Để hồ Tây còn cá

ca_chet_ho_tay_125_zing_

Thời sinh viên, hồ Tây là địa điểm yêu thích của tôi. Từ cuộc hò hẹn ở góc café hay trà đá vỉa hè, cho đến những lần tụ tập bạn bè nơi quán nhậu ven hồ, nơi đây gắn liền kí ức tuổi trẻ của có lẽ rất nhiều thế hệ sống ở Hà Nội. Nói chung hoài niệm khi nào cũng đẹp, chỉ có điều sau mỗi cuộc vui đó, tôi thấy đôi lúc chủ quán hất đồ thừa vào thẳng mặt hồ.

Tôi nhớ đến chi tiết này khi nhìn mặt hồ Tây phủ đầy xác cá dập dềnh trong thảm hoạ môi trường vừa qua. Nguyên nhân vì sao hơn 200 tấn cá ở hồ Tây chết chưa được làm rõ, nhưng tôi nghĩ nồi nước lẩu ăn dở năm nào cũng góp phần vào đó. Chính tôi cũng có lỗi trước oan hồn của tôm cá.

Những kẻ có tội với hồ Tây, gián tiếp hay trực tiếp, như tôi ngày càng nhiều lên, cùng với sự gia tăng chóng mặt của dân số Hà Nội lẫn những công trình dân dụng mọc lên xung quanh hồ.

Khách vãn cảnh thì tặng túi nylon và chai lọ, người bản địa thì dồn ứ rác thải sinh hoạt, còn các quán nhậu, nhà hàng thì ngày ngày trực tiếp xả thải xuống mặt hồ. Đó là chưa kể những nguồn thải khác có thể tồn tại xung quanh mà chưa được kiểm tra như bệnh viện hay các nhà xưởng. Mỗi người, ai cũng nghĩ xả bậy một chút cũng không sao, thế nhưng khi cả trăm ngàn người đều nghĩ như vậy thì độ tàn phá theo thời gian là rất khủng khiếp.

Bi kịch của hồ Tây không chỉ dừng lại ở hồ Tây, mà còn là bi kịch chung của những con sông, kênh nước, ao hồ đã hoặc đang chết dần chết mòn ở các đô thị lớn. Đầu năm nay, cụ rùa Hồ Gươm qua đời, một phần cũng là do môi trường sống bị huỷ hoại ở hồ nước thiêng bậc nhất cả nước.

Những nỗ lực làm sạch môi trường của cơ quan chức năng trong thời gian qua là đáng trân trọng. Từ hơn chục năm, nhằm cứu cụ rùa, chính quyền thủ đô đã có nhiều dự án cải tạo nước hồ Gươm. Mới đây, Hà Nội khởi công dự án xử lý nước thải hơn 16 nghìn tỷ đồng để làm sống lại sông Tô Lịch. Tp. Hồ Chí Minh cũng dành đến hàng chục nghìn tỷ để cải tạo dòng nước đen Nhiêu Lộc – Thị Nghè thành con kênh theo đúng nghĩa. Nhưng những nỗ lực đó sẽ chỉ như bước chân trên đồi cát, chưa đi đã lùi, bởi những nồi lẩu hất toẹt xuống hồ sau cuộc chè chén.

Chúng ta tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ để làm sạch môi trường, nhưng khi chính ý thức của người dân chưa được làm sạch, thì gốc rễ của vấn đề sẽ không được giải quyết rốt ráo. Kênh Nhiêu Lộc ở Tp. Hồ Chí Minh, dù hiện giờ đã “sống lại”, vẫn bốc mùi mỗi khi trời nắng to hay mưa dội. Điều tương tự cũng xẩy ra với sông Tô Lịch, vốn từng nổi tiếng với câu chuyện một người tự tử không chết do rác nhiều quá không chìm xuống nổi.

Những con sông, dòng kênh, nguồn nước ô nhiễm, dù được làm sạch đến bao nhiêu cũng sẽ quay trở lại ô nhiễm khi nguồn nước thải vẫn ngày đêm đổ xuống đây, một cách công khai hay lén lút.

Thực tế mấy chục năm qua cho thấy việc điều chỉnh hành vi của người dân bằng vận động và tuyên truyền là không mấy hiệu quả. Một người nghiêm túc và hiểu biết có thể nghe theo lời kêu gọi “không xả rác”, nhưng năm thì bảy lượt khi những người “phá luật” xả thải mà không bị trừng phạt, thì động lực để tuân thủ của họ sẽ bị suy giảm đi rất nhiều. Điều này không khác gì với luật giao thông: một người vượt đèn đỏ không bị xử phạt sẽ kéo theo cả đám đông đang chờ phía sau phá luật.

Chúng ta cần nhìn nhận rằng việc xả thải đúng tiêu chuẩn, kể cả với hộ gia đình, là tốn kém hơn bởi sự bất tiện và các chi phí xử lý trước khi đưa ra môi trường. Chính vì vậy, điều chỉnh hành vi này cần bao gồm việc thực hiện hai công cụ chính: yêu cầu các hộ gia đình, các đơn vị sinh sống và hoạt động xung quanh các “lá phổi xanh” phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn, đồng thời xử phạt nặng tay với những hành vi vi phạm.

Gợi ý thứ nhất đồng nghĩa với việc những ai sống gần nguồn nước hay công viên phải chấp nhận chi phí cao hơn để lắp đặt hệ thống xử lý rác, hay nộp phí môi trường nhiều hơn để cơ quan chức năng thực hiện thay. Điều này là hợp lý, bởi những người sống và làm việc ở đây đang được hưởng “ngoại ứng tích cực” từ những lá phổi xanh mang lại, điều mà hàng triệu người dân trong cùng đô thị không được may mắn như họ.

Gợi ý thứ hai sẽ khiến những ai vì sự tiện lợi của mình mà xả rác ở sông, hồ, hay công viên phải chùn tay. Cũng như vi phạm luật giao thông, không phải ai vi phạm cũng bị xử phạt, nhưng mức phạt cao sẽ hạn chế đáng kể những người có ý định vi phạm. Đây là một trong những biện pháp chính để Singapore trở thành một trong những thành phố sạch nhất thế giới. Tội xả rác bừa bãi ở đây có thể bị phạt đến 1000 đô la Singapore; nếu tái phạm, mức phạt sẽ lên đến 5000 đô la cùng với lao động công ích.

Theo Nghị định 163/2013/NĐ-CP, mức phạt vi phạm hành chính với tội “xả rác nơi công cộng” của Việt Nam cũng ở mức khá cao: từ 1 đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này không có nhiều ý nghĩa, khi dường các cơ quan chức năng chưa thực sự quyết tâm thực thi một cách rốt ráo.

Hồ Tây “thất thủ” là bi kịch của tôm cá, nhưng nó cũng báo hiệu bi kịch cho chính chúng ta nếu không hành động ngay từ bây giờ. Nếu chúng ta không hiểu được rằng tiền bạc và sự tiện lợi sẽ chẳng có ích gì khi môi trường sống bị huỷ hoại thì sẽ có ngày phải trả giá rất đắt.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s