Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, luôn nằm trong số những quyền bất khả xâm phạm của người Mỹ, được quy định ngay tại Tu Chính số 1 của Hiến pháp liên bang.
Cả thế giới mới đây đã rung chuyển bởi hàng trăm nghìn tài liệu ngoại giao tối mật của Hoa Kỳ bị đưa ra ánh sáng bởi Wikileaks, một tổ chức phi lợi nhuận ra đời với tiêu chí hoạt động là “mang những thông tin quan trọng đến cho công chúng”.
Bỏ qua những trò hề ngoại giao, những bình phẩm chẳng mấy hay ho về các nguyên thủ quốc gia, những thủ đoạn chính trị nham hiểm,… mà có lẽ sẽ còn mất kha khá thời gian để “tiêu hóa” hết, thêm một lần nữa, câu hỏi đặt ra là tại sao, những chuyện như vậy lại chỉ xảy ra ở Mỹ chứ không phải một quốc gia nào khác?
Tự do ngôn luận-quyền lực tối thượng của báo chí Mỹ
Tự do là “thương hiệu” nổi tiếng nhất của nước Mỹ, là thỏi nam châm thu hút hàng trăm triệu con người trên toàn thế giới đổ về đây sinh sống trong suốt gần 250 năm qua.
Và trên thực tế, nước Mỹ từ trước đến giờ vẫn luôn bảo vệ quyền này, theo đó quyền tự do được nói (tự do ngôn luận) và tự do báo chí, luôn nằm trong số những quyền bất khả xâm phạm của người Mỹ, được quy định ngay tại Tu Chính số 1 (Amendment 1) của Hiến pháp liên bang.
Những quyền này tối thượng đến mức ngay cả tổng thống và chính phủ Hoa Kỳ cũng không có quyền can thiệp, cấm đoán hay gây khó khăn cho bất kỳ cơ quan truyền thông nào đăng tải những thông tin, kể cả thông tin nhạy cảm, lên mặt báo.
Điều này giải thích tại sao trong Top 10 vụ rò rỉ thông tin (“leaks”) lớn nhất trong lịch sử mới được tạp chí TIME bầu chọn, tất cả đều chỉ diễn ra ở Hoa Kỳ. Trong số đó, có những sự kiện đã xảy ra ngay từ giữa thế kỉ XIX (tiết lộ thông tin hiệp định Guadalupe Hidalgo, đình chiến giữa Mỹ và Mexico).
Có vụ việc khi được đưa ra đã thúc đẩy sự kết thúc của cuộc chiến tranh phi nghĩa đẫm máu nhất của nước Mỹ (tiết lộ tài liệu mật Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam-1971). Thậm chí có vụ còn khiến tổng thống đương nhiệm khi đó phải từ chức (Richard Nixon trong vụ “do thám” thông tin của đảng Dân Chủ ở khách sạn Watergate 1972-1974) – điều cho đến nay mới chỉ xảy ra một lần duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Không thể nói là giới cầm quyền của Hoa Kỳ “nhiệt liệt hoan nghênh” khi những thông tin mang tính scandal ghê gớm như vậy được cung cấp cho công chúng, vì rằng điều đó cũng đồng nghĩa là sự nghiệp chính trị của họ sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng, thậm chí tên tuổi của họ sẽ bị ghi lại như những vết “nhơ” lịch sử. Đó là chưa kể rất nhiều tác hại ghê gớm hơn cho hệ thống chiến lược và chính sách mà chính quyền xây dựng dựa trên cơ sở những “thông tin bí mật” đó.
Thế nên không ít lần chính phủ Mỹ đã bằng mọi cách để ngăn cản những tiết lộ “động trời” của viên chức và các cơ quan báo chí, thậm chí có vụ đua tranh pháp lý quyết liệt giữa chính phủ và các hãng truyền thông kéo dài tới hai năm như vụ Watergate.
Kết quả của những sự việc đó? Chính phủ Hoa Kỳ luôn nhận phần thất bại, và khi một cơ quan truyền thông nắm được bất kì thông tin nào mà họ cho là hữu ích với độc giả, họ sẽ có quyền đăng tải nó lên mà không gặp phải sự hạn chế nào.
Quyền được phép “tự do hành động” đã khiến cho ngành công nghiệp báo chí phát triển mạnh mẽ nhất ở nước Mỹ, chứ không phải là những quốc gia có nền báo chí lâu đời như Đức, Anh, hay các quốc gia đầu bảng về tự do báo chí như ở khu vực Bắc Âu.
Mặc dù số lượng người đọc đã bị giảm đi đáng kể từ những thập niên hoàng kim 1940-1950 do sự cạnh tranh khốc liệt từ radio, TV, và đặc biệt là Internet, Mỹ vẫn được xem là một trong những quốc gia có nền báo chí phát triển nhất và sở hữu những tờ báo uy tín nhất thế giới như New York Times (hơn 876.000 bản/ngày), Wall Street Journal (2 triệu bản/ngày), hay Washington Post (hơn 500.000 bản/ngày).
“Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”, ngay từ trong những ngày tháng gian khó của cuộc đấu tranh giành độc lập trước người Anh, nước Mỹ non trẻ đã coi quyền bình đẳng như là một quyền tự nhiên và tối thượng nhất của con người. Điều này được quy định rõ ngay trong những dòng đầu tiên của Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776, do Tổng thống Thomas Jefferson chắp bút.
Báo chí tư nhân – công cụ thực hiện quyền bình đẳng thông tin
Con người muốn được bình đẳng về quyền lợi, tất yếu phải bình đẳng về thông tin. Vì như vậy, mọi người đều có điểm xuất phát như nhau khi tiếp cận một vấn đề. Để thực hiện được quyền bình đẳng về thông tin, báo chí luôn là công cụ quan trọng số một, do nó là phương tiện truyền thông có khả năng tiếp cận rộng rãi nhất với công chúng.
Người Mỹ tin rằng, muốn đảm nhận được trách nhiệm nặng nề đó, báo chí phải là một cơ quan độc lập, điều hành bởi tư nhân. Bởi vì chỉ có vậy nó mới cung cấp được những thông tin chính xác và không thiên vị, đồng thời cũng biết cách để làm những thông tin đó hấp dẫn hơn, dễ tiếp cận hơn với công chúng, do bị thúc đẩy bởi mục tiêu doanh thu và lợi nhuận.
Quan điểm của Mỹ là, với đặc thù là bên truyền tin cho người dân, tiếp xúc với đội ngũ đông đảo các trí thức trong xã hội, báo chí đã có một lực lượng “biên tập viên” và “giám sát viên” đáng tin cậy nhất cho những thông tin và nội dung của nó, và do vậy không cần thêm bất cứ sự quản lý nào từ chính phủ.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc thiếu kiểm soát từ chính quyền có thể khiến cho báo chí mất đi tính “vô tư” của nó, và mục tiêu lợi nhuận sẽ làm cho nội dung các bài bị thiên lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội. Tuy vậy, thực tế cho thấy, hầu như tất cả các vụ sai phạm của các cơ quan báo chí ở Mỹ đều bị phanh phui bởi chính độc giả của họ.
Hoa Kỳ có vẻ như là quốc gia có nhiều scandal báo chí bị phát hiện nhất (có hẳn một trang trên mạng wikipedia liệt kê hơn 40 vụ scandal báo chí ở Hoa Kỳ). Về khía cạnh nào đó, chính điều này lại cho thấy tính minh bạch cao trong truyền thông của Mỹ.
Sức mạnh của “quyền lực thứ tư”
Báo chí chỉ mới thực sự xuất hiện một cách chính thức cách đây khoảng 400 năm từ nước Đức, nhưng nó đã trở thành một công cụ không thể thiếu trên con đường phát triển của nhân loại. Ở những quốc gia như Mỹ, báo chí thậm chí được coi là “quyền lực thứ tư”, tức là chỉ sau quyền hành pháp, lập pháp, và tư pháp thuộc về hệ thống chính quyền.
Với quyền lực to lớn, sự bảo vệ của hiến pháp, cũng như sự ủng hộ của chính công chúng, báo chí đã và đang là phương tiện thúc đẩy sự tiến bộ xã hội của quốc gia này.
Nhìn lại những mốc chính trong lịch sử Hoa Kỳ, báo chí luôn có tiếng nói vô cùng quan trọng trong việc xóa bỏ chế độ nô lệ, phong trào đấu tranh nhân quyền cho người Mỹ da màu, phong trào phản chiến, hay những bê bối của chính quyền, trở thành động lực mạnh mẽ bên trong thúc đẩy xã hội Mỹ tiến bộ.
![]() |
Wikileaks và những chuyện “chỉ xảy ra ở Mỹ”
Vụ rò rỉ bí mật ngoại giao lớn nhất trong lịch sử vừa qua đã gây ra nhiều tranh cãi về quyền tự do báo chí ở Mỹ. Một số người cho rằng Wikileaks đã đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia của Mỹ (Ngoại Trưởng Mỹ Hilary Clinton thậm chí còn nhận định đó là “sự đe dọa với an ninh của toàn cầu”). Nhiều phe khác, trong đó có tờ New York Times, lại lên tiếng ủng hộ hành động này, coi các tài liệu mật đó là “rất quý giá để phục vụ lợi ích cộng đồng”.
Tờ này đã cho đăng tải những thông tin nói trên (đã được chọn lọc và phân tích), bất chấp sự phản đối của chính quyền Mỹ, với quan điểm cho rằng “người dân Mỹ cần phải biết được những gì chính phủ đã nhân danh đất nước này để hành động”.
Julian Assange, người sáng lập và là tổng biên tập của Wikileaks, trong cuộc phỏng vấn mới đây qua Skype với tạp chí TIME cho biết, những hoạt động của Wikileaks là nhằm làm cho hoạt động của chính quyền trở nên công khai và minh bạch hơn cho người dân.
“Sau sự kiện này, chính quyền Mỹ sẽ có hai lựa chọn: hoặc là khiến cho hoạt động của mình trở nên mở hơn đối với người dân, để không còn cần những vụ “rò rỉ” (leaks) như thế này nữa, hoặc là biến nó trở nên bí mật và khép kín hơn. Sự lựa chọn thứ hai, vốn sẽ làm tăng thêm khoảng cách giữa nhà nước và nhân dân, sẽ là một sự lựa chọn thất bại,” chủ nhân Wikileaks tuyên bố.
Dù sao đi nữa, với những “tiền lệ” như “kẻ nguy hiểm nhất nước Mỹ” Daniel Ellsberg (người cung cấp tin trong vụ tài liệu Lầu Năm Góc), “Deep Throat” Mark Felt (nhân viên FBI cung cấp tin trong vụ Watergate), thật khó tin rằng chính quyền Mỹ có thể đưa ra những sự trừng phạt “nghiêm khắc” như họ muốn với Julian Assange và Wikileaks. Thay vào đó, đây có lẽ lại là một bước ngoặt nữa nâng cao vị thế của báo chí và quyền tự do ngôn luận ở quốc gia này. Một lần nữa, chúng ta lại thấy những chuyện tương tự như vậy chỉ xảy ra ở nước Mỹ.
Bài được xuất bản trên Tuần Việt Nam http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-08-hien-phap-my-tiep-tay-cho-tiet-lo-tai-lieu-mat-