Châu Á của Trump

Cuộc bầu cử quan trọng nhất thế giới đã kết thúc ở Mỹ, nhưng dư âm của nó vẫn khiến tất cả bàng hoàng. Và sau giai đoạn hậu “sốc” của bầu cử, các bên liên quan bắt đầu phải tính toán đến ảnh hưởng của vị Tổng thống mới của siêu cường số một thế giới – Donald Trump – sẽ là như thế nào.

Châu Á một mình trước bão

Lo lắng đặc biệt được dành cho các nước bên phía bờ tây Thái Bình Dương của thủ đô Washington, từ Nhật Bản cho đến các nước Đông Nam Á. Ông Trump là người nổi tiếng dân tuý và theo chủ nghĩa biệt lập (isolationism), không muốn nước Mỹ can dự nhiều vào các khu vực mà không đem lại những giá trị hữu hình. Theo cách nhìn của ông, việc đồn trú và đảm bảo an ninh cho các đồng minh châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines) là việc “làm phúc mà không được trả ơn”.

Nội các Hàn Quốc, ngay từ khi cuộc bỏ phiếu chưa ngã ngũ, đã họp khẩn để bàn về chiến lược đối ngoại với nước Mỹ của ông Trump. Ở Nhật Bản, mặc dù là một trong những chính khách đầu tiên gửi điện chúc mừng, khen ngợi Trump là “một tài năng kiệt xuất”, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ gặp mặt ông Trump ở New York trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru vào giữa tháng 11 để tìm kiếm sự khẳng định của ông Trump về mối quan hệ đồng minh lâu đời nhất châu Á.

Họ có lý do để lo lắng, vì trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhiều lần tỏ ra bất mãn với việc các đồng minh “ăn bám” vào quân đội Mỹ, và muốn có một hiệp ước “công bằng” hơn. Ông tuyên bố sẽ rút quân khỏi các vị trí chiến lược ở Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu các nước này không “tự xây dựng khả năng phòng thù hạt nhân” hoặc trả thêm tiền cho quân đội Mỹ (Nhật Bản hiện tại đã phải bỏ ra hơn 200 tỷ yên – 2 tỷ đô la tiền hỗ trợ hàng năm cho quân đồn trú Mỹ ở trên lãnh thổ nước này, trên tổng số gần 5 tỷ đô la chi phí).

Nếu những đe doạ khi tranh cử của ông Trump thành sự thực, đó sẽ là cú sốc địa chính trị lớn nhất ở Đông Bắc Á kể từ sau Chiến tranh lạnh kết thúc. Bởi khi cam kết bảo trợ của Mỹ không bền chặt được như cũ, cán cân quyền lực ở khu vực này sẽ nghiêng về phía tây, nơi có sự hiện diện của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, và Nga.

Điều này chắc chắn sẽ buộc Nhật Bản từ bỏ nguyên tắc “quốc gia hoà bình” và tăng cường năng lực quân sự. Hàn Quốc cũng sẽ phải bắt đầu nghĩ đến vũ khí hạt nhân để đáp lại đe doạ từ Bình Nhưỡng. Nếu xẩy ra, tình thế này sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực vốn đã âm ỉ xung đột trong thời gian gần đây.

Xuôi xuống phía nam, cả Trung Quốc lẫn các nước Đông Nam Á đang nín thở chờ xem bước đi của ông Trump trên biển Đông sẽ như thế nào. Trong cương lĩnh tranh cử, ông Trump nhiều lần sử dụng ngôn ngữ khá mạnh, theo cách của Tổng thống Philippines Duterte đã làm, để chỉ trích Bắc Kinh. Thế nhưng ngoài vấn đề thâm hụt thương mại, ông Trump không thực sự quan tâm đến điểm nóng lớn nhất ở châu Á, và cũng không có một đối sách quân sự rõ ràng nào ở đây.

Với một vị tổng thống có tính cách khó đoán tương tự ở đồng minh Philippines, vốn đang ngày càng thể hiện thái độ bất mãn với người Mỹ, việc Washington quan tâm đến biển Đông tới nhường nào là một câu hỏi lớn. Đây sẽ chính là cơ hội để Bắc Kinh thừa cơ gia cố vị thế thống trị của mình trên biển Đông.

Việt Nam có lẽ không chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách biệt lập của ông Trump, nhưng đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng bá quyền trên biển Đông và rộng hơn là châu Á, sự thoái lui của Mỹ tại khu vực sẽ đặt chúng ta vào hoàn cảnh khó khăn hơn rất nhiều.

Không có Mỹ tái cân bằng, Trung Quốc sẽ có thêm nhiều đòn bẩy trên tay để thực hiện chính sách bẻ đũa từng chiếc trên các điểm nóng. Ngay trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, Malaysia đã tuyên bố ủng hộ việc “đàm phán song phương” về biển Đông, sau chuyến thăm Trung Quốc mang về khoản đầu trị giá gần 50 tỷ USD của thủ tướng Najib Razak.

Xa vời giấc mộng TPP

Về kinh tế, châu Á còn sẽ ảm đạm hơn rất nhiều, nếu những tuyên bố tranh cử của ông Trump được hiện thực hoá. Là một người theo chủ nghĩa bảo hộ, ông Trump có xu hướng chống toàn cầu hoá thương mại, và phản đối kịch liệt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump thậm chí còn gọi TPP là cuộc “cưỡng hiếp đất nước chúng ta”.

Cùng với sự chống đối sẵn có ở Quốc hội Mỹ, việc ông Trump lên làm Tổng thống sẽ đưa hiệp định mà ông Obama cho rằng sẽ “định hình thế giới của thế kỷ 21” đến ngõ cụt không lối thoát. Ngày 11/11 vừa qua, chính quyền của ông Obama đã tuyên bố từ bỏ việc thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua TPP trước nhiệm kì mới của ông Trump, tức việc TPP có được thông qua hay không hiện phụ thuộc hoàn toàn vào vị tỷ phú bất động sản.

Tất nhiên, ông Trump có thể thay đổi quan điểm sau khi nhậm chức tại Nhà trắng vào tháng 1/2017. Nhưng khả năng đó sẽ khó xảy ra, bởi xoá bỏ TPP là một trong những lời hứa “hút phiếu” nhiều nhất của ông.

Nếu TPP không được kí kết, thì đó thực sự là một bước lùi đáng kể không chỉ cho Mỹ, mà còn cả 11 quốc gia còn lại vốn muốn lấy TPP làm đòn bẩy cho tăng trưởng và thoát khỏi sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Chiến lược “Xoay trục châu Á”, do ông Obama và bà Clinton dày công xây dựng, cũng khó đi đến đâu nếu thiếu TPP.

Với Việt Nam, đây có lẽ là rủi ro về chính sách lớn nhất. Từ năm 2008, chúng ta đã rất tích cực đàm phán và chuẩn bị cho việc tham gia hiệp định tự do thương mại kiểu mới này, thậm chí có những điều chỉnh về pháp lý rất rốt ráo để đảm bảo hội nhập tốt khi TPP được hiện thực hoá. Chúng ta đã kì vọng TPP không chỉ là đòn bẩy về thương mại, mà còn tạo ra động lực để thay đổi thể chế kinh tế theo hướng hiện đại hơn, chủ động hơn, và bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hơn.

Nếu TPP bị huỷ bỏ, hoặc tái đàm phán, thì những mục tiêu cải cách của chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.

Một mối nguy nữa của kinh tế châu Á, cũng như toàn cầu, là nguy cơ chiến tranh thương mại do ông Trump khởi xướng. Với quan điểm bảo hộ, ông Trump có thể tạo ra cuộc chiến thương mại với cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản, hai nước ông cáo buộc là cố tình phá giá tiền tệ, tạo ra thâm hụt thương mại cho Mỹ.

Cuộc chiến này, nếu diễn ra, sẽ khiến cho tất cả các nền kinh tế châu Á, vốn dựa rất nhiều vào xuất khẩu, chịu thiệt hại nặng nề. Các chuyên gia kinh tế còn cảnh báo, một cuộc chiến thương mại sẽ lôi cả thế giới quay lại thời kì khủng hoảng như năm 2008.

Liệu ông Trump có “thất hứa”?

Dĩ nhiên, những quyết định mang tính chiến lược của Washington không chỉ phụ thuộc vào một mình ông Trump. Và nói như điển tích cổ “tái ông thất mã”, việc ông Trump bất ngờ lên làm tổng thống biết đâu lại là một nước cờ lạ làm thay đổi cục diện châu Á theo hướng tốt hơn.

Nhiều người cũng tin rằng, các lời hứa của ông Trump khi vận động tranh cử chỉ mang mục đích mua phiếu là chính, còn trên thực tế khi vào Nhà trắng, ông có thể thay đổi các chính sách của mình để phù hợp với thực tế. Điều này cũng có thể xẩy ra, nhưng cần lưu ý rằng, theo lịch sử mà nói, từ năm 1968 các tổng thống Mỹ đều giữ ít nhất 50% lời hứa vận động tranh cử.

Con số giữ các lời hứa tranh cử thấp nhất thuộc về một vị tổng thống cũng đến từ Đàng Cộng hoà và ngành giải trí, ông Ronald Reagan với 52% (1980 – 1988). Đương kim Tổng thống Obama đứng thứ ba, với 73%. Giả dụ ông Trump chỉ giữ 50% những lời hứa của mình, thì ảnh hưởng của nó cũng đã hết sức khó lường.

Tương lai là bất định, sẽ khó có thể đoán trước được hệ quả chính xác của vụ “động đất chính trị” tại Mỹ vào ngày 9/11 vừa qua. Nhưng với những dữ kiện đang đó, có thể thấy châu Á sẽ đối diện với nhiều bắt trắc hơn trong nhiệm kì của Tổng thống Trump sắp tới.

 

Leave a comment