Brexit, cuộc “ly hôn” đắt giá của người Anh

 

IMG_20140116_200221

Chuyến tàu này ra hoang đảo em đi chăng?

Với kết quả chính thức được công bố rạng sáng nay, gần 35 triệu cử tri Anh đã bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Đây là một kết quả không ai ngờ tới, kể cả ngay trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.
Khi hứa cho người dân quyền lựa chọn mối quan hệ của Anh Quốc với EU trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, ông David Cameron có lẽ đã nghĩ không bao giờ người Anh muốn rời châu Âu. Lợi ích của việc ở lại là quá rõ ràng: thị trường chung lớn nhất thế giới, đầu tư lớn từ châu Âu, thu hút lao động chất lượng cao, và vị thế tốt hơn khi đàm phán các hiệp định thương mại.
Nhưng bằng lời hứa của mình, ông Cameron đã trao chìa khoá mở chiếc hộp Pandora cho cảm tính đám đông. Khoá đã mở khi đa số người Anh lựa chọn “Brexit”, sau cuộc dân vận xuất sắc của phe “Vote Out” từ Đảng Anh Quốc Độc lập (UK Independent Party) và Boris Johnson, cựu thị trưởng London. Như trong thần thoại Hy Lạp, chiếc hộp Pandora “Brexit” sẽ có những tác động khôn lường đến mọi mặt của nước Anh.
Ảnh hưởng trước tiên và dễ nhận ra nhất sẽ đến với cả hai bên là thương mại và đầu tư. Nước Anh sẽ chịu tác động rất lớn về thương mại, bởi hơn 63% sản phẩm xuất khẩu của họ đều trực tiếp xuất sang Châu Âu hoặc dưới các hiệp định thương mại ký với tư cách là thành viên châu Âu (Woodford Fund, 2016). Nước Anh sẽ phải đàm phán lại các hiệp định này (bao gồm cả EVFTA với Việt Nam) một khi rời khỏi EU.
Nghiên cứu của Trường Kinh tế London cho rằng trong trường hợp xấu nhất, Brexit có thể khiến nước Anh mất khoảng 3,1% GDP (tương đương 50 tỷ Bảng) mỗi năm (Dhingra, Ottaviano, Sampson, & cộng sự, 2015). Còn theo một đánh giá khác, phúc lợi của nước Anh có thể mất đi 2,33% tổng phúc lợi trong năm 2030 ở trường hợp bi quan, và có thể đạt thêm 1,55% trong trường hợp khả quan (Stephen Booth và cộng sự, 2015)

Economist Intelligence Unit thì dự đoán GDP thực tế của kinh tế Anh sẽ giảm 6%, tương đương 106 tỷ USD, vào năm 2020 do hậu quả của Brexit. Trong ngắn hạn, nước Anh sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tệ hơn, trung tâm tài chính London, bộ não của kinh tế Anh, sẽ chứng kiến một cuộc “đào tẩu” của các chuyên gia và các công ty tài chính châu Âu, khi họ quay về lục địa.

Đồng sàng dị mộng
Cuộc chia tay đắt giá của người Anh có lẽ đã được nhìn thấy từ trước. Trong lịch sử, nước Anh và châu Âu lục địa chưa bao giờ thực sự hoà bình với nhau. Ở những địa điểm chính tại London, như quảng trường Trafalgar hay ga Waterloo, đều được đặt theo tên những chiến thắng của người Anh trước các đế chế châu Âu như Tây Ban Nha và Pháp. Nước Đức Quốc xã từng dội mưa bom vào London những năm Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Chỉ sau khi chiến tranh kết thúc, nhu cầu xây dựng một châu Âu hoà bình và thống nhất mới được thực hiện với sự ra đời của Cộng đồng chung Châu Âu (EC), tiền thân của Liên minh Châu Âu (EU).
Nhưng thực tế mà nói, đây là khối liên minh mang ý nghĩa chính trị và kinh tế nhiều hơn là tình cảm. Người Anh vẫn xem thường dân châu Âu bảo thủ và quá “chủ nghĩa xã hội”, trong khi châu Âu lục địa không ưa những người Anglo Saxon ngạo mạn.
Thực tế mà nói, người Anh cũng chưa bao giờ toàn tâm toàn ý với EU, với việc không tham gia khối visa chung Schengen và đồng tiền chung Euro. Họ cũng thường là “con cừu đen” khi bàn về các vấn đề hệ trọng của châu Âu, như việc tham gia các cuộc chiến do đồng minh là Mỹ phát động, hay chính sách xử lý khủng hoảng kinh tế và tiền tệ của khối.

Hiệu ứng domino?

Thế nhưng, nước Anh vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, sau nước Đức. Họ vẫn giữ ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Pháp, tạo nên sức nặng trong lời nói của EU với các vấn đề toàn cầu (chỉ có năm ghế trong Hội đồng Bảo an, ngoài Pháp và Anh còn có Mỹ, Trung Quốc, và Nga).
Với châu Âu, chưa có đánh giá cụ thể về tác động vĩ mô của Brexit, nhưng theo Global Counsel (2015), tác động kinh tế sẽ nhỏ hơn và chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến ba quốc gia có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Anh là Hà Lan, Ai-len, và đảo Síp.
Nhưng hậu quả về mặt hình ảnh và chính trị rõ ràng là rất lớn. Việc một thành viên chủ chốt như Anh rời khối sẽ ảnh hưởng rất xấu đến EU, khi khu vực này đang chịu rất nhiều sức ép về nhập cư, khủng hoảng kinh tế, và vấn đề từ các nước vùng biên như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Trước mắt, Brexit sẽ tiếp tục làm suy giảm môi trường kinh doanh và đầu tư ở châu Âu, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đồng Euro và các tài sản được định giá bởi đồng Euro. Vị thế của cả Anh và châu Âu trên trường quốc tế sẽ suy giảm, bởi tính hấp dẫn của “thị trường chung” châu Âu giảm đi, khiến sức mạnh đàm phán của EU trong các hiệp định thương mại cũng không được như trước.
Brexit cũng có thể kích hoạt một loạt các quốc gia khác thực hiện các quyền trưng cầu dân ý tương tự, gây ra hiệu ứng domino, dẫn đến sự tan vỡ của EU.

Nước Anh hậu Brexit
Với nước Anh, hậu quả về chính trị chắc chắn cũng sẽ rất nặng nề. Brexit để lại đống đổ nát mà sẽ mất nhiều năm để người Anh dọn sạch.
Trước tiên sẽ là khả năng thủ tướng trẻ David Cameron phải rời ngôi. Ông ủng hộ ở lại EU, nhưng lại là người tạo ra cuộc trưng cầu dân ý này khi được bầu lại vào năm ngoái. Với một chính phủ và Quốc hội đa số ủng hộ việc ở lại, sẽ rất khó để ông Cameron có thể giữ được tính chính danh khi cầm quyền trong giai đoạn “hậu ly hôn” của nước Anh với châu Âu.
Hậu quả thứ hai là việc các quốc gia trong liên hiệp Anh có thể sử dụng kết quả trưng cầu dân ý này để đòi độc lập, như Scotland đã làm vào năm ngoái. Cuộc bỏ phiếu này cho thấy Bắc Ireland và Scotland, những khu vực rất muốn độc lập, lựa chọn ở lại, so với phần còn lại của nước Anh lựa chọn ra đi. Đây sẽ là cái cớ quan trọng để người Bắc Ireland và Scotland cho rằng nước Anh không đại diện cho quyền lợi kinh tế và chính trị của họ, nhất là khi Thủ tướng David Cameron từng tuyên bố sẽ cho phép Scotland trưng cầu dân ý về độc lập lần hai nếu đa số người dân ở đây bỏ phiếu ở lại.
Hệ quả thứ ba, đó là việc đi tìm đồng minh kinh tế – chính trị mới. Không châu Âu, Anh Quốc dựa vào ai để phát triển kinh tế?
Với những động thái mặn nồng gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm lẫn nhau của Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Tập Cận Bình, chỉ có Trung Quốc, nước từng coi Anh là thủ phạm chính trong “Trăm năm quốc nhục”, là điểm tựa vững chãi cho nước Anh hậu châu Âu.
Brexit, nhìn chung, là một vết thương lớn không chỉ cho châu Âu và nước Anh. Nó đánh dấu giới hạn của khu vực hoá kinh tế (regionalism) trong bối cảnh toàn cầu hoá thương mại tắc mãi ở các vòng đàm phán WTO hơn chục năm chưa có kết quả. Đó cũng là bài học lớn cho các liên minh khu vực khác, như Asean, để lựa chọn con đường liên kết phù hợp và bền vững hơn.
Bốn mươi năm trước, người Anh cũng đã cân nhắc việc có rời khỏi EC hay không. Lúc đó, họ đã chọn là một phần của liên minh khu vực lớn nhất thế giới, giúp EU phát triển thành một thế lực kinh tế và chính trị trên sân chơi toàn cầu, là hình mẫu lý tưởng cho các khu vực đắm chìm trong xung đột lúc đó như Đông Nam Á. Sau ngần ấy năm, trong cơn khủng hoảng triều miên của EU kể từ sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008, người Anh lựa chọn ra ở riêng.
Vận may liệu có mỉm cười với người Anh thêm lần nữa hay không, có lẽ phải chờ lịch sử phán xét.
Nguồn:
Dhingra, S., Ottaviano, G., Sampson, T., và cộng sự. (2015). Should we stay or should we go? The economic consequences of leaving the EU. CEP Election Analysis Paper, (22). Retrieved from http://cep.lse.ac.uk/pubs/download/ea022.pdf
Economic Intelligence Unit. (2016)
Global Counsel. (2015). Impacts of Brexit. London. http://www.global-counsel.co.uk/system/files/publications/Global_Counsel_Impact_of_Brexit_June_2015.pdf
Stephen Booth và cộng sự. (2015). What if…? The consequences, challenges & opportunities facing Britain outside EU. Open Europe. Retrieved from http://2ihmoy1d3v7630ar9h2rsglp.wpengine.netdna-cdn.com/wp-content/uploads/2015/03/150507-Open-Europe-What-If-Report-Final-Digital-Copy.pdf
Woodford Fund. (2016). The Economic Impact of Brexit. London: Capital Economics.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s