Ngoại trưởng Nhật Bản: Cán cân cho “Sự trỗi dậy hòa bình”?

Sau khi trở thành Ngoại trưởng, Seiji Maehara chủ trương tăng cường hợp tác quân sự một các chặt chẽ hơn với Mỹ, nhằm hạn chế ảnh hưởng của sự “trỗi dậy hòa bình” từ bên kia biển Hoa Đông.

Trong ngày 6/1 vừa qua, ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara tới thăm Mỹ. Có lẽ đây sẽ chỉ là một nghi thức ngoại giao bình thường trước khi thủ tướng Naoto Kan đến thăm chính thức quốc gia này trong thời gian tới, tuy vậy, nghi thức tiếp đón đầy long trọng với sự tham gia của ngoại trưởng Hilary Clinton, phó tổng thống Joe Biden, và cả hạ viện Mỹ, đã cho thấy sự đánh giá rất cao của người Mỹ về nhà chính trị mới 48 tuổi này.

Lần cuối cùng một ngoại trưởng của Nhật Bản được đón tiếp như vậy là vào năm 2006, và người này sau đó đã lên chức thủ tướng, ông Shinzo Abe. Điều này dấy lên tin đồn rằng nước Mỹ đã dự đoán ông Maehara sẽ lên đảm nhiệm chức vụ thủ tướng thay ông Kan trong thời gian tới.

Nếu điều này trở thành sự thật, có lẽ tình hình chính trị ở khu vực này sẽ trở nên ngày càng phức tạp và căng thẳng hơn, khi ông Maehara là một người có đường lối ngoại giao cứng rắn trong các vấn đề trong khu vực, và lại có xu hướng thân Mỹ, cường quốc luôn muốn “thâm nhập” sâu hơn vào khu vực được coi là trung tâm của sự phát triển toàn cầu trong thế kỷ này.

Cương và nhu

Trong một nội các chính phủ hiện tại bao gồm phần lớn những người thuộc phe tự do, như thủ tướng Kan đi lên từ phong trào dân sự, hay tổng thư ký nội các Sengoku (mới từ chức) vốn xuất thân là một luật sư nhân quyền, sự có mặt của một người được coi là thuộc phe “diều hâu” như ông Maehara là hết sức quan trọng.

Ngay từ khi lên nắm quyền, ông đã đã có rất nhiều những phát ngôn và hành động gây động chạm đến các quyền lực trong khu vực, đặc biệt là về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Ở trong khu vực này không hề có cái gọi là tranh chấp lãnh thổ,” ông Maehara phát biểu sau những tranh cãi nổ ra khi thuyền cá Trung Quốc va vào tàu tuần tra Nhật Bản vào hồi tháng 9 vừa qua. “Như tôi đã nhiều lần đề cập, quần đảo Senkaku và các vùng lãnh hải liên quan là một phần của Nhật Bản trên phương diện lịch sử lẫn luật quốc tế. Chúng tôi đang kiểm soát phần lãnh thổ này và đương nhiên sẽ tiếp tục làm như vậy.”

Cũng về tranh chấp trên biển Hoa Đông, ông Maehara đã có lần gọi những động thái về vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc là “điên cuồng” (hysterical) ở trên Nghị viện Nhật Bản vào hồi tháng 10 vừa qua. Phát biểu đó đã gây ra làn sóng giận dữ trong cả chính quyền Bắc Kinh và người dân nước này. Trợ lý bộ trưởng bộ ngoại giao của Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Hu Zhengyue đã chỉ trích ông Maehara là “có những phát ngôn gây hấn Trung Hoa đều đặn mỗi ngày.”

Đây là lần rất hiếm hoi mà một viên chức ngoại giao của Trung Quốc trực tiếp chỉ trích một lãnh đạo đối ngoại của Nhật Bản. Điều này cho thấy đối với Trung Quốc, ông Maehara là “kẻ đầu sỏ” trong việc làm leo thang căng thẳng về vấn đề lãnh thổ trong khu vực. Và rõ ràng, một nhân vật như vậy nếu có tiềm năng lên đứng đầu chính phủ Nhật Bản thì sẽ còn làm cho những người cùng cấp ở Trung Hoa lục địa phải đau đầu.

Dư luận Trung Quốc thì đặc biệt không có cảm tình với ông Maehara. Một bài báo của tờ Thời báo Toàn Cầu (Global Times), một trong những tạp chí lớn nhất ở Trung Quốc, mỉa mai rằng ông Seiji Maehara là “bộ trưởng quốc phòng hơn là một ngoại trưởng“, và rằng ông Maehara đang “đánh lừa” người dân Nhật Bản rằng Trung Quốc “đang ngày càng hung hăng” trong việc giải quyết vấn đề lãnh thổ. Tờ báo này cho rằng, chỉ sau một tháng lên nắm quyền, ngoại trưởng Nhật Bản đã khiến cho mối quan hệ Trung-Nhật xuống tới mức thấp nhất kể từ thời thủ tướng Koizumi.

Thái độ cứng rắn của ông Maehara, ngược lại, đã được khá nhiều viên chức chính phủ và người dân Nhật đồng tình. Mặc dù có những phát ngôn không được lòng các đối tác, tuy vậy, tính cách dân tộc bảo thủ của ngoại trưởng Maehara giữ vai trò rất to lớn trong việc cân bằng nội các của thủ tướng Kan, vốn gồm nhiều người thuộc phái tự do ôn hòa. Điều này là cực kỳ quan trọng trong bối cảnh nước Nhật đang ngày càng sa sút so với sự trỗi dậy mãnh liệt của Trung Quốc.

Sự ôn hòa là điều cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề ngoại giao, tuy vậy, sự nhún nhường quá đáng có thể phản tác dụng, không những khiến cho đối tác coi thường và được thể lấn tới, mà còn gây cả bất mãn đối với người dân trong nước.

Do đó, đối với nước Nhật, một ngoại trưởng có phần bảo thủ như ông Maehara là một nét chấm phá cần thiết để đảm bảo quyền lợi của nước Nhật trong một trật tự thế giới mới.

 

Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara. Ảnh: Xinhua/AFP

Một cây làm chẳng nên non…

Vốn đã từng là một chuyên gia quân sự có tiếng, một trong những ưu tiên chủ đạo của ông Maehara là tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Ông đã từng nằm trong số những người kêu gọi sửa đổi điều 9 trong Hiến Pháp của Nhật Bản (quy định không cho Nhật Bản thành lập quân đội và đem quân ra nước ngoài).

Sau khi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông chủ trương tăng cường hợp tác quân sự một các chặt chẽ hơn với Mỹ, đồng minh số một của Nhật Bản, nhằm hạn chế ảnh hưởng của sự “trỗi dậy hòa bình” từ bên kia biển Hoa Đông. Mối hợp tác này, dù gặp khá nhiều trở ngại từ vấn đề căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa (đã từng khiến thủ tướng Hatoyama từ chức), cũng đã mang lại cho Nhật Bản những quyền lợi hết sức khả quan. Chưa kể việc được bảo đảm an ninh từ các mối đe dọa của Triều Tiên và một số quốc gia khác, việc quần đảo Senkaku cũng được ghi nhận trong văn bản hợp tác an ninh quân sự giữa hai bên là một thành công lớn của Nhật.

Một ưu tiên lớn nữa của ông Maehara là thiết lập mối quan hệ an ninh vững chắc với Seoul. Trong những ngày đầu năm mới vừa qua, ông đã bày tỏ mong muốn về khả năng thành lập một “liên minh quân sự” Nhật-Hàn. Nếu điều này xảy ra – một khả năng rất có thể sẽ thành hiện thực – Nhật Bản sẽ có hai chiếc áo giáp lợi hại nhằm tự bảo vệ và nâng cao vị thế của trong một khu vực mà cả ba siêu cường hàng đầu về quân sự trên toàn cầu đều góp mặt (Trung Quốc, Nga, Mỹ).

Seiji Maehara và “Chủ nghĩa bảo thủ mới”

Ngoại trưởng Nhật Bản hiện nay là một cá nhân tiêu biểu cho “chủ nghĩa bảo thủ mới” ở xứ sở mặt trời mọc, thuật ngữ để chỉ thế hệ những chính trị gia ra đời sau chiến tranh thế giới thứ II, không bị ràng buộc bởi những sai lầm của phát xít Nhật trong quá khứ, và đòi hỏi một sự cải cách mạnh mẽ hơn về quân đội để đưa nước Nhật trở lại vị thế cường quốc quân sự.

Sự mạnh mẽ về quân sự của Nhật Bản trong bất kỳ thời điểm nào cũng có thể gây hoang mang cho nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt khi nó khiến người ta nhớ đến những tội ác chiến tranh khủng khiếp mà phát xít Nhật gây ra trong thế chiến thứ II.

Tuy vậy, vào thời điểm hiện nay, nằm trong khu vực đầy nóng bỏng với sức ép từ Nga ở phía Nam, Trung Quốc ở phía Bắc, và Bắc Triều Tiên ở phía Tây, rõ ràng là sự tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản là một yếu tố cần thiết để không chỉ đảm bảo vị trí của họ ở Đông Á, mà còn giúp cân bằng lại cán cân quyền lực ở nơi đây.

Và với sự trỗi lên của ông Seiji Maehara cũng như những chính trị gia “diều hâu”, có lẽ trong tương lai không xa một Nhật Bản cứng rắn và mạnh mẽ hơn cả về quân sự lẫn chính sách ngoại giao sẽ hiện diện trên trường quốc tế.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-18-ngoai-truong-nhat-ban-can-can-cho-su-troi-day-hoa-binh-

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s