
Ở cửa ra vào trong hiệu sách đại học Thammasat, ngôi trường lớn nhất nhì Thái Lan, trưng bày tủ sách “Hiểu láng giềng Asean của chúng ta” (Know our Asean neighbors). Nó bao gồm những cuốn bách khoa kinh điển về tất cả các nước trong khu vực, diễn giải chuyên sâu chứ không hời hợt như các danh tác rút gọn từng phổ biến một dạo.
Với nước ta, người Thái dịch tác phẩm “Việt Nam: một thiên sử” của Nguyễn Khắc Viện. Nói ra thì thật xấu hổ, là người Việt nhưng tôi chưa từng biết đến cuốn sách này.
Đến khi ra sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, tôi thấy các biển quảng cáo tràn ngập kì vọng về Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), với các doanh nghiệp Thái tự hào về khả năng kết nối toàn khu vực của họ. Đó cũng là hình ảnh thường thấy tại các sân bay lớn khác trong Asean, Soekarno – Hatta ở Indonesia hay Kuala Lumpur 2 ở Malaysia. Hạ cánh xuống Nội Bài, thứ duy nhất nhắc tôi đến AEC có lẽ là cửa làm thủ tục hải quan dành riêng cho công dân các nước Asean.
Tất nhiên, hình ảnh có thể không kể hết câu chuyện phía sau. Nhưng ít nhất, nó cho thấy sự quan tâm của các nước với AEC là có thật.
Đằng sau cánh cửa hải quan ưu tiên là những chuyến đi tìm cơ hội làm ăn ở thị trường chung có đến 600 triệu dân của những ông chủ trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên khi người Thái rốt ráo xâm nhập thị trường Việt những năm qua, với việc thâu tóm các chuỗi siêu thị lớn như Big C hay Metro trong năm vừa qua, khi AEC chính thức có hiệu lực cuối 2015. Singapore và Malaysia thì đã hiện diện ở Việt Nam từ lâu. Năm ngoái hai quốc gia này đầu tư gần 5 tỷ USD vào nước ta, đứng đầu trong khối Asean.
Đằng sau cánh cửa hải quan, người Việt cũng có những chuyến đi để tận dụng chính sách miễn thị thực của Asean. Nhưng điểm đến chủ yếu là những thiên đường du lịch như Bali, Pattaya, hay các trung tâm mua sắm ở Singapore hay Bangkok. Theo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, người Việt bỏ ra hơn 6 tỷ USD để đi du lịch nước ngoài vào năm ngoái, phần lớn điểm đến là các nước Asean.
Ngoài sự háo hức cho những chuyến nghỉ mát, thực tế là không có nhiều người để ý đến sự tồn tại của khối liên kết khu vực vô cùng quan trọng này. Sự thờ ơ với hội nhập khu vực ở Việt Nam có thể cảm nhận rõ qua con số hơn 76% doanh nghiệp không biết gì đến AEC, và 94% không biết đến các điều khoản mà chính phủ đàm phán, theo một khảo sát thực hiện năm ngoái của Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội nhập đã và đang chỉ là câu chuyện của nhà nước.
Có thể hiểu được sự bàng quan của người dân và doanh nghiệp với AEC. Asean, về mặt nào đó, đã nhiều lần thất bại khi không thực hiện được câu khẩu hiệu “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”. Khác với mô hình kiểu mẫu Liên minh Châu Âu (EU), Asean không thống nhất về mặt chính sách, không có thực quyền, và cũng không đủ đoàn kết để bảo vệ lợi ích thành viên trong khối ở những trường hợp tranh chấp với các quốc gia khác. Năm lần bảy lượt Asean không tìm được tiếng nói chung trong việc ngăn chặn hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.
Thêm vào đó, cơn sốt TPP và Mỹ có lẽ đã làm chúng ta lãng quên AEC. Giấc mộng phương Tây dù sao cũng được cho là đáng mơ ước hơn sóng sánh ở khu vực mà nhiều người vẫn dè bỉu là “vùng trũng” Đông Nam Á. Có lẽ chúng ta quên rằng Việt Nam đang đứng ở nửa dưới của “vùng trũng” đó.
Con người dễ đổi thay, nhưng giang sơn thì khó dời. Định mệnh đặt Việt Nam bên cạnh các nước Asean, điều đó không thể thay đổi. Chỉ mải nhìn sang nhà hàng xóm mà không chịu chăm lo cho vườn rau nhà mình, sẽ có lúc phải nương nhờ vào rau bẩn của ông hàng xóm khác. Dù có những điểm chưa hoàn hảo, Asean vẫn là một sân chơi vừa sức với Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội mới, nhất là về mặt kinh tế. Hai mươi năm trước, cùng với việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ, gia nhập Asean đánh dấu quá trình tái hoà nhập hoàn toàn của nước ta với thế giới.
Hồi tháng Ba, tôi có dịp tham gia một hội thảo với sự tham gia của nhiều công chức trẻ đến từ các nước trong khu vực tại Jakarta, nơi đóng đô của Ban thư ký Asean. Họ đều nhiệt huyết, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, và nói tiếng Anh rất tốt. Hơn tất cả, họ lạc quan về tương lai chung của một cộng đồng Asean thống nhất, với khởi đầu là Cộng đồng Kinh tế. Nhìn về họ, bất giác trong đầu tôi hiện lên câu hỏi, không biết bao nhiêu trong số hơn 5 triệu công, viên chức nước mình sẵn sàng làm việc với họ?