Ai nhớ đến chiếc giàn khoan?

r-2014061816473876854100-5760-4062-2845-1415343913

Tháng Năm là tháng của màu đỏ. Nhưng cái màu đỏ đáng nhớ nhất của tôi không phải là màu phượng vĩ, mà là màu cờ Việt Nam bay rợp trời vào thời điểm này năm ngoái. Khi đó, người Việt khắp nơi trên thế giới đổ xuống đường để phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta.

Tôi có mặt trong đoàn người đứng trước đại sứ quán Trung Quốc ở London một chiều đầy nắng. Nhiều bạn bè tôi, dù ở Hà Nội, Berlin, Paris, hay Roma, dù bằng cách này hay cách khác, cũng cầm trên tay những lá cờ đỏ đi qua phố phường để biểu thị lòng yêu nước.

Không ai biết liệu những làn sóng màu đỏ đó có giúp nhấn chìm chiếc giàn khoan trên biển Đông hay không. Nhưng có hề gì, lòng yêu nước cũng như tình yêu đôi lứa, đôi khi chỉ cần được bày tỏ là đủ.

Tháng Năm này, những chiếc giàn khoan  lại rậm rịch quay lại. Phải thêm từ “những”, bởi lần này không chỉ có Hải Dương 981 mà còn có thêm Hưng Vượng, giàn khoan được cho là còn hiện đại hơn. Và sẽ không mấy ngạc nhiên nếu năm sau, rồi năm sau nữa, sẽ lại có thêm những lô cốt di động như vậy tiến vào biển Đông. Những hòn đảo họ chiếm đóng trái phép cũng đang được gấp rút khai hoang, xây sân bay, dựng pháo đài.

Tháng Năm này, chúng ta có nhiều mối quan tâm khác. Hang Sơn Đoòng thổi bùng những tranh luận không dứt về bảo tồn di sản, những quả dưa hấu nghĩa tình cho người nông dân mất mùa, và rồi giá xăng đến hẹn lại tăng. Đó là những vấn đề quan trọng, gần gũi với cuộc sống mỗi người. Thế nhưng khi chúng ta mải miết với những vấn đề thường nhật, người ngư dân vẫn phải ra khơi và người lính biển phải đêm ngày đối mặt với hiểm nguy ở nơi đầu sóng ngọn gió. Và chiếc giàn khoan thì không dừng lại để chờ công chúng kết thúc những cãi vã không có hồi kết.

Có lẽ nhiều người biết đến câu chuyện con ếch bị đun sôi. Giả thuyết là khi bỏ con ếch vào nồi nước lạnh và đun từ từ, nó sẽ ngồi yên vị và không hề để ý rằng nhiệt độ đang tăng lên. Đến khi nhận ra vấn đề thì chú ếch không đủ sức để nhảy ra khỏi nồi nữa và bị đun sôi đến chết.

Bỏ qua thực tế khoa học, chuyện con ếch phảng phất một triết lý sâu sắc. Mọi thứ luôn vận động và biến đổi, có những mối nguy hiểm ta có thể không nghe, không thấy, không còn quan tâm, nhưng không vì thế mà nó biến mất đi. Như bà nội trợ mải lướt Facebook và để nồi cơm bị cháy, cách duy nhất để cả nhà không bị đói là nhanh nhanh đi nấu nồi cơm khác. Nhưng trong cuộc sống mỗi người, và xa hơn là vận mệnh của mỗi dân tộc, nhiều khi chúng ta chỉ có duy nhất một nồi cơm.

Nhiều người nói rằng mình bé nhỏ quá, yếu đuối quá thì làm được gì? Bộn bề cơm áo gạo tiền còn chưa lo nổi, huống chi những việc tưởng như dời non lấp bể?

Đó là những câu hỏi mà tôi, thành thực mà nói, cũng không biết câu trả lời. Nhưng tôi tin rằng, điều quan trọng nhất là phải giữ được ngọn lửa quan tâm cần thiết. Trái tim sẽ biết mách bảo chúng ta phải làm gì. Mối nguy đâu chỉ là những giàn khoan trên biển, mà còn là những giàn khoan ta vẫn gặp hàng ngày: an toàn thực phẩm, nông sản bị ép giá, hay hàng hoá kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Vận nước không quyết định bởi những chiếc giàn khoan, mà từ chính thái độ của mỗi người. Quốc gia chỉ suy vong khi người dân không coi mái nhà của mình là ưu tiên số một. Một khi sự thờ ơ lên ngôi, chính chúng ta sẽ trở thành những con ếch, với biển Đông là nồi nước đang được châm lửa đun lên.

——–
Bài viết của tôi về hiện tượng “lãnh cảm” của công chúng với biển Đông vào năm ngoái ở đây.

Advertisement

One thought on “Ai nhớ đến chiếc giàn khoan?

  1. “Nhưng có hề gì, lòng yêu nước cũng như tình yêu đôi lứa, đôi khi chỉ cần được bày tỏ là đủ.” Nghe cay đắng quá. Nhiều người quan tâm nhưng họ không nói ra, và họ cũng không biết làm gì.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s