
Cũng giống như con người, tôi tin là thành phố nào cũng có hồn của nó.
Nếu châu Âu đặc trưng bởi kiến trúc quy củ và cổ kính, thì Marrakech quyến rũ như cô gái Ả-rập ẩn mình sau tấm buqa che đầu.
Marrakech theo tiếng của người Berber là mảnh đất của Chúa. Dân tộc này ngự trị Ma-rốc trước khi bị người Ả-rập từ Trung Đông xâm chiếm, Marrakech đối với họ cũng giống như Jerusalem với người Do Thái, hay Mecca đối với đạo Hồi, dẫu hiện tại đa phần người Berber đã cải đạo sang Hồi giáo.
Nằm lọt thỏm trong thung lũng phì nhiêu dưới chân đỉnh Atlas, Marrakech có khí hậu khá ôn hòa, không quá lạnh như ở núi cao, hay quá khô nóng như sa mạc Sahara. Nó cũng là điểm kết nối giao thương giữa các thành phố cảng bên bờ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải với những nơi nằm sâu bên trong lục địa Đen.
Điều kiện tự nhiên lý tưởng đã giúp Marrakech trở thành chốn tụ hội bốn phương không chỉ cho người Ma-rốc mà còn cả vùng Bắc Phi. Đây là nơi bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì từ thế giới Ả-rập.
Điều này thể hiện rõ nhất qua khu chợ souk ở phố cổ Medina, nơi những nhà buôn, những người thợ thủ công quay quần lại với nhau để tạo thành một trung tâm thương mại có sức hấp dẫn bậc nhất châu Phi. Souk được tổ chức với những dãy phố dọc ngang bàn cờ y như 36 phố phường Hà Nội, tuy với chiều rộng thì hẹp hơn nhiều, đến nỗi hầu hết ngõ hẻm chỉ đi bộ hoặc cùng lắm là xe đạp và xe máy.
Nhưng đó có thể là ưu điểm, bởi bạn có thể ngắm nghía thoải mái hơn, qua đó cảm nhận được “hồn phố” của Marrakech.
Ở souk phải dùng hết công suất của cả năm giác quan. Từ đôi mắt phải nắm bắt được hết màu sắc vạn hoa của vô số những mặt hàng nhỏ nhắn trộn lẫn với ánh nắng châu Phi, cho đến đôi tai lắng nghe những âm thanh đời thường của cuộc sống phố thị, phải cảnh giác cao độ để không bỏ sót bất cứ thứ gì.
Nhưng giác quan được thăng hoa nhiều nhất phải là khứu giác. Khu souk được tổ chức như một mê cung được ngăn cách bởi những mùi vị khác nhau. Chỉ cần rẽ vào một ngóc ngách nào đó, ngay lập tức bạn sẽ cảm nhận được thứ mùi đặc trưng cho từng con phố.
Từ mùi hoa d’argan, mùi nhài và hồng trộn lẫn vào nhau khi đi qua phố hương liệu, cho đến mùi da thuộc thô ráp và ngầy ngậy ở phố hàng da, rồi lại mùi thơm nồng nàn của món tajin từ cửa hàng ăn, đến mùi gỗ trầm và dịu trong các hàng mộc, tất cả hòa hợp với nhau trong một bản nhạc mùi vị có đầy đủ những nốt trầm bổng.
Tôi chợt nghĩ nếu gã thợ nước hoa Grenouille trong “Mùi hương” của Patrick Suskin đến thăm nơi này, có lẽ sẽ mất cả tuần để gã khám phá được hết mùi vị ẩn chứa trong từng ngóc ngách.
Lan man như vậy, nhưng nếu muốn mua món quà nào đó có lẽ cần gạt óc nghệ sĩ ra một chút, bởi bạn sẽ phải mặc cả không khác gì so với các bãi biển Việt Nam. Cậu bạn người Nhật của tôi mua một chiếc áo choàng truyền thống Berber mất 100 MAD (300 nghìn VND), sau khi bị hét giá 600MAD. Người bạn Hà Lan khác thì phải trả 500MAD để có một chiếc tương tự, mặc dù cậu này luôn tự hào là đã “đàm phán” được đến 100 MAD.
“Mua bán ở đây cũng như một trò chơi, có thắng có thua. Được cái thắng hay thua thì cả người bán người mua đều vui vẻ,” một người bán hàng nói.
Khi đã mệt nhoài với những đồ vật bắt mắt và mùi hương ở souk, và có lẽ mệt mỏi với những cuộc mặc cả, bạn sẽ muốn quay về quảng trường Djemaa El-Fna, trung tâm của khu medina, để sa vào vô số những quán ăn Ma-rốc đang mời chào.
Hoặc đơn giản là uống một tách cafe kiểu Pháp, lắng nghe nhịp trống ồn ã, những bài hát Ả-rập huyền bí, hay nhìn những chú rắn hổ mang uốn mình theo nhịp sáo ông chủ.
Khi trời chập choạng tối, tất cả mọi hoạt động sẽ dừng lại để nhường chỗ cho những lời cầu nguyện tỏa ra từ các thánh đường Hồi giáo bốn góc thành phố. Sự náo nhiệt thường thấy sẽ được thay thế bởi không khí tôn giáo đầy huyền bí, mê hoặc, và cổ xưa. Nhìn ánh nắng khuất dần sau thánh đường Koutoubia, bạn sẽ thấy như mình đang trở lại thế giới Ả-rập cách đây vài thế kỉ trước.
Những hạt sạn trên phố
Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Ma-rốc, hàng năm mang lại doanh thu khoảng bảy tỷ đô la, và là nguồn thu ngoại tệ chính cho đất nước. Chính vì vậy quốc gia này bảo vệ du khách khá chu đáo.
Ở những địa điểm nổi tiếng tại Marrakech, khi nào cũng có một đội cảnh sát du lịch thường xuyên tuần tra để đảm bảo an ninh.
Tuy vậy thì việc khách du lịch rơi vào thiên la địa võng của những tay ma cô là khó tránh khỏi. Đó có thể là một gã dắt khỉ và đặt lên vai du khách chụp ảnh, sau đó hét giá cắt cổ (khoảng 200 Dirham, tức 600 nghìn VND). Hoặc là một cửa hàng cố tình “tính nhầm” để tăng hóa đơn lên gấp đôi. Hay đám lái xe taxi chạy vòng quanh và tính tiền gấp 5-10 lần giá thực tế.
“Ngay từ khi bước xuống sân bay, bạn sẽ như con cá rơi vào bãi săn mồi của đám thợ câu,” Một du khách người Hà Lan nói với tôi.
“Sẽ có gã nào đó đến gần và hỏi: lần đầu tiên đến Ma-rốc? Hà Lan? Người Hà Lan rất tuyệt!”
“Bạn sẽ cười với họ, họ sẽ đề nghị đưa bạn về khách sạn, và câu chuyện cứ tiếp diễn đến khi bạn đến nơi. Sau đó, họ sẽ đòi tiền hướng dẫn khoảng hơn 15 Euro (400 nghìn đồng) cho một quãng đường chỉ mất năm phút đi bộ.”
Riêng tôi cũng bị dắt mũi bởi một tay tự nhận là nhân viên du lịch thành phố, hướng dẫn du khách về nhà trọ. Sau một hồi đi lòng vòng quanh khu phố cổ, anh ta đòi 150 dirham (400 nghìn đồng). Tranh cãi một lúc, tôi trả 40 dirham (120 nghìn đồng) rồi anh ta cũng nhận và bỏ đi.
Nhiều du khách tôi gặp ở Ma-rốc nói rằng đất nước này rất đẹp, nhưng có lẽ họ sẽ không quay lại, bởi cách ứng xử với khách du lịch là không đàng hoàng và làm cho họ thấy khó chịu.
“Bọn họ chỉ muốn cướp tiền càng nhiều càng tốt,” Andra, cô bạn người Rumania của tôi bực tức khi bị trấn lột bởi một tay “hướng dẫn viên.”
Tôi im lặng không tham gia vào câu chuyện, bởi những thứ diễn ra ở đây không khác gì nhiều so với Việt Nam. Có lẽ muốn hiểu hơn lý do vì sao hơn 80% du khách không quay lại nước ta, cũng đáng để bỏ tiền ra và thử làm con mồi ở những quốc gia khác.