Tablet cho học sinh và những câu hỏi lớn (chưa lời đáp)

Hố đen công nghệ
Hố đen công nghệ

Sở Giáo dục TP HCM vừa cho ra mắt bản đề án thí điểm phổ cập việc sử dụng máy tính bảng cho học sinh tiểu học trên toàn thành phố. Đón đầu công nghệ là một nỗ lực đáng ghi nhận, và biết đâu đề án kiểu như thế này có thể giải quyết được những vấn đề nhức nhối trong nền giáo dục hiện tại.

Thế nhưng ý định tốt phải đi kèm với một kế hoạch hành động cụ thể, cẩn trọng, và chu đáo, đặc biệt khi đây là những “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học” như sở Giáo dục TP HCM hứa hẹn. Tôi không rõ ý định thực hiện là như thế nào, nhưng nếu nói về kế hoạch thì đây là một đề án khiến nhiều người phải lo ngại về tính khả thi.  

Trước tiên là về quy mô của nó. Thí điểm có nghĩa là chọn một số mẫu để thực hiện trước, nếu kết quả khả quan sẽ áp dụng đại trà. Tôi không hiểu vì sao sở gọi đây là chương trình “thí điểm” trong khi toàn bộ các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đều tham gia đề án?        

Hồi còn học cấp 3, trường tôi cũng được chọn làm thí điểm chương trình phân ban, trong đề án chỉ có năm trong số hàng chục trường ở Hà Nội tham gia. Chương trình này thất bại, nhưng cũng vớt vát được một khoản tiền không nhỏ khi không “thí điểm” toàn bộ các trường cấp 3 ở thủ đô.

Sở Giáo dục TP HCM có thể rất tự tin với đề án “số hóa” tiểu học, nhưng kết quả sẽ như thế nào nếu nó thất bại như nhiều đề án thí điểm khác? Đó sẽ không chỉ là sự mất mát của 4.000 tỷ đồng từ tiền thuế và tài sản nhân dân, mà còn có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của hơn 300 nghìn em học sinh.

Nếu sở đã nghiên cứu kỹ mô hình sử dụng máy tính bảng trong trường học, có lẽ cũng đã tìm hiểu được sự cẩn trọng của các nước phát triển với phát kiến này.

Ngay cả ở cường quốc số một về công nghệ thông tin là Hoa Kỳ, máy tính bảng cũng không được đưa tràn lan vào nhà trường. Các trường thường thực hiện đề án trong khoảng thời gian từ 1-5 năm. Trên quy mô thành phố, chương trình được thí điểm ở một số trường học, và tùy vào kết quả đạt được, sẽ quyết định có phổ biến ra các trường khác hay không (1).

Và chương trình của họ không áp dụng “toàn diện”, mà chỉ sử dụng cho các môn học có tính ứng dụng cao như toán hay địa lý.

Lý do của sự thận trọng đó là rất dễ hiểu: người Mỹ chưa dám chắc việc cho học sinh sử dụng máy tính bảng có hiệu quả đến đâu. Họ không dám liều “thí nghiệm” đại trà. Có vẻ sở Giáo dục TP HCM thì gan dạ và tự tin hơn.

Điều này dẫn chúng ta đến lo ngại thứ hai về đề án 4000 tỷ này: hiệu quả sử dụng.

“Sách giáo khoa điện tử” có điểm gì nổi trội so với sách của bộ giáo dục? Hay nó chỉ đơn giản là giảm “áp lực mang vác” cho học sinh như một lãnh đạo TP HCM phát biểu (2)? Nếu có sự khác biệt, các em học sinh sẽ phải “tái hòa nhập” như thế nào sau khi thí điểm kết thúc?

“Số hóa” tiểu học không chỉ đơn giản là cấp cho mỗi em một chiếc máy tính bảng là xong. Cả hệ thống, từ giáo viên, cơ sở hạ tầng, cho đến cách đánh giá kết quả, thi cử, đều phải được thay đổi để thích nghi với nó. TP HCM đã sẵn sàng để thay đổi toàn hệ thống chưa?

 

Vấn đề “đầu tiên”

Lo ngại thứ ba là về chi phí. Khoan chưa bàn đến khoản đầu tư cao chóng mặt dành cho việc đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở hạ tầng (mà thoạt nghe ai cũng thấy vô lý: 250 triệu đào tạo hiệu trưởng, 36 triệu cho camera giám sát mỗi phòng học, hay 25 triệu tiền hệ thống âm thanh), số tiền chi ra để mua máy tính bảng cho học sinh thuộc trách nhiệm của mỗi gia đình.

Theo ước tính của sở Giáo dục TP HCM, giá của một chiếc máy tính bảng là 3 – 5 triệu đồng. Đây là một khoản tiền lớn đối với nhiều phụ huynh, đặc biệt là trong bối cảnh họ đã phải gánh trên vai rất nhiều chi phí có tên và không tên khác. Với các em ở độ tuổi nhỏ, việc nghịch ngợm, làm hỏng, hay đánh mất máy là điều đương nhiên sẽ xẩy ra. Ai sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa hay mua máy mới trong tình huống đó?

 Thêm vào đó, để một học sinh tiểu học lớp 1-3 (tức mới chỉ 6 đến 9 tuổi) sở hữu một tài sản có giá trị cao như thế, liệu có an toàn cho các em? Đến ngay cả người lớn cũng bị cướp giật điện thoại trên phố, có gì đảm bảo cho việc hơn 300 nghìn em học sinh sẽ không phải là mục tiêu của bọn trộm cướp?

 

Con người là trung tâm của giáo dục

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, không ai tiếc chi tiền cho con em nếu chương trình thực sự có chất lượng và hiệu quả. Thế nhưng cũng không ai muốn những học sinh chỉ dưới 10 tuổi đã phải trở thành vật thí nghiệm cho một đề án còn nhiều câu hỏi lớn chưa giải đáp như vậy.

Các chương trình máy tính bảng của một số trường ở Mỹ chỉ áp dụng cho học sinh lớp trên, khi các em có khả năng nhận thức cao hơn cũng như việc ảnh hưởng đến sự phát triển thị giác được hạn chế (3). Ở đề án của TP HCM, các em học sinh từ lớp 1-3 sẽ được “thí nghiệm”, và sở Giáo dục vẫn chưa có lý giải thích đáng nào cho lựa chọn đó.

Tôi rùng mình khi nghĩ đến chuyện các em nhìn chăm chăm vào màn hình Led hơn 10 tiếng mỗi ngày (8 tiếng trên lớp cùng với ít nhất 2 tiếng làm bài tập về nhà). Với một người trưởng thành như tôi, ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng máy tính là rất rõ ràng. Và tôi không nghĩ những em học sinh tiểu học có sức đề kháng cao hơn người lớn. Khi chưa có nghiên cứu rõ ràng nào về vấn đề này, thiết nghĩ sở Giáo dục cần phải hết sức cẩn trọng khi bắt các em phải dùng máy tính bảng trong thời gian dài.

Và một điều đáng sợ không kém là tác động đến tâm lý của các em. Hãy tưởng tượng một lớp học mà tất cả các học sinh đều chúi mũi vào iPad, thay vì cô giáo. Đề án này có thể tạo ra một thế hệ rô-bốt mới chứ không phải những con người mới như sở Giáo dục mong đợi.

“Chúng ta không nên quá tập trung vào công nghệ mà quên đi tầm quan trọng của mối quan hệ giữa người với người, vốn là một phần của quá trình học tập. Và trung tâm trong quá trình đó vẫn là giáo viên,” Tricia Kelleher, hiệu trưởng của một trường thí điểm sử dụng máy tính bảng ở Anh Quốc chia sẻ (4). 

Chiếc áo không làm nên thầy tu, những chiếc máy tính bảng hiện đại không thể tự nó “thay đổi căn bản và toàn diện” giáo dục tiểu học, nếu những vấn đề căn bản hơn như chất lượng giáo viên, nội dung chương trình học chưa được giải quyết.

Lấy ví dụ như Phần Lan, nơi có nền giáo dục luôn đứng đầu trong các bảng xếp hạng quốc tế, họ đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên xuất sắc thay vì cấp máy tính bảng cho học sinh. Đầu vào ngành sư phạm là rất khắt khe, trong khi giáo viên được đãi ngộ một cách đặc biệt (3).

Nắm lấy công nghệ là điều kiện tiên quyết để thành công trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bất cứ cái gì tung ra thì ta cũng phải nắm lấy. Một đề án như của sở Giáo dục TP HCM sẽ tốn rất nhiều chi phí của xã hội, và có tác động không lường trước đối với cả vài thế hệ học sinh. Nó phải được xem xét và thực hiện với sự cẩn trọng tối đa. Theo phương án mà sở Giáo dục TP HCM đưa ra trước công luận, tôi thấy sự cẩn trọng của nó không khác đề án đổi mới sách giáo khoa 34 nghìn tỷ là mấy. 

 Bài đăng trên Tuần Việt Nam: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/193576/dot-tien-ty-de-them–dau-to–mat-can–.html

 

Tài liệu tham khảo

  1. Joel Mathis (2013). iPads in schools: The right way to do it. MacWorld.

http://www.macworld.com/article/2065460/ipads-in-schools-the-right-way-to-do-it.html

 

  1. Người Lao động (2014). SGK điện tử gây tranh cãi.

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/sgk-dien-tu-gay-tranh-cai-2014071823092442.htm

 

  1. Carlo Rotella (2013). No Child Left Untableted. The New York Times.

http://www.nytimes.com/2013/09/15/magazine/no-child-left-untableted.html?pagewanted=6&_r=0

  1. Stuart Dredge (2014). Tablets in schools: coding, creativity and the importance of teachers. The Guardian.

http://www.theguardian.com/technology/2014/jan/27/tablets-schools-coding-kids-education-ipad?commentpage=1

 

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s