Người Việt, dân tộc tính, và toàn cầu hoá

Bài mới đăng trên VnExpress, rút gọn lại ý từ tiểu luận của mình viết cho cuốn “Gần như là nhà” vài năm trước. (Link VnEpress https://vnexpress.net/tinh-viet-4393576.html). Bài tiểu luận ở dưới đây.

—-

Tháng 2/2014, giữa những chán ngán của việc hàng tháng liền đóng cửa trong thư viện viết luận văn, tôi quyết định tự thưởng cho mình một chuyến “phượt” hai tuần đến Ma-rốc, một quốc gia Bắc Phi xinh đẹp tiếp giáp cả Đại Tây Dương lẫn Địa Trung Hải.

Hạ cánh xuống Marrakesh, thành phố du lịch lớn thứ hai Ma-rốc, tôi phải luồn lách qua những con ngõ ngoằn ngoèo của khu chợ gần quảng trường Jemaa el-Fnaa, với những cậu thiếu niên ma mãnh tìm cách lừa lọc du khách để tìm căn gác trọ của mình lúc nửa đêm.

Tiếp đón tôi trong căn phòng tám giường, vốn chỉ dành cho những dân du lịch bụi không mấy dư dả, là những người đồng hành đến từ khắp nơi. Trong số đó, tôi mừng rỡ khi thấy một gương mặt rất Á đông.

“Anh tên gì?” tôi hỏi bằng tiếng Anh. “Nick Nguyen, rất vui được gặp anh,” Cậu thanh niên kia đáp lại. “Ồ, anh là người Việt chăng?” Tôi hồ hởi.

“Không, tôi là người Canada,” anh chàng kia lịch sự trả lời. Bố mẹ Nick là người Việt di tản sau năm 1975, anh lớn lên ở một vùng đất giá lạnh, hoàn toàn cách biệt với xứ sở nhiệt đới là nguồn cội của mình. Anh bước ra thế giới mà không còn nghĩ mình là người Việt Nam, nơi cả nghìn năm lịch sử còn in hằn lên màu da sống mũi.

Tôi gật đầu mỉm cười rồi leo lên chiếc giường của mình ở gác trên. Ước muốn ngủ say sau mấy tiếng vật lộn ở sân bay biến mất. Lần đầu tiên tôi gặp một người họ Nguyễn mà không tự nhận là người Việt. Thế giới ra sao nếu người họ Nguyễn không phải là người Việt, người họ Lee không đến từ Hàn Quốc? Một đêm mất ngủ của tôi chỉ quẩn quanh với những suy nghĩ đó.

Đó có thể coi là lần đầu tiên tôi nhìn thấy “sự va chạm giữa các nền văn minh” trong thời đại toàn cầu hóa.

Một quốc gia đa sắc, dân tộc với nhiều chủng tộc khác nhau không phải mới mẻ gì với các nước phương Tây. Nước Mỹ, mới hình thành được gần 300 năm, có tên chính thức là “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” – đó là nơi pha trộn của nhiều nền văn hóa khác nhau. Các quốc gia châu Âu – đặc biệt những nơi từng là siêu cường thuộc địa như Pháp hay Anh – dần dần biến thành những dân tộc đa sắc trong thế kỷ 20 với làn sóng nhập cư từ thuộc địa và các nước thuộc thế giới thứ ba. Không một ai ngạc nhiên khi London có một thị trưởng người gốc Nam Á theo đạo Hồi, hay Đức từng có một phó thủ tướng gốc Việt.

Nhưng với phần còn lại của thế giới cho đến đầu thế kỷ 21, phương Tây vẫn là dị biệt. “Dân tộc tính” dựa chủ yếu vào vẻ bề ngoài hơn là những giá trị khác. Người Việt, giống như một số dân tộc Á Đông khác, có tính cộng đồng và tinh thần dân tộc rất mạnh. Tinh thần đó phần nào tạo ra tính đồng nhất trong đời sống văn hóa – chính trị của người Việt hàng ngàn năm qua. Những ai từng dây dưa với “Tây” sẽ bị nhục mạ không thương tiếc, và bị loại bỏ hoàn toàn khỏi đời sống cộng đồng.

Nhưng quá trình Toàn cầu hóa thứ ba bắt đầu từ sau Chiến tranh lạnh mở ra một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới. Người Việt bắt đầu tỏa ra khắp năm châu để học tập và sinh sống, cùng với những lớp người thoát ly khỏi đất nước do ảnh hưởng từ giai đoạn chiến tranh 1954 – 1975. Cùng với đó, sự bùng nổ kinh tế ở trong nước cùng tiến trình hội nhập mạnh mẽ về thông tin cũng dẫn đến sự thay đổi lớn ở trong nước. Người Việt có góc nhìn bớt ác cảm hơn với giao lưu văn hóa, và dần thừa nhận những tác động không thể đảo ngược của tiến trình hội nhập lên “dân tộc tính” của mình. Nhưng giới hạn của “dân tộc tính” nằm ở đâu?

Tôi băn khoăn với câu hỏi đó khi trở về từ Ma-rốc, và chỗ làm thêm của tôi ở London mới nhận thêm một sinh viên thực tập. Cô là người Cộng hòa Séc, gốc Việt. Quốc gia Đông Âu này là một trong những nước đầu tiên công nhận người Việt là cộng đồng dân tộc thiểu số của mình. Cảm nhận của tôi về cô khác hoàn toàn so với Nick Nguyen – dù còn vất vả để giao tiếp bằng tiếng Việt, cô toát lên một nét “Việt” nào đó rất khó giải thích bằng từ ngữ. Cô thường xuyên về Việt Nam thăm họ hàng. Cô chơi với nhiều bạn Việt Nam, phần lớn là những người Việt thiểu số như cô. Cô cũng tham gia cuộc biểu tình yêu nước phản đối giàn khoan HD-981 tại London vào tháng 5/2014, và luôn quan tâm đến cuộc sống trong nước.

Một phần nào đó, cô có cùng xuất phát điểm như Nick, nhưng một bên tin mình là người Việt, bên còn lại thì không. Vậy có thể kết luận “dân tộc tính” phần lớn là niềm tin?

Đây là một câu hỏi khó trả lời, bởi niềm tin không dựa vào nỗ lực tự thân, mà phần nhiều hình thành bởi môi trường xung quanh. Tôi còn nhớ ngày bé xem một bộ phim Trung Quốc, kể về nỗ lực hòa nhập bất thành của cậu bé Trung Hoa khi gia đình chuyển sang Pháp định cư. Bị bạn bè chế diễu và không chơi cùng, cậu tuyệt vọng đến mức bôi phân trâu lên đầu để có “tóc vàng” như các bạn. Đó là một chi tiết gây cười, nhưng cũng dễ tạo ra nước mắt, nhất là cho những người cũng đang có những nỗ lực tuyệt vọng tương tự.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng có những người bạn, qua những nẻo đường khác nhau, đang cố gắng để định cư ở một nước phát triển. Xin nhập quốc tịch là khó, hành trình để thực sự hòa nhập vào một dân tộc mới còn khó hơn gấp bội. Đó là quá trình “tẩy não” một phần bộ nhớ dân tộc cũ, để lấy chỗ hình thành không gian cho dân tộc mới. Rất nhiều người bị kẹt ở giữa hai thế giới: họ không được thừa nhận (hoặc thấy lạc lõng) ở thế giới mới, trong khi quê nhà đón họ bằng cái tên xa lạ – Việt kiều. Lòng yêu nước của họ sẽ san sẻ ra sao, khi “yêu nước” từ trước đến nay vẫn là thứ tình cảm độc quyền – như tình yêu – chỉ dành cho một và chỉ một nguồn cội.

Khi đất nước ngày càng giàu lên, người Việt lại tiếp tục hành trình hướng ra thế giới, túa ra muôn nẻo để học tập, mưu sinh, hay tìm kiếm giấc mơ đổi đời. Việt Nam luôn nằm trong top những nước có nhiều sinh viên nhất tại Mỹ, Australia, hay Anh quốc. Câu hỏi về dân tộc tính, lòng yêu nước, và nguồn cội có lẽ tiếp tục khiến nhiều người mất ngủ. Liệu người Việt có đi theo con đường đa chủng tộc như các nước phương Tây, hay tiếp tục khép mình trong thế giới đồng chủng, đồng văn của người Á Đông? Liệu chúng ta sẽ bảo vệ ai, cố hương hay là ngôi nhà mới? Hay đơn giản, bạn sẽ trả lời “có” hay “không” khi đối diện với câu hỏi mà tôi dành cho Nick Nguyen?

Sẽ khó có câu trả lời phổ quát cho mọi người, bởi đương nhiên, cảm nhận về “dân tộc tính” mỗi người một khác. Tại một cuộc gặp mặt nhỏ ở Paris, Nguyễn Thanh Việt, nhà văn người Mỹ gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer cho tiểu thuyết, kể một câu chuyện ông nghe lỏm ở một cửa hàng tại Mỹ. Ông tình cờ nghe được một người Mỹ gốc Á nói chuyện điện thoại với con khi đang mua sắm. Nhà văn biết ông ta là người Việt khi nghe ông hỏi con: “Con ơi, ba đây. Con ăn cơm chưa?”

Những lời đó, nói bằng tiếng Anh, không có gì đáng kể, thậm chí còn gây phiền toái. Nhưng Nguyễn Thanh Việt nói rằng, “Trong tiếng Việt, nó là tất cả”, và ông xúc động đến gần như phát khóc khi nghe các từ thân thương đó, dù ông không nói được nhiều bằng tiếng Việt. “Con ăn cơm chưa?” với những người Á Đông ngại ngần trong việc chia sẻ tình cảm, chính là “ba yêu con”. Đó là những thứ nhỏ nhặt, thậm chí không đáng kể, nhưng là thứ xác nhận ông là người Việt Nam.

Nó là một thứ gì đó hơi siêu nhiên, không thể học hay bắt chước, mà chỉ có thể cảm nhận. “Chừng nào tôi còn cảm thấy cảm động bởi những gì thuộc về người Việt, chừng đó tôi sẽ vẫn là người Việt”. Con người luôn trở về với nguồn cội của mình những lúc nào yếu đuối nhất hoặc xúc động nhất.

Nhà xã hội học chuyên về Đông Nam Á, Benedict Anderson, khi nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc đã đề ra và truyền bá thuật ngữ “cộng đồng tưởng tượng”. Theo đó, quốc gia là một cộng đồng được tạo dựng một cách nhân tạo theo thời gian, bởi những người tự coi mình thuộc về một nhóm tổ chức nhất định. Quốc gia là cộng đồng “tưởng tượng” bởi phần lớn những người trong cộng đồng đó không hề chạm mặt nhau, mà chỉ liên kết với nhau thông qua những lý tưởng hay lợi ích chung.

Trong gần 100 triệu người Việt trên toàn cầu, có mấy ai được gặp quá 10,000 người ngoài đời thực, nhưng đều chia sẻ bức xúc mỗi khi nghe tin Trung Quốc lộng hành trên biển Đông. Điều này lý giải vì sao sau sự kiện HD – 981 năm 2014, người Việt khắp nơi, bất kể nguồn gốc và quan điểm chính trị, xuống đường phản đối Trung Quốc. Sự tưởng tượng có thể lớn lao như vậy, cũng có thể là những đặc điểm tiểu tiết như câu hỏi “con ăn cơm chưa” của nhà văn Nguyễn Thanh Việt.

Có những thứ thiết yếu, nhưng gần gũi với chúng ta đến mức dường như chúng ta quên đi sự tồn tại của nó, cho đến khi nó mất đi. “Dân tộc tính” cũng tương tự như vậy. Có lẽ không ai băn khoăn về “dân tộc tính” nếu thế giới chỉ mãi là những vùng đất ngăn nhau bởi đường biên, núi non hiểm trở, và các đại dương bất tận.

Quá trình toàn cầu hóa trong 500 năm qua thay đổi đất cả, thành lập và xóa sổ các triều đại, và bây giờ đang tiến đến thành trì của “dân tộc tính”. Nhưng trong nguy cơ sinh tồn đó, thì con người mới có thể tự nhìn nhận lại tính “dân tộc” của mình.

Cố gắng chống lại hay để mặc cho quá trình đó là câu hỏi mà tôi không dám trả lời, và cũng không có quyền lựa chọn. Chỉ riêng tôi, mỗi lần nhìn xuống Hà Nội ban đêm khi máy bay cất cánh, tôi rơi rụng hết những năng lượng tiêu cực về quê hương. Tôi hiểu vì sao có những người sống cả cuộc đời ở nước ngoài, đến lúc gần nhắm mắt xuôi tay vẫn muốn trở về để “lá rụng về cội”.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s