Đầu tháng 10, tôi có việc phải tìm gặp hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng ở một thành phố lớn. Tôi đến địa chỉ công bố trên website, nhưng đến nơi thì được thông báo hội đã dời đi nơi khác. Đến nơi khác đó, tôi lại được thông báo trụ sở chuyển về Sở Công thương. Sau gần hai tiếng đồng hồ, tôi tìm được trụ sở hội vào lúc 10h30 sáng. Lúc đó, văn phòng đã im ỉm khoá. Anh bảo vệ cơ quan cho biết đã hai tuần rồi không có ai đến mở cửa.
Nhìn tấm biển “nơi nhận đơn khiếu nại người tiêu dùng”, tôi băn khoăn tự hỏi không biết đã có bao nhiêu người đã cầm tờ đơn đến đây và và thất vọng đi về, như tôi.
Câu chuyện trên có thể không phổ biến ở địa phương khác, nhưng nhìn vào số lượng ngày càng tăng của những tranh cãi không được giải quyết, hoặc giải quyết không thấu đáo giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, có thể thấy vai trò mờ nhạt của hội vốn sinh ra với mục đích bảo vệ người tiêu dùng. Ở một số tỉnh, đến thời điểm tôi viết bài này, hội chưa nhận một đơn khiếu nại nào.
Có lẽ nhiều người chỉ biết đến Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) sau chuyện khảo sát nước mắm chứa arsen vừa qua. Trớ trêu thay, việc “xưng danh” đó đi kèm với tai tiếng hơn là nổi tiếng, bởi những lùm xùm xung quanh tính chân thực của khảo sát. Vụ việc khiến cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, hai chủ thể về mặt nguyên tắc được Vinastas bảo hộ lợi ích chính đáng, phẫn nộ.
Sự nổi giận của công chúng là xác đáng. Nhưng tôi cho rằng, với cơ chế hoạt động của hội như bây giờ, việc các hội bảo vệ người tiêu dùng tồn tại dật dờ như những bóng ma, hay tệ hơn là tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực như sự cố Arsen, là điều tất yếu.
Lý do trước hết, các hội được lập ra để bảo vệ lợi ích thành viên, nhưng hội bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta lại không có thành viên là người tiêu dùng hay doanh nghiệp. Hội viên của Vinastas và hội cấp dưới đa phần là cán bộ nhà nước đương chức thuộc các ngành khác nhau, và lãnh đạo hiệp hội bao giờ cũng là công chức của Sở Công thương.
Hội địa phương không có người chuyên trách, cán bộ Sở Công thương sẽ phải kiêm nhiệm luôn công việc của hội, và không được hưởng bất kì phụ cấp nào. Nói cách khác, nhiệm vụ của hội hoàn toàn là “thích thì làm”, không có bất kì ràng buộc nào.
Mong chờ sự năng động và hiệu quả một hiệp hội không có tôn chỉ bảo vệ thành viên của nó (mà là người tiêu dùng), với cách hoạt động như hiện tại, theo tôi là không tưởng. Và kể cả khi hội thực sự muốn trở nên hiệu quả hơn, các hội cũng “lực bất tòng tâm” bởi tổ chức có vài ba người kiêm nhiệm không thể giải quyết tất những vấn đề rất cụ thể của người tiêu dùng. Điều này chỉ có khi tự người tiêu dùng thành lập tổ chức riêng theo nhu cầu của mình, ví dụ như hội những người dùng nước mắm hay hội khách hành của kinh doanh đa cấp.
Nhưng phương án đó là bất khả với khung khổ pháp luật chúng ta đang có, khi quy định nếu Vinastas hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, thì các tổ chức thành lập sau không được phép hoạt động trong lĩnh vực đó nữa. Dù muốn hay không, các hội bảo vệ người tiêu dùng và Vinastas là những đại diện hợp pháp duy nhất cho mỗi chúng ta, 90 triệu người tiêu dùng cả nước.
Chuyện tưởng vô lý đó không chỉ xẩy ra với Vinastas, mà còn với mấy chục nghìn hội có kết cấu “ hành chính hoá” tương tự. Với tư duy luật pháp như hiện tại, thay vì khơi thông nguồn lực cho người dân tự tạo ra các tổ chức bảo vệ mình, chúng ta lại tạo ra thêm những hiệp hội “bóng ma” – tồn tại trên giấy tờ nhưng có vai trò mờ nhạt trên thực tế.
Sự cố Arsen của Vinastas, vì thế, nên được coi là một dịp để đánh giá lại vị trí của các hội trong đời sống. Nhìn về phía lạc quan, trong câu chuyện này còn liên quan đến một hệ thống hiệp hội khác.
Rất nhanh sau khi thông tin khảo sát của Vinastas được đưa ra, các hội doanh nghiệp, như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Nước mắm ở một số tỉnh, đã lên tiếng phản bác. Sự quyết liệt của họ đã ngăn chặn sự cố gây thiệt hại lớn hơn, bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm.
Họ là những hội ngoài nhà nước, tức không bị hành chính hoá và chỉ có trách nhiệm duy nhất là bảo vệ thành viên của mình. Đây là điều kiện bắt buộc, bởi các hội chỉ tồn tại bằng hội phí đóng góp từ thành viên. Đó có lẽ là điểm khác biệt lớn nhất giữa họ và Vinastas: tồn tại dựa trên ý nguyện và mong muốn của thành viên, thay vì theo ý chí chủ quan của một ai đó.
Nhiều khi để giải quyết những vấn đề phức tạp của xã hội chỉ cần một động tác rất đơn giản: để cho xã hội tự giải quyết bằng những công cụ tự nguyện của riêng nó.