Tôi đi nộp phạt

xu_phat

Vừa rồi tôi phải đi nộp phạt lỗi vi phạm hành chính khi tham gia giao thông, lần thứ hai trong 15 năm tôi sống ở Hà Nội. Lần đầu cách đây đã hơn 10 năm, quãng thời gian chứng kiến rất nhiều đổi thay của thủ đô, từ việc mở rộng địa giới hành chính, đại lũ lụt năm 2008, rồi biết bao nhiêu công trình lớn nối đuôi nhau ra đời. Thủ tục hành chính xử lý vi phạm, ngạc nhiên thay, vẫn còn nguyên như ngày hôm qua.

Tôi xếp biên bản vào giá chờ, rồi ngồi đợi đến lượt. Mọi thứ đều ổn, từ văn phòng làm việc cho đến cung cách tiếp dân của cán bộ. Chỉ duy một thứ không ổn. Đáng tiếc, đó lại là thứ quan trọng nhất: quy trình nộp phạt.

Với vi phạm giao thông, tôi phải nộp biên bản tại trụ sở cảnh sát, lấy phiếu phạt ở đây, đi xe đến chi nhánh kho bạc nhà nước cách đó vài cây số để nộp tiền, rồi sau đó quay về trả lại phiếu thu để lấy giấy tờ. Đó là chưa tính đến quãng đường di chuyển từ nhà đến trụ sở cơ quan công quyền vào giờ cao điểm.

Để nộp được phạt như một công dân gương mẫu, tôi phải mất gần trọn một buổi. Và với những lỗi nặng hơn, chu trình đó sẽ được lặp lại hơn một lần. Trường hợp của những người thường trú ở một nơi, nhưng bị xử lý vi phạm ở địa phương khác, thì còn phiền toái hơn nhiều vì họ bị yêu cầu nộp phạt ở nơi phạm luật.

Mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản nếu có một cán bộ kho bạc làm việc luôn ở nơi nộp phạt, hay lắp chiếc máy nộp tiền và in biên lai tự động. Hoặc thậm chí tiện lợi hơn, như đề xuất mới đây của phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đã được thực hiện thành công ở rất nhiều nơi trên thế giới, là thu tiền nộp phạt qua hệ thống ngân hàng hoặc bưu điện. Người vi phạm sau đó có thể đến trụ sở cảnh sát để lấy lại giấy tờ, hoặc cơ quan công quyền gửi về nhà qua đường bưu điện.

Thế nhưng chục năm trôi qua, vẫn là cái giá đựng biên bản, chú xe ôm đứng trước kho bạc làm dịch vụ lấy hộ phiếu thu, và hàng dài những người vi phạm xếp hàng chờ nộp phạt. Với từng cá nhân, sự lãng phí thời gian có thể không quá lớn, nhưng khi tính trên quy mô cả xã hội, con số là không hề nhỏ.

Trong một năm, từ tháng 11/2014 đến tháng 10/2015, Công an Hà Nội xử lý 422.000 trường hợp vi phạm giao thông. Nếu giả định trung bình mỗi một người vi phạm mất ba tiếng đồng hồ để được nộp phạt, TP. Hà Nội sẽ mất 1,26 triệu tiếng đồng hồ, tương đương 145 năm làm việc. Với thu nhập bình quân của người Hà Nội là 3600 USD, thành phố sẽ tổn thất khoảng 522.000USD, tức khoảng 12 tỷ đồng. Tạm ước tính trên cả nước, chi phí thời gian từ thủ tục nộp phạt có thể lên đến  5,5 triệu USD (123 tỷ đồng).

Cùng với việc lãng phí thời gian, nhiều người dân, như tôi, rất ngại thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cơ quan công quyền. Điều này giải thích vì sao nhiều người vi phạm chấp nhận lót tay cảnh sát giao thông để được đi sớm, thay vì làm đúng quy trình nói trên.

Tôi không nghĩ với hệ thống bưu điện và ngân hàng đã tương đối phát triển ở Việt Nam, việc thay đổi cách thức xử lý vi phạm hành chính là quá khó khăn. Vấn đề lớn hơn, không chỉ riêng ở lĩnh vực này, có lẽ là tư duy nhà nước quản lý người dân, thay vì phục vụ người dân, vẫn còn nặng nề.

Nếu coi xử lý vi phạm chỉ đơn thuần như một dịch vụ công, tôi tin hệ thống sẽ trở nên minh bạch và tiện lợi hơn rất nhiều. Thêm vào đó, càng tách bạch chuyện tiền nong ra khỏi nhiều người, nhiều tổ chức liên quan, thì tham nhũng càng khó xẩy ra.

Thu tiền phạt bằng cách trên còn giúp phát triển hệ thống “phạt nguội” bằng camera ở nước ta. Đi qua một số nước, tôi thấy ở Việt Nam là nơi có nhiều cảnh sát giao thông trên đường phố nhất, nhưng mức độ vi phạm cũng thuộc loại nhiều nhất. Cảnh sát, dù có ba đầu sáu tay, cũng khó mà bắt hết người phạm luật.

Điều này dẫn đến một tình trạng vừa buồn cười vừa nhức nhối: cảnh sát giao thông bắt người phạm luật như gấu vớt cá, bắt được ai thì xử người đó. Với cơ chế như vậy, những người chấp hành luật nhất lại chịu thiệt thòi nhất, do họ không dám “liều” bỏ chạy khi bị tuýt còi. Về lâu về dài, thực trạng này sẽ làm xói mòn nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang muốn xây dựng.  Điều làm người ta thấy bất mãn thường không phải là mất bao nhiêu tiền, mà là sự bất công.

Đến lượt được gọi lên, anh cán bộ nói rằng giấy phép lái xe của tôi vẫn chưa được chuyển đến như trong lịch hẹn. Hành trình nộp phạt của tôi, như vậy, sẽ phải kéo dài thêm ít nhất một tuần. Làm một công dân tốt ở Việt Nam không phải là điều dễ dàng.

 

12 thoughts on “Tôi đi nộp phạt

  1. Nhân nói về vi phạm giao thông, tôi không phải dạng vừa đâu mà hôm trước còn bị lừa ông ạ. Dính lỗi rẽ phải không xi nhan, thằng XXX bảo lỗi này 300, giữ bằng, xem thế nào để giải quyết sớm, tôi bảo giữ bằng cựt í, ông đừng có dọa, lập biên bản đê. Thằng XXX bảo lập biên bản xong giữ bằng, lên kho bạc nộp phạt rồi về Đội lấy, tôi lại bảo giữ cựt í, lỗi dưới 200k phạt tại chỗ, xé biên lai luôn, éo có biên lai thì về đội lấy rồi hẵng ra đây lập chốt nhé, lập biên bản đê. Đến đấy nó lập biên bản xong cho tôi ký vào mỗi cuống vé phạt mà đếch xé vé, tôi cũng quên mịa mất không đòi, đi về giở ví ra mới nhớ chưa lấy 😦 Cơ quan hành pháp mà còn lươn lẹo lừa dân kiểu cò con thế thì biết tin vào ai.

    1. Chưa thấy cái hệ thống giao thông nào cảnh sát chằng chịt đường mà vẫn loạn như ở Hà Nội cả. Chỗ tôi làm ở đoạn Phạm Văn Đồng cắt cầu vượt Mai Dịch, chỗ thắt cổ chai lúc nào cũng bị tắc vì mấy ông xe khách bắt khách dọc đường thì không thấy CSGT ra dọn dẹp, toàn rình ở chỗ cua để bắt xi nhan.

  2. Làm sao có thể đang bực bôi mà vẫn viết kiềm chế, nhẹ nhàng, mẫu mực như này được nhỉ =))

    Anw, từ kinh nghiệm của một người chưa từng xin xỏ khi bị bắt xe và phải lên kho bạc nộp phạt không dưới 2 lần: Thoả hiệp với cái xấu đúng là nhanh và dễ dàng hơn là làm công dân gương mẫu T____T

  3. Điều này dẫn đến một tình trạng vừa buồn cười vừa nhức nhối: cảnh sát giao thông bắt người phạm luật như gấu vớt cá, bắt được ai thì xử người đó. Với cơ chế như vậy, những người chấp hành luật nhất lại chịu thiệt thòi nhất, do họ không dám “liều” bỏ chạy khi bị tuýt còi. Về lâu về dài, thực trạng này sẽ làm xói mòn nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang muốn xây dựng. Điều làm người ta thấy bất mãn thường không phải là mất bao nhiêu tiền, mà là sự bất công.

  4. Bạn ơi. Nộp phạt mà tiện thế thì làm sao làm phương án 50 50 đc. ^^. Phải gây khó dễ. Luôn luôn luôn khó dễ. Mãi mãi khó dễ. Thế lần sau người ta nản người ta đưa tiền cho nhanh. Tớ bị bắt ở đường 5, chỗ vòng lên cầu Thanh Trì. Lỗi đi vào làn xe tải xe khách. Trong khi đi suốt từ Hải Phòng về đến chỗ bị bắt thì lại đc phép đi. Mà gần đây mới thấy các bạn trong otofun bảo đó là biển láo. Thằng trc đó đưa 500k thế là phủi đít đi luôn. Tớ ngu lại ngồi phân trần e đi suốt từ Hải Phòng về thấy mỗi cái biển: XE Ô TÔ – XE Ô TÔ XE MÁY – XE MÁY cho 3 làn đường thì e mới đi như thế. Cái tội phân trần ổng tịch thu bằng lái luôn lập biên bản. MẤT 3 LẦN ĐI TỪ MỸ ĐÌNH SANG ĐỘI 5 HAY 6 GÌ ĐÓ. BÊN GIA LÂM MỚI LẤY ĐC BẰNG. NỘP Ở KHO BẠC TRẦN HƯNG ĐẠO NÓ ĐUỔI SANG KHO BẠC NGUYỄN VĂN CỪ. HỎI ĐẤT NƯỚC MÌNH BAO GIỜ MỚI PHÁT TRIỂN ĐƯỢC?

  5. Thực ra thực tế và hướng giải quyết mà tác giả viết một người bình thường cũng thấy và có thể khác phục được. Nói gì đến các vị lãnh đạo có học vấn, tầm nhìn và làm việc trong ngành lâu năm! Vậy tại sao họ không làm? Có lí do cả và các bác ý cực kỳ tài tình và sáng suốt ý!

    Đó là nộp phạt thật tốn thời gian, thật rối rắm càng tốt! Việc đó rất có lợi cho việc làm luật trên đường. Mà thu được nhiều tiền luật là cải thiện được đời sống anh em trong ngành. Quá tốt còn gì?

  6. MUỐN LÀM CÔNG DÂN TỐT HÃY CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH CỦA GIAO THÔNG ĐỂ ĐỪNG PHẢI ĐI NỘP PHẠT, CHỨ CÒN CÁI NGƯỜI VI PHẠM LUẬT GIAO THÔNG LÀ NGƯỜI CÓ Ý THỨC KÉM,ĐỪNG CÓ KÊU TRỜI! ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ Ý THỨC KÉM THÌ VẪN CỨ NÊN DUY TRÌ QUY TRÌNH NÊU Ở BÀI VIẾT TRÊN, MỚI ĐÁNG ĐỂ REN ĐE NGƯỜI VI PHẠM!

  7. Bài viết của bạn rất hay, rất nhẹ nhàng nhưng chính xác. Mọi người đều hiểu điều đó nhưng sự thay đổi cơ chế thật đáng thất vọng. Chừng nào ra đường mà người dân nhìn thấy công an thì tìm cách né tránh, mặc dù nhiều người giấy tờ đầy đủ, thì khi đó VN vẫn như vậy mà thôi. Đọc BBC thấy bạn viết hay quá phải qua đây ủng hộ bạn hiiii

Leave a comment