Lời hứa bộ trưởng

(Bài đăng trên VnExpress: https://vnexpress.net/loi-hua-cua-bo-truong-4384115.html)
Bài gốc:
Vì Covid mà đã lâu tôi chưa được về nhà. Hai đứa cháu tôi, ngày xưa còn cõng trên lưng, bây giờ đã bắt đầu đi học. Tất nhiên cũng như hàng triệu đứa trẻ khác, “lớp học” hiện tại của chúng được tổ chức trực tuyến. Mỗi khi gọi điện về, anh chị lại than thở về việc đốc thúc hai đứa học bài. Thời đại dịch, trách nhiệm này được chuyển sang cho gia đình, bởi “trạng thái mới” vô hiệu nhiều biện pháp giám sát truyền thống của giáo viên và nhà trường. Một trong những biện pháp đó mà mỗi khi nhớ về tôi vẫn còn thấy run, là mười phút kiểm tra bài cũ. Hình ảnh cô giáo chau mày dò tên trên sổ điểm, sau đó chậm rãi gọi một cái tên thiếu may mắn lên bảng, có lẽ ám ảnh nhiều học sinh cùng trang lứa với tôi.
Nhưng giờ nghĩ lại, giữa thời của học trực tuyến, tôi lại thấy giá trị của những lần kiểm tra bài cũ. Nỗi sợ của việc không thuộc bài, trả lời ấp úng trước lớp, hay tệ hơn là bị ghi vào sổ đầu bài, có lẽ phần nào khiến nhiều người dậy sớm hơn một chút để ôn bài trước khi đến lớp. Đây có lẽ là bài học đầu tiên của tôi về trách nhiệm giải trình: hiệu quả chỉ đến khi nhiệm vụ được phân công rõ ràng, quy trình giám sát chặt chẽ, và chế tài thực hiện đủ mạnh.
Trong tuần này, Quốc hội khóa 15 bắt đầu kỳ họp thứ hai, nơi một số thành viên chính phủ “trả bài” trong lần chất vấn đầu tiên. Theo lịch trình làm việc, các bộ trưởng đăng đàn trước tiên sẽ đến từ Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, và Bộ Giáo dục Đào tạo. Trong bối cảnh đất nước cần phục hồi sau đại dịch, chắc chắn những vấn đề trong phiên chất vấn lần này sẽ được đặc biệt chú ý. Đây là cơ hội để lãnh đạo trình bày cụ thể những việc mình đã làm trong thời gian qua, cũng như kế hoạch hành động trong thời gian tới. Những cam kết được đưa ra trong các phiên chất vấn, phần nào đó, là nhiệm vụ các bộ trưởng nhận trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri.
Là một người theo dõi chính sách, tôi quan tâm đến nội dung các câu hỏi và hồi đáp từ các bộ trưởng. Nhưng là một người dân, tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến đến khả năng thực hiện lời hứa từ các “tư lệnh ngành”. Kể từ khi các phiên họp Quốc hội được truyền hình trực tiếp từ năm 1998, tôi thấy các bộ trưởng thường đưa ra nhiều cam kết ở nghị trường. Tuy nhiên, không có nhiều thông tin về việc lãnh đạo thực hiện đầy đủ các lời hứa hay không. Lời cam kết gần nhất mà tôi nhớ là thời gian vận hành của đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đưa vào khai thác thương mại chậm ba năm so với lời khẳng định của Bộ trưởng Giao thông.
Có lẽ nhiều đại biểu cũng có băn khoăn giống tôi. Đã từng có những phàn nàn rằng các bộ trưởng không thực hiện đúng cam kết, hoặc không đưa ra lộ trình cụ thể để xử lý những vấn đề cử tri kiến nghị. Khi vừa nhậm chức hai ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ tập trung đánh giá “lời hứa” của bộ trưởng theo quy định hiện hành, cụ thể là thông qua các phiên chất vấn và giám sát chuyên đề.
Tuy nhiên, việc giám sát này – tương tự các kỳ chất vấn được truyền hình trực tiếp –mang tính thời điểm và sẽ chỉ tạo phản ứng mang tính đối phó với người được chất vấn. Họ chỉ cần trổ tài ăn nói, và xử lý các lời hứa bằng cách đưa thêm những lời hứa khác, thay vì cố gắng giải quyết vấn đề một cách thực chất. Hoặc họ cố gắng xử lý bề nổi của vấn đề, thay vì đưa ra các giải pháp dài hạn. Ví dụ như để làm tăng trưởng kinh tế địa phương, thay vì lựa chọn các phương án đầu tư hạ tầng đem lại hiệu quả cao, các lãnh đạo có thể phê duyệt những công trình dễ thực hiện nhưng không có mấy giá trị lan tỏa như tượng đài hay cổng chào. Đây là vấn đề mà một số học giả gọi là “nền quản trị trình diễn” – lấy vẻ bên ngoài để che đậy nét sơ sài bên trong.
Một cách làm khác là tạo ra các ban bệ phục vụ riêng cho công tác giám sát. Bất lợi lớn nhất của phương án này, đương nhiên, là sẽ tăng thêm chi phí vận hành và khiến bộ máy vốn đã cồng kềnh trở nên nặng nề hơn. Quy trình giám sát dựa vào hệ thống quan liêu có thể sẽ kéo dài đến vô tận – bởi nếu anh giám sát tôi thì ai giám sát anh?
Người dân có thể là câu trả lời. Ở nhiều quốc gia, giám sát lời hứa của chính trị gia thực hiện tốt nhất từ phía xã hội dân sự, bao gồm báo chí, truyền thông, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các công dân liên quan trực tiếp tới quyết sách của lãnh đạo. Khi có lợi ích liên quan, giám sát sẽ được tiến hành liên tục và mang tính khách quan hơn. Một ví dụ điển hình là trang web PolitiFact giám sát lời hứa tranh cử của các tổng thống Mỹ, được lập ra bởi viện Poynter. Theo đó, Tổng thống Obama thực hiện 47% các lời hứa, trong khi tỷ lệ này của Tổng thống Trump là 23%. Những thông tin này sẽ có giá trị tham khảo trong các kỳ bầu cử tới.
Thêm vào đó, chế tài đủ mạnh có lẽ đóng vai trò quyết định trong việc giám sát lời hứa bộ trưởng. Qua nhiều nhiệm kỳ, Quốc hội hiện đang thực hiện hiệu quả cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm, và Bộ Chính trị cũng vừa ban hành Quy định 41 về miễn chức vụ với cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp. Rõ ràng, việc các bộ trưởng thực hiện cam kết của mình tới mức nào sẽ là thông tin tác động trực tiếp tới lá phiếu tín nhiệm của họ.
Tuy nhiên, bởi việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ diễn ra một lần trong kỳ, và diễn ra đồng loạt với tất cả chức danh, quy trình này có thể tốn thời gian mà không thực sự hiệu quả. Thay vào đó, Quốc hội nên có thêm các phiên bỏ phiếu tín nhiệm “bất thường” với một số vị trí, dựa trên đề xuất của các đại biểu Quốc hội. Mặc dù đã có quy định về điều này trong Luật Tổ chức Quốc hội 2014, chưa có tiền lệ nào về bỏ phiếu tín nhiệm bất thường. Chế tài không chỉ là hình phạt cho những ai thất hứa, mà còn để trân trọng những lãnh đạo thực hiện đúng lời nói và cam kết của mình.
Sau vài tháng học trực tuyến, anh chị tôi đang mong từng ngày lũ trẻ được đến trường trở lại. Kể cả với học sinh, giám sát là nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s