Đời lính đánh “ma” gian khổ nhưng mà được cái oai. Vì là trong thời đại bây giờ không dễ gì mà kiếm được một cái nghề tung hoành ngang dọc, “hành hiệp trượng nghĩa” y như trong…truyện kiếm hiệp Kim Dung.
LTS: Trong những ngày cuối năm hối hả, phóng viên Tuần Việt Nam đã có chuyến công tác thực địa về Than Uyên, Lai Châu, địa danh được coi là một trong những điểm nóng về tệ nạn buôn bán và sử dụng ma túy của vùng Tây Bắc, để mục sở thị cái chết trắng đã tàn phá những bản làng ở đây như thế nào.
Đồng thời để tường tận hơn cuộc sống, công việc của những cán bộ công an chống ma túy vùng cao, những người không chỉ hàng ngày chống chọi với cái rét, cái nghèo xơ xác ở địa bàn, mà phải đối đầu trực tiếp với những tội phạm nguy hiểm, sẵn sàng đánh đổi mạng sống với công an.
-“Báo cáo gấp!cậu Long đi trinh sát mới bị các đối tượng truy đuổi hành hung!”
-“Ở đâu?”
-“Noong Thăng”
-“Anh em triển khai lực lượng lên thẳng địa bàn ngay. Cậu nhà báo kia có đi cùng để tác nghiệp không?”
…
Tôi đã làm quen với đội cảnh sát chống ma túy Than Uyên trong một tình huống bất ngờ như thế. Vừa mới tháo xong cái mũ bảo hiểm, chào hỏi được câu đầu câu sau thì cả đội đã nháo nhào lên xe máy phóng tới bản Noong Thăng, nơi anh trinh sát tên Long gặp nạn.
Đó là một buổi chiều trước Tết Dương Lịch, khi nhà nhà đang mải lo nghĩ tới việc đi đâu làm gì trong kì nghỉ lễ dài bốn ngày, thì cảnh sát chống ma túy ở nơi đây cũng đang rất bận lo nghĩ, nhưng là để… đi đánh án.
Cảnh sát đánh ma “to” nhất huyện
“To” ở đây là theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bước chân vào trụ sở công an huyện Than Uyên, gian nhà đầu tiên đập vào mắt không phải là sảnh tiếp tân như ở những nơi khác, mà là phòng làm việc của đội cảnh sát điều tra tội phạm ma túy.
Quân số của đội cũng là đông nhất trong lực lượng công an huyện Than Uyên. 12 thành viên, trong đó chỉ có vài anh U40, còn lại toàn những gương mặt đôi mươi và quá nửa là chưa… lấy vợ.
Tiếng là công an của một huyện miền núi Tây Bắc, nhưng anh em ở đây đầy đủ mọi thành phần từ xuôi đến ngược. Có người thì ở các tỉnh láng giềng sang như Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, người thì quê ở tận Nam Định, Hà Nam, và tất nhiên, không thể thiếu dân “thổ địa” từ chính đất Than Uyên này.
Đa địa phương và đa văn hóa, đội cảnh sát ma túy có các thành viên của cả ba dân tộc Thái, Mông, Kinh.
Vui là một chuyện, nhưng điều quan trọng hơn là đội sẽ có những cá nhân thích hợp để xử lý nhiều vụ việc khác nhau, ở một địa bàn có tới năm dân tộc anh em, khác ngôn ngữ như Than Uyên.
Gian nan đời lính “chống ma”
Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy ở đâu cũng khổ, nhưng có lẽ phải lên vùng cao thì mới thấu được hết những gian lao của họ.
Cái khổ trước tiên là về mặt địa hình. Đối với những “điểm nóng” ma túy ở vùng xuôi thì việc khoanh vùng và theo dõi đối tượng tuy không hẳn là đơn giản, nhưng rõ ràng là dễ hơn rất nhiều so với ở nơi đây, do dân cư tập trung và quy mô tương đối nhỏ.
Còn như ở Than Uyên, diện tích của huyện này đã gần bằng các tỉnh bé ở đồng bằng sông Hồng như Bắc Ninh, Hưng Yên, trong khi dân số phân bố rất rải rác, đi lại thì toàn phải “trèo” từ núi này qua núi nọ, chứ đừng có nghĩ đến chuyện bon bon xe trên những con đường nhựa thẳng tắp và phẳng lì như ở dưới xuôi.
Thêm vào đó, Than Uyên lại là “cửa ngõ” ma túy miền Tây Bắc, là tuyến trọng yếu để vận chuyển “cái chết trắng” giữa Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, hoặc từ bên nước bạn Lào sang, rồi từ đó chuyển về xuôi hay vượt biên giới sang Trung Quốc.
Chính vì vậy, nhiệm vụ của CA ma túy vùng Than Uyên không chỉ là phát hiện và ngăn chặn tội phạm ma túy ở địa phương, mà thường xuyên phải đi “đánh tuyến”-nghĩa là phục kích và xử lý các đường dây vận chuyển ma túy đi qua địa bàn huyện.
![]() |
Cảnh sát ‘chống ma’ tại Than Uyên, Ảnh Khắc Giang |
Tất tần tật những nhiệm vụ to tát kể trên đều chỉ do một đội quân 12 người đảm nhận, trong đó có một nữ công an chuyên làm công tác văn thư. Thế nên việc trinh sát ở đây “đơn thương độc mã” làm nhiệm vụ ở các điểm nóng mà không có người hỗ trợ là chuyện rất… thường ở huyện.
Với cái nghề này, một mình làm nhiệm vụ tất nhiên là rất nguy hiểm. Như anh Long, mới đến công tác ở Than Uyên được ba năm nhưng đã có đến hai lần gặp phải “tai nạn nghề nghiệp”, bị dân bản đuổi đánh và hành hung. Lần trước là vào năm 2009 tại một điểm nóng khác là bản Che Bó, cũng thuộc xã Phúc Than, anh bị các đối tượng dùng gạch, đá tấn công, bây giờ vẫn còn vết sẹo dài trên trán.
“Lần này may mà chân chú mày đã quen với núi của người Mông nên mới chạy được đấy” Anh em trong đội vỗ vai anh Long cười phá lên, khi nghe anh kể chuyện thoát được “cơn mưa đá” tập hai ở Noong Thăng như thế nào.
“Cái nghề trinh sát đánh ma cũng như là tráng sĩ độc hành ấy nhà báo ạ, trước mặt là tội phạm mà sau lưng mình thì cũng chỉ có mình thôi, chứ không được như bên hình sự, có cả ban chỉ huy sát cánh hỗ trợ,” Anh Đỗ Trọng Hùng, đội phó đội cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy Than Uyên chia sẻ.
“Cái này là do đặc thù nghề nghiệp là phải giữ được bí mật tuyệt đối, nên người trinh sát phải biết hoạt động độc lập, chứ thực ra không phải là do công an nhất bên trọng nhất bên khinh đâu,” Anh Hùng cười phá lên khi tôi thắc mắc lý do.
Nghề không ngày nghỉ và chuyện “làm khoăn”
Ở dưới xuôi người ta bảo chạy sô giỏi nhất không ai bằng ca sĩ và giáo viên luyện thi, còn tôi thì cam đoan rằng hai nghề đó chỉ có thể tranh nhau huy chương bạc và huy chương đồng thôi, còn huy chương vàng về “chạy sô” thì nhất định phải thuộc về cảnh sát chống ma túy ở Than Uyên.
Riêng trong năm vừa qua, cả đội đã phá được 68 vụ án ma túy trên địa bàn, đó là chưa kể 11 vụ trong tháng 12 vừa rồi không được tính (dồn vào năm sau). “Có ngày trong tháng vừa rồi phá được tới bốn vụ liền, anh em đi bắt phạm không kịp thở luôn,” Anh Cầm Văn Tuấn, điều tra viên của đội, cười.
Nhiệm vụ vừa nhiều vừa phức tạp như vậy cho nên đội cảnh sát chống ma túy ở đây không có khái niệm ngày nghỉ. Đến gần Tết Âm Lịch thì lại càng mệt, vì đó là thời điểm mà nạn buôn bán, sử dụng “cái chết trắng” có xu hướng gia tăng, với quy mô lớn hơn nhiều, do bọn tội phạm có tâm lý “chốt quả đậm” để ăn Tết.
Nên dẫu theo quy định của ngành là 70% quân số phải trực Tết, nhưng như năm kia (2009), cả đội phải tập trung đánh án ma túy từ ngày 26 cho đến mùng hai Tết mới xong. Anh em về nhà chuẩn bị ăn Tết thì cũng là lúc bà con bắt đầu… dọn dẹp nhà cửa. Kém “may mắn” hơn thì như anh Ngọc Anh, do gia đình định cư ở Than Uyên cho nên đã sáu năm liên tục chưa được nghỉ Tết.
“Chạy sô” đánh án nhiều là vậy, cơ mà nếu tính theo góc độ kinh tế thì cái nghề này “làm ăn” không mấy hiệu quả. Anh Hùng cho biết, một chuyến đi đánh án, nếu thành công thì sẽ được thưởng…600 nghìn đồng, trong đó 80 nghìn phải trích ra để bù vào tiền giấy mực làm hồ sơ. Từng ấy tiền còn chưa đủ bù tiền xăng và bảo dưỡng xe sau mỗi lần vào bản làm án, chưa nói gì tới việc “làm giàu”, anh Hùng chia sẻ.
![]() |
‘Đặc sản’ vùng cao, Ảnh Khắc Giang |
Chỉ “lãi” nhất là khi anh em đi “đánh tuyến”, nếu bắt được một vài bánh heroin thì sẽ được thưởng nóng tầm năm triệu đồng, đủ tiền để cả đội chia nhau về làm bữa cơm gia đình.
Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Đi đánh tuyến thì sẽ phải thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, vì những kẻ vận chuyển ma túy với số lượng lớn thường hết sức liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí để chống trả lực lượng điều tra.
Anh em trinh sát mà đen đủi thì còn có thể bị dính mấy vụ “làm khoăn” của người Thái. Cái này tức là khi anh vào nhà dân bản kiểm tra, nếu có phụ nữ ở trong nhà, nhiều trường hợp gia chủ sẽ vu cho là anh có ý đồ “sàm sỡ” vợ họ, rồi bắt đền cán bộ phải nộp phạt từ 1-2 triệu đồng để mua rượu thịt về làm phép đuổi con ma đi và xin lỗi tổ tiên.
Biết là oan ức, nhưng cán bộ vẫn phải cắn răng bỏ tiền nộp phạt vì không thể thắng nổi cái lý của người dân tộc. Gặp những lần như vậy thì coi như số anh gặp hạn, đi tong cả nửa tháng lương.
Phá án trộm trâu và đánh án bị lỗ vốn
“Nghề này nó hơi khác với nghề điều tra án hình sự kiểu như trộm cắp và giết người. Những vụ như vậy thì án đã có rồi, anh chỉ đi điều tra và bắt phạm về là xong, còn với tội phạm ma túy, anh không chịu khó đi trinh sát thì có khi cả năm trời cũng không có vụ nào mà bắt,” Anh Hùng chia sẻ.
Đi lại nhiều thì ắt phải tốn kém. Tuy thế, không phải lúc nào cứ đi đánh án là kiếm được 600 nghìn tiền bù lỗ.
Anh Hùng có kể về một lần đi trinh sát ở một bản người Thái, phải nằm phục kích bên cạnh chuồng trâu của đồng bào đến hai tuần trời, vừa rét, vừa đói, vừa làm mồi cho muỗi vùng cao to như con ruồi, nhưng rốt cuộc lại đi về tay trắng.
“Lần ấy tuy không bắt được đối tượng, nhưng tình cờ anh em lại phá được một vụ án trộm năm con trâu của đồng bào, âu cũng là một điều an ủi,” anh Hùng cười.
Chi phí ăn uống, đi lại cho chuyến đi đó là gần hai triệu đồng, nhưng do phá án không thành nên đã chuyển thành chi phí…chìm, mỗi anh em phải bấm bụng góp tiền để trả.
Các anh em chia sẻ, sống đời lính đánh “ma” gian khổ là thế, nhưng mà được cái oai. Vì là trong thời đại bây giờ không dễ gì mà kiếm được một cái nghề tung hoành ngang dọc, “hành hiệp trượng nghĩa” y như trong…truyện kiếm hiệp Kim Dung, giống như nghề “đánh ma” này.
Bài được xuất bản trên Tuần Việt Nam http://tuanvietnam.net/2012-01-09-theo-chan-trinh-sat-ma-tren-diem-nong-vung-cao