Bài hơi cũ, vì chờ toà soạn xuất bản trước. Nhưng thôi, cứ post lại coi như là một dấu bookmark cho một cuộc tranh luận thực ra là không đâu vào đâu ở Việt Nam đầu tháng 6/2016.
Chán nản với cuộc sống văn phòng tù túng, một thanh niên trẻ người Anh đi du lịch “bụi” đến Việt Nam để thử thách bản thân và khám phá thế giới. Sau nhiều tháng rong ruổi, anh trở về London, tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình. Hơn hai mươi năm sau, anh quay lại Việt Nam với tư cách là đương kim thủ tướng Anh. Đó là David Cameron.
Câu chuyện của ông David Cameron không phải là hiếm trong giới trẻ phương Tây. Việc bỏ lại công việc và trường học phía sau, dành một vài năm “gap year”, rồi xách ba-lô lên đường với họ là rất bình thường. Họ quan niệm tuổi trẻ là phải xê dịch, phải làm những thứ vượt ngoài giới hạn trong cuộc sống, và trải qua những cảm giác mà suốt đời kể lại cũng không thấy chán. Đó là động cơ cho những đoàn thuyền thám hiểm Tân Thế giới vào thế kỷ 15 – 16, cho nhà văn Ernest Hemingway đi săn sư tử ở châu Phi, hay cho Edmund Hillary và Tenzing Norgay chinh phục đỉnh Everest vào năm 1953.
Dĩ nhiên, không có cuộc hành trình nào là an toàn tuyệt đối, đặc biệt với dân “đi bụi”, vốn lăn lộn ở những nơi hẻo lánh hay bị mê hoặc bởi thiên nhiên hoang sơ, quyến rũ nhưng đầy rẫy nguy hiểm. Rủi ro là một phần của cuộc chơi, và việc chấp nhận mức độ rủi ro như thế nào tuỳ thuộc vào lựa chọn của mỗi người.
Với những người leo núi “solo” (free solo) như Aiden Webb, thanh niên người Anh mới tử nạn trên đỉnh Fansipan, mức độ chấp nhận rủi ro của anh đơn giản là cao hơn nhiều so với người khác. Webb leo núi không đăng kí, đi một mình, không có người bản địa dẫn đường, không mang GPS, chỉ mang đồ ăn nhẹ (vì anh đặt mục tiêu leo Fansipan theo tuyến đường rất khó chỉ trong một ngày), đồng nghĩa với việc anh chấp nhận bỏ mạng ở trong rừng đỗ quyên nếu sơ suất xẩy ra.
Với phần đông, đó là hành động quá liều lĩnh. Những với môn leo núi solo, đó là yêu cầu bắt buộc của cuộc chơi. Nói như Alex Honnold, người được coi là tay leo núi solo cừ khôi nhất thế giới, “chúng tôi cũng rất yêu đời, chỉ là có mức độ chấp nhận cái chết cao hơn người khác”.
Vận may không mỉm cười, Webb đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Nhưng nếu được lựa chọn một lần nữa, tôi tin rằng Webb vẫn sẽ “free solo” lên đỉnh Fansipan bằng cách anh chọn. Cũng như David Cameron vẫn xách balo đến Việt Nam đi bụi 20 năm trước, hay hàng vạn những người trẻ vẫn xê dịch khắp các ngả đường mỗi năm.
Tuổi trẻ, ai chẳng muốn mở rộng tầm mắt và sau đó làm những điều vĩ đại? Đó là quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân, và có lẽ chúng ta nên chấp nhận điều đó, thay vì cố gắng áp đặt quan điểm phải – trái – đúng – sai của mình để phán xét.
Cái chết của Aiden Webb làm dấy lên cuộc tranh luận nảy lửa hơn về năng lực cứu nạn của cơ quan chức năng. Có nhiều ý kiến cho rằng phản ứng của chính quyền là quá chậm, và nếu khả năng tìm kiếm, cứu hộ tốt hơn, có thể Webb đã không phải bỏ mạng trên đỉnh Fansipan.
Cá nhân tôi thì thông cảm với chính quyền, bởi quả thật việc tìm kiếm một người trong rừng Hoàng Liên Sơn không khác gì mò kim đáy bể. Hơn 200 người, cùng với các nhóm cộng đồng tự nguyện tham gia tìm kiếm không phải là con số ít. Tôi cũng không cho rằng đội cứu hộ ở đây không biết sử dụng máy định vị vệ tinh (GPS) như cáo buộc của một số người, bởi đã từng có trường hợp giải cứu một du khách đi lạc trên đường lên Fansipan bằng công cụ này cách đây hai năm.
Gần như song song với vụ mất tích của Webb, ở Nhật Bản, một cậu bé bảy tuổi bị lạc trong rừng. Với tất cả những công cụ hiện đại và tiên tiến nhất, và sự phối hợp của hàng trăm con người, lực lượng cứu hộ của nước này cũng không thể tìm thấy cậu bé trong 6 ngày. Cậu bé may mắn hơn Webb, bởi tìm được một nhà kho trú ẩn cho đến khi được tìm thấy.
Nhìn qua câu chuyện giải cứu Webb, tôi chỉ thoáng buồn khi quan sát thái độ nhiệt tình, đến mức nảy lửa, của công chúng với việc tìm kiếm Webb, khi so sánh với trường hợp bị nạn của một du khách khác. Cậu ấy là Phạm Ngọc Ánh, một người Việt Nam. Ba năm trước, cậu sinh viên trẻ này leo núi theo đoàn lên Fansipan, tự trở về rồi mất tích. Một đoàn gồm 20 người được thành lập để tìm kiếm nạn nhân, nhưng không có kết quả. Đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy xác của Ánh.
Tôi chợt nghĩ rằng, nếu người ta nhiệt tình tìm kiếm bạn Ánh, chỉ cần bằng một nửa Webb thôi, có khi Ánh đã không phải nằm lạnh lẽo một mình trên núi rừng đến tận bây giờ. Biết làm sao được, khi đồng bào của anh có khung giá trị khác nhau cho cùng một sinh mạng con người.
Biết làm sao được, khi nói như George Orwell, nhà văn đồng hương của Webb, “Tất cả các loài vật đều bình đẳng, nhưng một số loài bình đẳng hơn những loài khác”.