Nhà tôi cách Lê Trọng Tấn khá xa, nên kể từ ngày tuyến phố này được sang sửa, tôi cũng ít đi qua. Hôm nọ cần thay mắt kính, tôi chạy xe tới một cửa hàng quen vẫn thường đến thời sinh viên. Nhưng đi tới đi lui, không tìm thấy tiệm kính thuốc xưa trong ma trận biển hiệu xanh – đỏ mới được thay thế, tôi chép miệng rồi đành quay xe trở về.
Ông chủ quán hiền hậu mất đi một khách hàng, còn tôi, vừa chuốc bực vào người khi mất công chạy xe giữa trời đầu hè nắng chang, lại không được sử dụng dịch vụ nơi mình tin tưởng. Không biết có phải bị ấn tượng tiêu cực bởi lỡ việc hay không, tôi không thấy những biển hiệu “trăm cái như một” ở Lê Trọng Tấn là đẹp như quan điểm của UBND quận Thanh Xuân.
Tất nhiên, tranh cãi về thẩm mỹ sẽ không bao giờ có hồi kết, vì vẻ đẹp luôn mang tính chủ quan. Một bức tranh trừu tượng của Picasso có thể là tuyệt tác với người này, nhưng sẽ chỉ là một mớ hỗn độn với vài người khác. Việc đánh giá xấu – đẹp, vì thế, tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi người và mang tính cá nhân. Chúng ta có thể khen, chê, hay góp ý, nhưng không có quyền ép buộc người khác thay đổi lựa chọn của mình.
Nhưng bằng việc áp dụng quan điểm thẩm mỹ chủ quan lên ý chí của các cửa hàng ở khu phố kiểu mẫu, dường như thành phố đang tước đi quyền tự do lựa chọn “thẩm mỹ” đó.
Mức độ phát triển của xã hội được đo bằng sự sẵn có của các lựa chọn. Người dân chỉ thực sự thịnh vượng nếu họ có nhiều lựa chọn để cân nhắc hơn. Nếu người dân ở Lê Trọng Tấn 100% đồng tình với quy chuẩn quảng cáo xanh – đỏ như tuyên bố của UBND thành phố, có lẽ sẽ không có gì phải bàn cãi, bởi điều này là quyền lựa chọn của họ.
Tuy nhiên, giả sử một vài cửa hàng muốn trang trí biểu hiệu theo kiểu khác, điều rất có khả năng xẩy ra trên con phố có mấy trăm hộ kinh doanh, liệu họ có được phép đi ngược lại chính sách đã được nhất trí cao hay không? Theo như thông tin từ UBND quận Thanh Xuân, câu trả lời là không.
Bởi vậy, điều đáng lo ngại hơn đằng sau những tấm biển xanh đỏ là việc dùng ý chỉ chủ quan áp đặt lên quy luật thị trường, thu hẹp lại quyền tự do lựa chọn của người dân. Sử dụng biển hiệu ra sao phụ thuộc hoàn toàn vào tính toán về chi phí – lợi ích của chủ cửa hàng, không thể quyết định một cách cào bằng từ trên xuống dưới. Một hãng lớn có thể đầu tư vài tỷ để làm biển quảng cáo rực rỡ, thu hút khách hàng nhiều hơn, nhưng một quán bún đâu mắm tôm chỉ cần tấm bảng nhựa giá vài trăm nghìn.
Do các cửa hàng sẽ phải lựa chọn loại bảng phù hợp nhất với mình, nhà nước sẽ không cần tốn nhiều chi phí để đảm bảo “văn minh đô thị”, bằng cách đưa ra những quy chuẩn cứng như kích thước và vị trí. Dù có tài ba đến bao nhiêu đi chăng nữa, chính quyền Hà Nội không thể giỏi hơn hàng trăm nghìn cửa hàng về chiến lược marketing và quảng cáo trong lĩnh vực của họ.
Tôi thấy những trung tâm mua sắm sầm uất của thế giới như New York, Paris, hay Hong Kong vẫn có vẻ ngoài lộng lẫy và văn minh, dù chưa được đồng bộ như phố Lê Trọng Tấn. Thị trường tự do tạo ra vẻ đẹp trong đa dạng và mang lại hiệu quả tối ưu.
Ngược lại, chính sách “đồng bộ” khuôn mặt đô thị vô hiệu hoá khả năng khả năng tự điều chỉnh của thị trường, làm nó mất đi cả sự đa dạng lẫn hiệu quả kinh doanh. Về phần nhà nước, ngân sách sẽ mất đi số tiền hỗ trợ dựng biển, vốn đến từ tiền thuế của người dân. Một việc đáng lẽ ra không bên nào chịu thiệt, thì lại tạo ra sao quả tạ từ trên trời rơi xuống cho cả doanh nghiệp, nhà nước, và khách hàng.
Đó đương nhiên là một sự lãng phí. Chi phí chung của xã hội cho việc “đồng bộ hoá” một khu phố có lẽ là không quá lớn, nhưng kết quả sẽ ra sao nếu khu “kiểu mẫu” này được áp dụng triệt để trên hơn 8000km đường phố của thủ đô?
Tôi không phủ nhận tinh thần nhiệt tình của chính quyền Hà Nội trong việc chỉnh trang đô thị, làm gọn gàng đường phố thủ đô. Tuy vậy, sự nhiệt tình vội vã, thiếu cẩn trọng, đôi khi có hại nhiều hơn có lợi. Chính sách “đồng bộ hoá” đáng lo, không phải chỉ vì một con phố chỉ toàn xanh – đỏ, mà bởi nó cho thấy tư duy kinh tế chỉ huy vẫn còn rất mạnh khoẻ sau đúng 30 năm Đổi mới.