Năm ngoái, tôi có đưa ra câu hỏi “gạo Việt đi đâu” khi dù luôn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, hiếm khi chúng ta thấy túi gạo Việt trên kệ bày ở những thị trường lớn. Năm nay, tôi tìm thấy phần nào câu trả lời khi thăm Cỏ May, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp.
Từ giữa năm 2016, sản phẩm của công ty này được bày bán tại Fortune và BigBox, hai siêu thị bán lẻ tại Singapore. Đây là một điều hiếm hoi, bởi gạo Việt, dù với gạo chất lượng thấp hay gạo thơm, phần lớn được bán cho các nhà phân phối nước ngoài. Từ đó, gạo “made in Vietnam” được gán nhãn mác và bao bì của hãng nước ngoài, rồi mới tung ra thị trường. Chúng ta bán được hàng, nhưng không có thương hiệu và bị cắt ngọn phần giá trị gia tăng lớn nhất.
Với cách làm khác, Cỏ May không chỉ xoá được ám ảnh “vô danh” của gạo Việt, mà còn thu được lợi nhuận nhiều hơn ít nhất 200USD/tấn so với các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu kiểu truyền thống. Tính đến tháng 10, Cỏ May xuất khẩu được 500 tấn sang thị trường Singapore bằng thương hiệu của chính mình.
Thế nhưng, điều trớ trêu là doanh nghiệp này không có giấy phép xuất khẩu, mà phải nhờ một bên khác xuất khẩu hộ – thuật ngữ chuyên môn là uỷ thác – với giá 2USD/tấn. Bởi khi tập trung vào thị trường gạo cấp cao, họ không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo Nghị định 109/2010 về xuất khẩu gạo hiện hành, vốn chủ yếu đặt ra rào cản về số lượng cho giấy phép xuất khẩu. Một số điều kiện có thể kể tên là phải có kho dự trữ có sức chứa 5000 tấn/năm, nhà máy xay xát có công suất 10 tấn/giờ, và phải xuất khẩu trên 20 nghìn tấn/năm để giữ được giấy phép.
“Đầu tư để đáp ứng điều kiện rất tốn kém, trong khi chúng tôi chỉ sử dụng trong 2 tháng rồi bỏ không cả năm trời thì rất không hiệu quả,” đại diện Cỏ May giải thích vì sao không xây dựng nhà máy xay xát, điều kiện còn thiếu duy nhất của họ để lấy giấy phép.
Câu chuyện Cỏ May cũng là nỗi niềm chung của nhiều doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo chất lượng cao. Trước Cỏ May, một thương hiệu gạo khác là Hoa Sữa, có giá lên đến 4000USD/tấn, cũng chật vật trong việc tìm đường xuất dương. Đáp ứng được tiêu chuẩn rất ngặt nghèo về sản phẩm hữu cơ của thị trường châu Âu, nhưng Viễn Phú, chủ thương hiệu Hoa Sữa, phải bó tay trước “bức tường” 109.
Nhưng như Cỏ May hay Viễn Phú có khi lại là “tái ông thất mã”. Theo VCCI Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp sau khi xoay sở đầu tư đến gần 100 tỷ đồng để đầu tư theo quy định đã ngập trong nợ nần khi thị trường gạo đi xuống, không biết khi nào mới vực dậy nổi.
Thay vì làm ổn định và nâng cao chất lượng gạo Việt Nam xuất khẩu, trong 6 năm qua Nghị định 109 thực tế tạo ra một vòng kim cô kìm toả sự phát triển của các doanh nghiệp.
Thứ nhất, với quy định hiện hành, sẽ không có đất cho chuyên môn hoá bởi doanh nghiệp sẽ phải bao sân từ đầu vào, phát triển vùng nguyên liệu, cho đến xay xát, lưu kho, và tìm bạn hàng xuất khẩu. Tôi không tin rằng việc ép doanh nghiệp ôm trọn toàn bộ chuỗi sản xuất sẽ hiệu quả hơn tập trung thực hiện khâu mà mình làm tốt nhất. Lợi ích hiển nhiên của việc “ai giỏi làm việc của người đó” đã được chứng minh từ cuộc cách mạng công nghiệp cách đây đã hai thế kỷ.
Thứ hai, kể cả khi anh xây dựng được chuỗi sản xuất như mong muốn của nhà làm chính sách, nhưng với quy mô nhỏ để tập trung vào chất lượng, anh cũng không được phép xuất khẩu. Như thế, không khó hiểu khi thị trường xuất khẩu gạo Việt tập trung vào các doanh nghiệp lớn, chạy đua thành tích xuất khẩu về sản lượng thay vì chất lượng.
Thêm vào đó, việc quản lý thị trường bằng công cụ hành chính theo Nghị định 109 cũng không có nhiều ý nghĩa, khi hiện nay các doanh nghiệp không có giấy phép xuất khẩu chính ngạch vẫn có thể “lách luật” bằng cách bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Đây tất nhiên là kết quả mà không ai mong muốn: gạo bán không thương hiệu, bị ép giá, và chịu nhiều rủi ro trong vấn đề thông quan.
Mục tiêu ban đầu của việc đặt ra những rào cản như trong Nghị định 109 là dễ hiểu trong hoàn cảnh 6 năm trước, khi gạo chất lượng thấp đang là kênh xuất khẩu chính. Văn bản này được coi là phương thuốc để dẹp loạn thị trường, gom các doanh nghiệp có đủ năng lực lại để dễ quản lý, và “chia lại” một cách công bằng hơn lợi nhuận cho nông dân. Không thể phủ nhận nghị định đã đạt được một số mục tiêu nhất định vào thời điểm đó. Nhưng khi ngành gạo rục rịch chuyển hướng sang phân khúc chất lượng cao, thì nó đã thành lỗi thời.
Chính sách điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp rất nhanh. Không thể vừa hô hào xây dựng thương hiệu gạo giá trị cao, lại vừa đề ra những chính sách ưu tiên xuất khẩu gạo giá trị thấp. Hạt gạo giá trị thấp thì nông dân, người luôn được đưa vào để biện minh cho các chính sách nông nghiệp, cũng không thể hi vọng có thu nhập cao. Theo tôi, đó là nguyên nhân chính giải thích vì sao mặc dù có rất nhiều chính sách hướng tới nông nghiệp, nông dân vẫn luôn là nhóm hưởng lợi ít nhất trong thành tích của ngành lúa gạo 30 năm qua.
Quốc hội vừa thông qua “Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, theo đó xuất khẩu gạo vẫn là ngành chịu điều chỉnh. Điều này là dễ hiểu bởi gạo là mặt hàng nhạy cảm vì liên quan đến an ninh lương thực. Nhưng thiết nghĩ, khi đã đảm bảo xong phần “an ninh lương thực” rồi, thì việc kinh doanh mặt hàng này nên để cho thị trường quyết định thay cho mê cung các văn bản hành chính lỗi thời.
Để xuất khẩu gạo, Cỏ May cũng phải thành lập một công ty con ở Singapore. Điều khác biệt là thủ tục đăng ký kinh doanh ở đây rất dễ dàng, và Cỏ May hoạt động bình thường ở đây 3 năm mà không gặp rào cản pháp lý nào vì “mặt hàng nhạy cảm”. Muốn phát triển kinh tế, nhiều khi chỉ đơn giản là tạo điều kiện để các doanh nghiệp được phép kinh doanh đàng hoàng trên đất nước mình.