Kỷ niệm hay không kỷ niệm, đó không phải là vấn đề

Phần còn lại của một tòa nhà ở Hiroshima sau thảm họa nguyên tử được người Nhật bảo tồn
Phần còn lại của một tòa nhà ở Hiroshima sau thảm họa nguyên tử được người Nhật bảo tồn

 

Ngày 17/2 tới đây sẽ đánh dấu 35 năm Trung Quốc đem quân xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam. Cuộc chiến chỉ kéo dài hơn một tháng nhưng để lại hậu quả rất nặng nề này được Việt Nam kỷ niệm hàng năm để lên án “bọn bành trướng Bắc Kinh,” trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1992.

Kể từ đó, ngày 17/2 trở thành điểm mù trong mắt công luận, hiếm khi được đề cập trong báo chí chính thống, chứ chưa nói đến chuyện được tổ chức rầm rộ như các ngày lễ quan trọng khác như chiến thắng Điện Biên Phủ hay giải phóng miền Nam.

Ngay cả trong sách lịch sử, sự kiện năm 1979 chỉ được đề cập trong một đoạn ngắn và được gọi là “xung đột biên giới” thay vì “xâm lược” như chính bản chất của nó.

Phía Việt Nam, dĩ nhiên, chưa bao giờ giải thích vì sao có sự thay đổi trong cách nhìn về cuộc chiến 1979, và vì sao thông tin về sự kiện này lại được đưa ra dè dặt như vậy. Tuy vậy, với kí ức về một cuộc chiến còn khá mới, cộng với sự trợ giúp của internet, những tranh luận về việc nên hay không nên kỷ niệm chiến tranh biên giới trở nên nóng bỏng trong thời gian qua.

Phía ủng hộ sự im lặng của chính phủ thì cho rằng việc làm rùm beng sự kiện này sẽ gây ảnh hưởng đến hòa khí của cả hai dân tộc, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam còn phải lệ thuộc nhiều vào nước láng giềng. Có người còn cho rằng “chỉ có kẻ yếu mới ôn lại thù hận,” và rằng cách xử sự của các vương triều Việt Nam xưa kia với Trung Hoa sau mỗi lần xung đột đều là cầu hòa để nhân dân được sống yên ổn.

Phe phản đối thì lập luận lịch sử không được phép lãng quên, phải mạnh dạn hơn trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến chiến tranh biên giới, một là để nâng cao tinh thần dân tộc, hai là để thế hệ sau cảnh giác với âm mưu của các “thế lực thù địch.” Một số người còn quả quyết rằng không kỷ niệm sự kiện 17/2 là hèn nhát với giặc, là chính phủ đang bị Bắc Kinh chèn ép, hay hằng hà sa số các thuyết âm mưu khác.

Với những vấn đề kiểu như thế này, có lẽ sẽ thú vị hơn khi nhìn vào các quốc gia khác có hoàn cảnh tương tự như Việt Nam.

Kỷ niệm chiến tranh ở một số quốc gia

Ba Lan: Nước láng giềng với Đức, và cũng là quốc gia đầu tiên bị Đức Quốc Xã xâm lược, mở màn cho cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Hàng năm quốc gia này tổ chức các sự kiện kỷ niệm để tưởng nhớ những nạn nhân của chiến tranh. Điều này làm được có lẽ là nhờ hai yếu tố: một là chính người Đức thừa nhận sai lầm trong quá khứ của mình, cho nên họ không có vấn đề gì khi quốc gia láng giềng bới móc lại tội ác chiến tranh. Thứ hai, nó đúng là một lễ tưởng niệm đơn thuần: ghi nhớ những gì đã diễn ra thay vì kích động chủ nghĩa dân tộc.

Nhật Bản: Dù hiện đang là đồng minh của Mỹ tại châu Á, người Nhật vẫn tổ chức tưởng niệm ngày Hiroshima và Nagasaki bị đánh bom nguyên tử trong năm 1945. Tuy nhiên, thông điệp chính của buổi lễ là cầu nguyện vì hòa bình và một thế giới không có vũ khí hạt nhân, thay vì tạo ra tâm lý thù hận hay chống Mỹ. Trong thời gian gần đây, chính phủ Nhật Bản có xu hướng “xét lại” nhiều hơn về lịch sử, điển hình là việc thủ tướng Shinzo Abe đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ hàng triệu người Nhật thiệt mạng trong Thế chiến Thứ hai, trong đó có cả những tội phạm chiến tranh. Hành động này khiến cho mối quan hệ Nhật-Trung, Nhật-Hàn trở nên căng thẳng.

Georgia: Về nhiều khía cạnh, Georgia có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Nằm cạnh một siêu cường (Nga), Georgia có nhiều lần cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt với nước láng giềng. Nga xâm lược Georgia vào năm 2008. Hiện tại quân đội của Kremlin vẫn đang chiếm giữ hơn 20% lãnh thổ từng thuộc về Georgia trước năm 2008. Sau khi tổng thống thân phương Tây Saakashvili thất bại trong cuộc tranh cử 2013 vừa qua, mối quan hệ giữa hai nước đã gần bình thường trở lại. Tuy vậy, quốc gia này vẫn tổ chức tưởng niệm ngày nước Nga bắt đầu cuộc chiến vào 8/8 hàng năm.

Trung Quốc: một nguyên tắc hết sức quan trọng trong quan hệ quốc tế là có đi có lại. Việc “cựu thù” cư xử như thế nào với lịch sử sẽ mang lại nhiều giá trị tham khảo cho nước ta. Đến lúc bài báo này được viết ra, có vẻ như Bắc Kinh không muốn đề cập lại cuộc chiến 35 năm về trước. Hầu hết các cơ quan ngôn luận của họ không đưa tin về chủ đề này. Nói chuyện với một số người Trung Quốc, tôi được biết rằng cuộc chiến với Việt Nam không có trong sách giáo khoa, hoặc nếu có thì xuất hiện rất mờ nhạt và không để lại ấn tượng gì.

“Đối với giới trí thức, họ coi cuộc chiến năm 1979 là nỗ lực của Đặng Tiểu Bình để xây dựng quyền lực khi vừa mới nắm quyền, còn đối với dân thường, chính quyền tuyên truyền nó như là câu chuyện con rắn và anh nông dân *, bởi Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong cuộc chiến chống Mỹ,” Christian Wang, một nhà báo từ Sâm Châu, Hồ Nam, cho biết.

“Bây giờ thì họ thôi tuyên truyền rồi, có lẽ bởi họ coi Việt Nam là một đồng minh cộng sản quan trọng.”

…Và chúng ta

Các quốc gia là nạn nhân của hành vi hiếu chiến thường tổ chức lễ tưởng niệm chiến tranh. Đề cao tinh thần dân tộc và yêu nước là một phần, nhưng quan trọng hơn, đó là dịp để nhắc lại những bài học đắt giá trong lịch sử. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk từng phát biểu trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày Đức Quốc Xã phát động chiến tranh:” Chúng ta phải ghi nhớ, bởi những kẻ quên các bài học năm xưa, những kẻ xuyên tạc lịch sử, nếu chúng nắm trong tay quyền lực, thì bi kịch sẽ lại tái diễn.”

Quá khứ có thể khép lại, nhưng không được phép lãng quên. Nói như nhà thơ người Nga Gamzatov: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ sẽ bắn vào anh bằng đại bác.” Nếu người Đức quên đi tội ác diệt chủng 6 triệu người Do Thái, người Nhật quên đi vụ thảm sát Nam Kinh, thì ai dám chắc là những hành động tương tự sẽ không lặp lại?

Nhưng nhớ về quá khứ, chứ không phải là nhớ hận thù của quá khứ. Một dân tộc cứ giữ khư khư nỗi hận không nốt trôi thì không thể nào phát triển.

Vì thế, kỷ niệm hay không kỷ niệm, đó không phải là vấn đề chính. Quan trọng là kỷ niệm để làm gì? Nó sẽ tốt nếu chỉ để tưởng nhớ những người đã ngã xuống, không quên lịch sử, hòa giải giữa các dân tộc, và từ đó ngăn chặn một tương lai bấp bênh.

*Con rắn và anh nông dân: truyện ngụ ngôn của Aesop, kể về chuyện anh nông dân trên đường về nhà gặp một con rắn bị đông cứng vì lạnh. Thương tình, anh đem bỏ vào trong người để truyền hơi ấm cho nó. Sau khi tỉnh lại, con rắn cắn người nông dân và khiến anh này thiệt mạng.

2 thoughts on “Kỷ niệm hay không kỷ niệm, đó không phải là vấn đề

  1. Thực tế là các ví dụ của các nước khác, chả có nước nào có một bề dày lịch sử bị xâm lược bởi hàng xóm như Việt Nam, thế nên không thể kỷ niệm kiểu “tôi chỉ nhắc đến một đoạn này, còn đoạn sau các đồng chí không được nghĩ tới…” Và thực tế thứ 2 là, như Đức với Ba Lan chẳng hạn, giờ chả anh nào có ý định chèn ép anh nào, mà nay 2 anh lại cùng trong Liên minh châu Âu, nghĩa là bình đẳng, ít ra trên danh nghĩa, chứ Trung Quốc thì luôn kẻ cả coi mình là đại ca cầm đầu, muốn bình đẳng được với nhau cũng khó.

    1. Điểm này tôi cũng đồng ý với ông. Chắc chắn không bao giờ Việt Nam “bình đẳng” được với Trung Quốc, cũng như Mexico bình đẳng được với Mỹ vậy. Được như Đức và Ba Lan cũng phải trải qua một quá trình dài, trong đó cả hai quốc gia đều có những biến đổi lớn. Sống với nước lớn là định mệnh dân tộc rồi, bây giờ chỉ là ứng xử thế nào để không thiệt mình nhất thôi. Khi chưa là gì mà đã lớn tiếng rồi thì dễ rơi vào kiểu đang đi giữa cầu bị cắt dây như Ukraina hoặc Georgia lắm.

Leave a comment