Năm mới người ta thường hay ôn cố tri tân, mình cũng muốn lan man một chút về chuyện quá khứ.
Hôm nọ mới xem được một bức tranh cổ động khá hay, hình một cô gái đang ôm một chàng trai trên giường, mà anh này có rất nhiều cánh tay xoắn lấy thân thể trần truồng của cô. Slogan là “Each time you sleep with someone, you also sleep with his past.” Tất nhiên đây là khẩu hiệu phòng chống HIV/AIDS, dọa người là chính. Nhưng nó cũng đề cập đến một thực tế: con người ai cũng có nhiều quá khứ.

Thậm chí một số nhà khoa học còn mới chứng minh rằng trẻ sơ sinh cũng có chút ít quá khứ ẩn mình trong gene di truyền. Nên mơ tưởng về một ánh mắt trong veo không vướng bụi đời là hão huyền. Nếu có, hẳn người đó phải là một tay kịch sĩ chuyên nghiệp trong truyện của Balzac.
Quay trở lại vấn đề đa quá khứ. Chuyện đau đầu là quá khứ có cả vui lẫn buồn, mà hai cái đó đều có sức phá hoại tương đương nhau. Người ta dễ bị đì xuống bởi chuyện không hay trước đây khi đang vui, cũng như bị vẻ đẹp lừa dối của quá khứ làm cho nỗi đau hiện tại tăng lên bội phần. Nỗi đau không chỉ ảnh hưởng đến tâm thần mà nhiều khi còn đẩy con người ta đến những hành động phi lý trí.
Ví dụ điển hình là câu chuyện trong phim “Xuân hạ thu đông rồi lại xuân” của Hàn. Bộ phim này kể về một anh tiểu lớn lên cùng với sư thầy trong một ngôi chùa giữa núi, xa lánh nhân gian thị phi.
Đến tuổi trưởng thành, có một nữ thí chủ bị bệnh được đưa lên chùa chữa. Hai anh chị phải lòng nhau, anh tiểu phạm giới luật và bỏ chùa xuống núi.
Được vài năm, anh quay trở lại, tóc tai bù xù và mang thêm cái tội giết hai mạng người. Cô vợ, người mang niềm vui trần thế duy nhất cho anh, bỏ theo giai. Ánh mắt anh ta chứa đầy hận thù, không còn hình hài nào của chú tiểu ngày xưa nữa.
Giá mà anh ta chưa từng là một người nhà Phật để trải qua nhiều niềm vui nỗi buồn khác nhau trong quá khứ, giá cô gái kia không phải là hạnh phúc duy nhất và là nỗi tuyệt vọng duy nhất, chắc anh ta đã không xuống tay.

Bỏ qua những chi tiết Phật giáo, nó cho thấy quá khứ có sức phá hủy khủng khiếp như thế nào, đặc biệt với những ai là nô lệ của nó.
Vậy phải làm gì với quá khứ?
Để nó không ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai e hơi khó, bởi cuộc đời là một sợi dây dài, không thể bỏ đi đoạn nào mà vẫn là một sợi dây được. Nhưng việc đoạn trước của nó đi qua một tổ ong hay chìm trong đống phân không tác động gì đến chặng đường nó qua sau này.
Quá khứ cũng vậy. Nó ám ảnh, nhưng việc đã rồi trong quá khứ không còn giá trị tính toán đến cuộc sống hiện tại và tương lai. Nói theo kiểu kinh tế học thì đó là chi phí chìm, có hoài của thì cũng không thu hồi lại được nữa.
New York Times vừa mới đăng một câu chuyện rất hay về một anh ở tù gần 30 năm vì tội hiếp dâm con gái cảnh sát trưởng khi còn là một cậu bé. Rất anh hùng, dù cái giá phải trả là cả tuổi thanh xuân bị giam cầm trong ngục tối.
Anh ta thường hay cáu, hay cà khịa oánh nhau, vì anh ta muốn thằng nào cũng phải điên lên như anh. Rồi anh nhận ra rằng cuộc sống của anh không thể mãi như vậy được.
“Có những thứ tao chắc chắn không bao giờ được làm, như cưới vợ, như có con cái, như có gia đình. Tao có thể dành cả đời than vãn vì thứ đó, hoặc cố làm những cái khác.”
Và anh quyết định trở thành một tù nhân tốt nhất có thể. Kiếm được một cái bằng đại học (nhà tù của bọn tây văn minh vãi), học nghề, và làm cho tất cả lũ giám ngục yêu quý.
Đã bao giờ chúng ta thử nghĩ tại sao một cái cốc vỡ xuống thành trăm nghìn mảnh chứ không phải các mảnh vỡ đó hóa lại thành cái cốc?
Cuộc sống bao giờ cũng đi từ đơn giản đến phức tạp. Nó luôn vận động và biến đổi. Phải nhìn vào đó để sống. Quá khứ là chiếc gương chiếu hậu, nhiều khi chỉ cần có vì sợ cơ động hay giao thông, chứ không nên to đến mức choáng cả tầm mắt. Và tất nhiên không có ai quay mặt ra phía sau mà vẫn lái được xe cả.
Sao mình ngửi thấy mùi personal story phảng phất đây nhỉ? Cơ mà, đúng như bạn nói, mình cũng nghiệm ra rằng đã là quá khứ rồi thì cho qua đi … dằn vặt hay hoài niệm cũng chẳng được gì. Bạn cũng vậy nhé. Mình không thể nào níu giữ được quá khứ nhưng biết đâu sẽ có nhiều điều trong tương lai cũng hao hao với chuyện đã qua??? Nên lạc quan luôn là bạn!
Human being is inherently subjective, there’s no story without a personalized motivation behind it. Thanks for your words anyway 🙂
Không ngờ em Giang cũng “nghệ sĩ” ghê. Hôm nào rảnh ghé “nhà” chị chơi nha. ^^
Cảm ơn chị, em hứng lên thì cái gì cũng viết, không giới hạn chủ đề ạ 🙂
Tớ rất thích mấy bài viết phi-chính-trị của bạn Giang (vì tớ ko quan tâm tới chính trị nên không muốn đọc), tớ share vài suy nghĩ vẩn vơ của tớ
Đoạn về anh nhà sư kia, tớ cũng đã gặp nhiều kiểu người gần như anh nhà sư này, khi thế giới của họ tương đối nhỏ bé và đơn giản hơn, nên cách đánh giá mọi việc cũng “ít chiều hơn”. Tớ nghĩ, nếu như họ mà trải qua những điều này điều kia, thì họ đã không đánh giá và hành động như vậy, nhưng sự va chạm và trải nghiệm lại phụ thuộc rất nhiều vào tính cách và sự lựa chọn của mỗi người.
Trước tớ học 1 cô, cô đó nói não chúng ta có khả năng “time travelling” – mỗi 1 hành động nhỏ trong hiện tại là sự phân tích cực nhanh về quá khứ và tương lai, ví dụ như ko cầm đồ nóng quá vì đã từng bị bỏng tay, và biết là sẽ bị bỏng nếu cầm vào. Hoặc kể cả ko biết tương lai ra sao, nhưng ta cảm nhận dc về tương lai nếu ta làm 1 điều gì đó. Quyết định ta coi nó càng hệ trọng thì phải time travelling lại càng lớn. Học dc cách time travelling xa và sâu hơn trong mỗi quyết định tớ nghĩ là 1 điều khá khó và cần tập luyện.
àh, còn nữa, ngta hay lấy ví dụ từ những người thành công, hoặc những ng đã từng thất bại và thành công, tại sao ít lấy ví dụ về những việc không-thành-công đã xảy ra, nhưng có thể lấy ví dụ để làm 1 cách khác để thành công? Vì tính motivation ít hơn chăng? (đây là câu tớ vẫn băn khoăn)
Ý time travelling rất hay, tớ nghĩ loài vật cũng có khả năng như vậy, nhưng có lẽ nó là phản xạ có điều kiện hơn là nhờ vào suy nghĩ như loài người. Còn về ví dụ của thành công, tớ nghĩ là do chọn lọc tự nhiên thôi, ai cũng quan tâm đến cách để thành công (hoặc tránh thất bại) hơn là một nỗ lực bất thành. Loại trừ những trường hợp “thất bại vĩ đại” tớ thấy cũng hay được đưa ra làm ví dụ 🙂