Bài viết nhân kỷ niệm 26 năm Bức tường Berlin sụp đổ, hơi dài nên chắc sẽ kén người đọc. Bản báo chí của bài này được đăng trên Vietnamnet 8/ – 9/11/2015.
————-
Bức tường Berlin – 26 năm sau

Khắc Giang
Viết từ Berlin và Frankfurt am Main
Cách vài bước chân tới quảng trường Potsdamer Platz ở thủ đô nước Đức, có một con đường nhỏ rất đặc biệt. Ở giữa Zimmerstrasse từng là bức tường Berlin chia cắt hai nửa thành phố. Giờ đây, đó là con đường rợp bóng bạch dương hai bên, xe cộ đi lại trên những nền móng cũ như chưa từng có bức tường nào xuất hiện.
Cách đây 26 năm, đây là vùng đất nguy hiểm nhất châu Âu. Quang cảnh không có gì khác ngoài khoảng đất hoang không cây cỏ, hai bức tường sừng sững cao gần 4 mét, hàng rào thép gai, và những chòi canh sẵn sàng nổ súng vào bất kỳ ai xâm phạm khu vực phi quân sự.
Giờ đây, với sự sầm uất của một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất châu Âu, Potsdamer Platz chính là khởi điểm cho câu chuyện hồi sinh của một dân tộc trải qua nhiều quá nhiều biến cố lịch sử.
Bức tường chia cắt
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, nước Đức bại trận và bị xẻ thành bốn khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia thắng cuộc trong phe Đồng minh – Anh, Pháp, Mỹ, và Liên Xô. Nỗ lực thống nhất đất nước từ bốn khu kiểm soát này thất bại, khi vào năm 1949, Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức) được thành lập trong khu vực kiểm soát bởi Liên Xô. Ngay sau đó, Cộng hoà Liên bang Đức (Tây Đức) cũng ra đời dưới sự bảo trợ của ba nước còn lại.
Berlin, tuy nằm trọn trong Đông Đức, được chia ra dưới sự quản lý của hai phe do vị trí đặc biệt của nó. Khi hai nước Đức độc lập ra đời, số phận của Berlin cũng bị chia làm đôi: một nửa về Đông Đức, một nửa Tây Đức.
Việc đi lại giữa hai phần của Berlin vẫn tương đối dễ dàng cho đến năm 1961, khi Đông Đức quyết định xây dựng bức tường dọc theo biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu lao động trẻ sang phía bên kia. Đó là dấu mốc cho gần 30 năm bức tường chia rẽ một dân tộc, không chỉ hữu hình, mà còn cả những giá trị vô hình như ngôn ngữ, văn hoá, và lý tưởng.
“Nếu bạn là người Đức, thậm chí bây giờ đi trên U-bahn (tàu điện ngầm của Đức) bạn có thể phát hiện được ai là Ossie (người Đông Đức) bằng cách họ ăn mặc, nói chuyện, hay tờ báo họ đọc. Và đó là thời điểm 26 năm kể từ ngày bức tường sụp đổ,” TS. Jurgen Danyel của Bảo tàng Lịch sử Đức cho tôi biết.
“Nó không chỉ là một bức tường bằng bê tông và thép.”
Và cũng như những câu chuyện ở Việt Nam hay bán đảo Triều Tiên, bức tường cũng đã chia cắt biết bao nhiêu gia đình từ cả hai phía. Cùng với kinh tế và lý tưởng, đây chính là nguyên nhân chính thúc đẩy những người Đông Đức tìm cách vượt qua bức tường để sang phía bờ kia của sông Spree.
Trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1988, có gần 5000 người cố gắng vượt biên qua Bức tường Berlin. Họ là những kẻ liều mạng, bởi ngăn cản họ không chỉ những rào thép gai, mà còn là những bãi mìn và chòi canh được lệnh nổ súng mỗi khi phát hiện ai cố tình bỏ trốn. Theo thống kê chưa đầy đủ, có gần 150 người bỏ mạng ở đây. Bên cạnh Reichstag, toà nhà Quốc hội Đức, hiện giờ còn có hàng bia mộ nhỏ tưởng niệm những nạn nhân xấu số.
Ngày tận cùng
“Tôi vẫn nhớ như in ngày đó. Đêm hôm trước xem ti-vi, tôi đã thấy những đám đông rầm rộ ở Alexander Platz (quảng trường lớn nhất Berlin, thuộc phía đông lúc bấy giờ).
Sáng thức dậy, vợ tôi bảo: – Bức tường sụp rồi.
Tôi, có lẽ còn mơ ngủ, hỏi lại: bức tường nào?”
Ông Eberhard Diepgen, nguyên thị trưởng (Tây) Berlin giai đoạn 1984 – 1989, nhớ lại.
“Lúc đó chúng tôi vẫn chưa hình dung được hệ quả của sự kiện này là như thế nào. Nó diễn ra quá nhanh. Tôi chỉ nghĩ rằng thống nhất là điều tốt, và dù có khó khăn thế nào đi nữa, việc tự do bước qua cánh cổng Brandenburg (biểu tượng của Berlin, nơi bức tường chạy qua) và ôm hôn những người anh em của mình là tuyệt vời nhất”.
Với những người Đông Đức, đặc biệt là công chức làm việc cho chính quyền, họ đón nhận tin tức đó với sự hoang mang nhất định cho số phận của mình.
“Tôi đang ăn tối với đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm của trường ĐH Hamburg thì biết tin bức tường được mở ra. Chúng tôi không biết tương lai của mình, của những người làm việc cho chính quyền Đông Đức, sẽ ra sao. Tất cả mọi thứ đều vô cùng bất định.” TS. Jurgen Danyel nhớ lại.
Sự kiện chấn động toàn cầu đó, trớ trêu thay, được châm ngòi từ một câu trả lời nhầm của Günter Schabowski, phát ngôn viên chính quyền Đông Đức.
Trong một cuộc họp báo công bố quy định mới về xuất nhập cảnh vào ngày 9/11/1989, một phóng viên hỏi ông Schabowski rằng liệu quy định mới có cho phép xuất cảnh sang Tây Đức không và bao giờ có hiệu lực. Ông Schabowski, người không được thông báo kĩ về quy định này trước họp báo, đáp lời sau vài giây ngần ngừ: “Như tôi được biết là có hiệu lực ngay lập tức, không có bất cứ sự đình trệ nào.”
Phát biểu của ông được những kênh truyền hình lớn nhất của Tây Đức bấy giờ phát sóng, vốn cũng rất phổ biến ở Đông Đức. Nó truyền đi một thông điệp, tất nhiên là sai, rằng Đông Đức đã mở cửa biên giới với Tây Đức. Hay nói cách khác là bức tường đã vô hiệu.
Với hàng trăm ngàn người đang biểu tình ở Alexander Platz lúc đó, thì việc tin tức đó đúng hay sai không còn quan trọng nữa. Những trái tim hừng hực thì chỉ cần một đốm tàn lửa để bùng cháy, và lời nói từ một phát ngôn viên là quá đủ. Một số người mạnh dạn tiến từng bước một đến khu vực phi quân sự, gần sát bức tường.
Đi qua hàng rào, họ ngoảnh lại phía sau nhìn vào những người lính gác, rồi lại rụt rè bước tiếp. Không bị bắn. Người lính gác hẳn cũng bối rối trước tin tức từ lãnh đạo của mình. Hàng trăm, rồi hàng ngàn người tiếp nối bước chân. Câu chuyện sau đó là lịch sử.
“Lúc đó tôi còn là sinh viên, những người bạn của mình lái xe qua cổng Brandenburg để xem Đông Berlin hình thù thế nào. Chúng tôi gặp và ôm hôn những người Tây Berlin, chúng tôi cười nói với nhau như thể là bằng hữu từ lâu lắm rồi. Ký ức của tôi là hoa và champagne. Là những đêm hát hò triền miên. Với người trẻ, 9/11 là một ngày hội thực sự.” bà Ursula Herrmann, một người Tây Berlin nhớ lại.
Cách ngày 9/11 vài tháng, nguyên lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker từng dự đoán rằng Bức tường Berlin sẽ tồn tại ít nhất là 50 năm nữa. Những người lạc quan hơn từ Tây Đức thì dự đoán 25 năm. Tất cả thay đổi chỉ bằng một phát biểu thừa. Lịch sử đúng là “thường đi những lối không ngờ”, như lời thơ của Tố Hữu.
Ossie và Wessie
Sau khi bức tường Berlin bị dỡ bỏ, lãnh đạo hai bên đã thoả thuận và đi đến việc kí hiệp ước thống nhất nước Đức vào ngày 31/8/1990. Theo Điều 1 của Hiệp ước, hai nước Đức đã hoà vào làm một vào ngày 3/10/1990.
Niềm vui thống nhất đi qua, nước Đức trở về với hiện thực khắc nghiệt là quá trình thống nhất không chỉ đơn giản là đập bỏ đi bức tường.
Về mặt đối ngoại, các quốc gia láng giềng, như Anh và Pháp, lo sợ rằng bóng ma phát xít Đức sẽ trở lại. Sự ủng hộ bằng lời nói, vì thế, không chuyển hoá bằng những hành động cụ thể: không có một kế hoạch Marshall nào như thời hậu chiến để giúp Tây Đức vực dậy người anh em Đông Đức ốm yếu của mình. Để đổi lấy một nước Đức thống nhất, người Đức đã phải nhượng bộ khi quyết định gắn bó vận mệnh với Liên minh Châu Âu, và từ bỏ thứ “vũ khí kinh tế” lợi hại của mình là đồng D-mark.
“Nước Đức thống nhất quá lớn để các nước láng giềng không lo lắng. Hội nhập với EU là điều không thể tránh khỏi để có một châu Âu hoà bình. Từ bỏ đồng D-mark là cách nước Đức thể hiện thiện chí với các quốc gia khác, rằng người Đức sẽ không bao giờ quay trở lại con đường bá quyền, mà sẽ gắn chặt với EU,” GS. Eckart Stratenschulte từ Viện Nghiên cứu Châu Âu tại Berlin (European Academy Berlin – EAB cho biết.
Về đối nội, chênh lệch kinh tế, khác biệt về mọi mặt khác của xã hội, khiến cho quá trình thống nhất nước Đức hết sức khó khăn và phức tạp. Nguyên thủ tướng Đức Willy Brandt nói thống nhất là quá trình đưa những mảnh ghép “thuộc về nhau phát triển cùng nhau”. Nhưng sau 50 năm xa cách, hai nước Đức gần như phát triển thành hai dân tộc khác biệt với nhau.
Ở Berlin, ngay sau ngày 3/10/1990, toà thị chính có hai nhóm người làm việc cùng nhau: công chức của Tây Berlin và Đông Berlin. Sau những cái bắt tay đầu tiên, họ mới nhận ra rằng để dung hoà cung cách làm việc bao cấp của Đông Đức vào chính quyền mới là không dễ dàng. Gần như tất cả những nhân viên Đông Đức trong bộ máy hành chính được giữ lại đều phải đào tạo lại, và cần có thêm một nhân viên Tây Đức kèm cặp theo kiểu cầm tay chỉ việc.
“Điều này, dẫu là bình thường, nhưng cũng khiến người Đông Đức thấy không thoải mái lắm. Họ thấy tự ti, kém cỏi hơn so với đồng nghiệp của mình trong cùng một cơ quan, và xa hơn, thấy yếu thế trong xã hội,” TS. Jurgen Danyel nói. Ông trước đây học ngành xã hội học, nhưng sau khi thống nhất đã chuyển sang học ngành bảo tàng, vì phương pháp nghiên cứu theo kiểu Đông Đức không tồn tại nổi ở xã hội mới. Nhưng ít ra ông còn may mắn hơn nhiều người Đông Đức khác.
Theo những thống kê của chính phủ Đức, tỷ lệ thất nghiệp ở Đông Đức (cũ) luôn cao hơn gần gấp đôi so với Tây Đức. Vào năm 2014, con số này lần lượt là 9% và 5.6%. Về mức thu nhập bình quân, phía Tây cũng vượt trội hơn phía Đông sau 25 năm.
Khó khăn nhất có lẽ là vấn đề chi phí, bởi bất kì quá trình thống nhất nào cũng có cái giá rất đắt. Nếu như Việt Nam chúng ta phải đổi lấy hàng triệu sinh mạng và của cải cho cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, thì người Đức, dẫu thống nhất không có tiếng súng, cũng phải trả một cái giá không hề rẻ.
Theo nhiều nguồn ước tính khác nhau, con số này có thể lên đến hơn 1000 tỷ euro. Tuy nhiên, nói như GS. Eckart Stratenschulte, ý nghĩa chính trị nhiều khi quá lớn đến nỗi chi phí dù có lớn bao nhiêu cũng phải chấp nhận. Khi thời cơ đến thì phải nắm lấy chúng.
Và có lẽ may mắn cho nước Đức, cũng như Việt Nam, là người dân sẵn sàng chấp nhận chi phí đó để đổi lấy một đất nước liền dải. Đến bây giờ, ở Đức vẫn còn một loại thuế gọi là “thuế đoàn kết”, tối đa đến 5,5% thu nhập của người dân và doanh nghiệp, dùng làm quỹ phát triển hạ tầng cho Đông Đức.
Câu trả lời của người Đức
Tháng trước, khi dự buổi lễ mừng ngày thống nhất của Đức tại Frankfurt am Main, người bạn Hàn Quốc của tôi, GS. Suh Bo Hyug, thở dài và nói không biết đến khi nào người dân Triều Tiên mới có được những giây phút như thế này. Ông nghiên cứu ngành “Thống nhất học” (unification studies), bộ môn có lẽ chỉ còn mang tính thời sự ở Hàn Quốc. Trong ba dân tộc bị chia cắt dưới thời Chiến tranh Lạnh, chỉ còn bán đảo Triều Tiên là vẫn chia lìa đôi ngả.
Nhìn vào những người Đức trẻ tuổi hăm hở với lễ hội ánh sáng và pháo hoa, không ai còn phân biệt được đâu là Ossie và Wessie. Với nước Đức thống nhất trở thành siêu cường kinh tế và công nghệ, mức sống cao và ổn định bậc nhất châu Âu, và một đội bóng thống nhất vô địch thế giới, có lẽ người Đức bây giờ sẽ luôn biết ơn thế hệ đã xô đổ ngăn cách giữa Đông vào Tây vào đêm 9/11 lạnh giá đó.
Lần theo tiếp vết tích từ Potsdamer Platz, bạn sẽ đi đến Muhlenstrasse, nơi phần còn lại của bức tường dài khoảng 1.5km được dựng thành khu Nghệ thuật bờ Đông (East Side Gallery), được các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới thể hiện những khát vọng hoà bình và tự do trên khoảng tường cũ. Khoảng không chết chóc trở thành không gian yên bình dọc bờ sông Spree, với những người trẻ tuổi tụ tập đàn hát trên bãi cỏ mỗi ngày nắng đẹp, đôi tình nhân selfie cạnh bức “Nụ hôn đồng chí” nổi tiếng, và những cụ già trầm ngâm dắt chó đi dạo buổi chiều tà.
Đó có lẽ là câu trả lời xác đáng nhất cho câu hỏi liệu nước Đức đã thành công với quá trình thống nhất của mình hay chưa. Khi người ta bắn một viên đạn vào bạn, hãy đáp trả lại bằng một bông hoa. Khi người ta xây bức tường chia cắt, hãy biến nó thành biểu tượng của thống nhất trong tự do và hoà bình.
Bài này hay quá anh! Hẹn gặp lại ở Đức.
Cám ơn tác giả vì bài viết bổ ích nhiều thông tin lý thú.
Sao k viet la sau 75 cho no ‘neutral’? (Hay bi edit? :-P) Ma VN cung co thue cho viec thong nhat ha ay?