. Tuy nhiên, khuyến khích những ngành đó phải đi liền với việc cải thiện thứ mà chúng ta đang làm rất tệ: đào tạo nghề. Theo điều tra về lao động và việc làm của Bộ LĐ-TB-XH năm 2013, còn đến hơn 82% lao động Việt Nam, tức hơn 42 triệu người, chưa được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật.

Thực tế này là một dấu hỏi lớn về hiệu quả của hệ thống 1500 trường nghề trên cả nước. Trong khi nhu cầu đào tạo là rất lớn, nhiều trường nghề đang hoạt động lay lắt, và hầu như năm nào cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. Hiện nay chỉ có 2,5-3% học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học nghề, kém mục tiêu đề ra của Bộ Chính trị trong năm 2020 tới 10 lần (30%). Lý do thường được dùng để nguỵ biện cho thất bại này là “tâm lý bằng cấp” của xã hội.

Tôi cho rằng điều này là không công bằng. Bởi trọng bằng cấp không giải thích được lý do tại sao hàng trăm nghìn học sinh tốt nghiệp THCS, vốn không có cơ hội vào đại học, quyết định không chọn đi học nghề khi không học tiếp cấp 3. Thêm vào đó, các nước Châu Á chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Khổng Tử khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đều có tâm lý bằng cấp, tuy nhiên, vẫn xây dựng được lực lượng lao động có tay nghề cao.

Vì vậy theo tôi, điểm mấu chốt của vấn đề là chất lượng đào tạo và đầu ra của các trường nghề còn chưa ổn, khiến cả học sinh và doanh nghiệp chưa thể đặt niềm tin. Con số 90% các doanh nghiệp FDI lựa chọn học sinh tốt nghiệp THPT thay vì tốt nghiệp trường nghề, được Vụ trưởng vụ Giáo dục Chuyên nghiệp Hoàng Xuân Vinh đưa ra, cho thấy hàng nghìn tỷ đầu tư mỗi năm cho hệ thống này chưa phát huy được tác dụng. Cơ hội việc làm không phải là quá rộng mở: chỉ hơn 70% học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo công việc cho mình sau khi tốt nghiệp.

Viễn cảnh bất định của việc học trường nghề lại càng thúc đẩy tâm lý vào đại học bằng mọi giá, khi mức chênh lệch thu nhập giữa người tốt nghiệp đại học và dạy nghề chuyên nghiệp là gần 30% (6,6 triệu/tháng và 4,5/triệu/tháng).

Vì thế, nếu tiếp tục không cải thiện được chất lượng đào tạo, không tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm, và để khoảng cách thu nhập giữa “cổ cồn trắng” và “cổ cồn xanh” quá lớn, sẽ rất khó để Việt Nam rũ bỏ mác “nhân công giá rẻ” và phát triển các ngành có hàm lượng chất xám cao hơn.

Ở trên là những câu chuyện vĩ mô. Nâng cao năng suất lao động còn cần sự nỗ lực “vi mô” từ những người lao động. Thái độ làm việc là điểm khác biệt lớn nhất giữa lao động chuyên nghiệp và lao động giản đơn, và về lâu dài, có lẽ còn quan trọng hơn cả chuyên môn và kỹ năng.

Không phải ngẫu nhiên mà người Việt bị mang tiếng lười biếng và hay trốn việc. Các quán café, trà đá vỉa hè không tự dưng nườm nợp khách trong giờ hành chính. Việt Nam là một trong những nước có số giờ làm việc trung bình trong năm ít nhất ở châu Á, chỉ cao hơn Nhật Bản. Nếu cứ giữ tinh thần “con nhà lính, tính nhà quan” như vậy, thay đổi chính sách từ nhà nước có mạnh dạn đến đâu cũng không thể tạo ra nguồn “nhân lực chất lượng cao” được.

—–

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s