Gặp “tướng cướp bắt ma” trên rẻo cao

“Phóng viên các anh hay viết tôi xung phong lên đây công tác, anh em đồng nghiệp, hàng xóm đọc được thì cười chết, ngại lắm. Là người chiến sĩ thì tôi chỉ làm theo lệnh cấp trên thôi, đi đâu cũng được, miễn là phải phấn đấu làm việc cho hết mình”.

 

 

Phá án ở cổng trời và chuyện bò hút ma túy

Vào “bản trắng” đàn ông nơi khe núi

Theo chân “trinh sát ma” trên điểm nóng vùng cao

“Gặp tôi người ta không biết là trinh sát thì thể nào cũng bảo là tướng cướp.” Đấy là anh nói vậy, chứ gặp anh tôi lại thấy giống cái ông Quan Vũ trong Tam Quốc hơn. Vóc người cao to chính hiệu dân võ biền, anh có đôi mắt sắc lẹm đặt trên khuôn mặt khi nào cũng đỏ hây hây như người uống rượu. Dáng đi của anh rất từ tốn, khoan thai một tay đút túi quần còn tay kia…vuốt bộ râu quai nón dường như chưa quen lắm khi nó xuất hiện trên mặt.

“Yêu cầu nhiệm vụ nên đôi khi tôi cũng phải thay đổi khuôn mặt cho bụi đời tí,” anh cười khi nghe tôi hỏi về cái vẻ ngoài phong trần như “tướng cướp” của mình.

Người mà tôi nói đến ở đây là anh Trần Ngọc Toản, cán bộ trinh sát của đội phòng chống tội phạm ma túy C47 của công an tỉnh Lai Châu, thành viên duy nhất trong lực lượng công an  được tôn vinh là một trong 10 người Việt trẻ tiêu biểu trong năm 2009.

Trai vùng trũng “lập nghiệp” vùng cao

Gần chục năm lên đây công tác, chất giọng anh Toản vẫn đặc sệt khẩu ngữ vùng Hà Nam. Ra trường từ năm 2004, theo quy định của ngành thì đáng lẽ anh phải được chuyển về tỉnh mình công tác, nhưng đùng một cái thì bên Lai Châu tách tỉnh, cán bộ thiếu thốn, cho nên anh được điều động “lên ngàn” với bốn đồng chí khác.

“Phóng viên các anh hay viết tôi xung phong lên đây công tác, anh em đồng nghiệp, hàng xóm đọc được thì cười chết, ngại lắm. Là người chiến sĩ thì tôi chỉ làm theo lệnh cấp trên thôi, đi đâu cũng được, miễn là phải phấn đấu làm việc cho hết mình,”

Rồi anh trầm ngâm kể lại cái giai đoạn gian khó đầu đời của mình. Nói chung, từ cái chỗ phồn hoa nhộn nhịp như Hà Nội rồi chuyển lên Tây Bắc thì cuộc sống cũng có nhiều thứ bỡ ngỡ.

Hồi mới lên, anh đi xe từ Hà Nam lên Hà Nội, rồi bắt tàu từ ga Trần Quý Cáp (phía sau ga chính Hà Nội), lên Lào Cai, rồi lại chuyển qua đường Sa Pa bắt ô tô xuống ngã ba Bình Lưu, đi tầm 150km nữa mới lên được thị xã Lai Châu.  Vùng này thời đó vẫn còn heo hút. Đường xá, nhà cửa không được như bây giờ, mà giống như đi trong các bản ấy. Đến điện thoại di động còn chưa có sóng.

 

Anh Trần Ngọc Toản (vì đặc thù công việc trinh sát của anh Toàn, chúng tôi phải làm mờ mặt anh)

“Ở trên tỉnh một tuần thì cứ nghĩ là người ta thiếu cán bộ, sẽ giữ lại mình ở lại, nhưng rốt cuộc thì tôi lại được phân về huyện Than Uyên, cách thị xã đến gần 100 cây số.  Nói thật là cảm giác cũng hơi hẫng. Bạn bè được giữ lại ở trung tâm, còn mình thì bị quẳng xuống huyện. Nhưng do yêu cầu công tác thì mình cũng vui vẻ mà chấp nhận thôi.”

Anh kể, xuống dưới kia chưa kịp vui buồn gì thì nhảy vào “đánh đấm” luôn. 25/8 (2004) là nhận công tác, đầu tháng 9 là bắt đầu thụ lý án rồi, trong tháng đầu mà anh được nhận gần chục vụ. “Với một chiến sĩ mới ra trường để được như thế thì bây giờ không có đâu.”

Anh lí giải trong nghề này, đối tượng chống trả quyết liệt nhiều. Tầm một bánh (heroin) đã là chung thân, hai bánh là tử hình rồi, nên các đối tượng cũng liều lĩnh lắm. Thế nên mới gọi là nghề “đánh đấm”.

“Lúc đầu thì cũng hơi bỡ ngỡ về nghiệp vụ điều tra, nhưng nhìn anh em người ta làm, rồi từ chính kinh nghiệm của mình, làm riết cũng quen. Riêng về khoản đánh đấm thì tôi không dát. (Nói như vậy vì đặc thù của cái nghề này là phải đánh đấm nhiều). Thời điểm ban đầu còn hồi hộp một chút, bây giờ thì tôi cũng quen rồi, cơ bản là phải xử lý thật nhanh và gọn.” Anh trầm ngâm nhớ lại.

“Mới đầu lên cảm giác chung là nhớ miền xuôi, nhớ nhà. Thật ra thì ai cũng vậy, thế nên mới sinh ra cái gọi là tình yêu quê hương. Nhưng nói là nhớ đến độ khao khát để trở về đến day dứt băn khoăn thì không có đâu.  Là một con người đích thực thì phải xem điều kiện công tác của mình như thế nào, mình cống hiến sức mình ở đâu thì mới được.”

Cái nghề “đi bạc mặt”

Khi nghe tôi hỏi đi lại nhiều, công tác có, đi tuyên dương cũng có, gặp nhiều người  có tiền bạc tỉ, hay thậm chí trong ngành, công an vùng xuôi làm giao thông hay sổ sách ai chả giàu, anh  có muốn chuyển sang ngành không. Anh mới bảo mỗi người một nghiệp, giờ thuyên chuyển trong “ngành đánh ma” (ma túy) thì được, chứ bảo làm cái khác thì anh xin chịu.

Mỗi nghề có một cái hay riêng. Như đi đánh án cũng có nhiều cái hay mà nghề khác không có. Nó không chỉ đòi hỏi anh có cơ bắp để mà đánh đấm, mà còn phải biết vận dụng cái đầu, nhiều khi là cả giác quan thứ sáu nữa.

“Nói chung mình cũng phải tùy cơ mà ứng biến, không phải lúc nào thấy đối tượng là cũng nhảy vào giơ súng dọa rồi đánh đấm được. Muốn tối đa thành công và tối thiểu mất mát thì phải dùng cái đầu. Như các anh đánh ma túy bên Tàu, mỗi lần “đánh tuyến” có đến cả trăm người với đủ loại vũ khí, điều kiện mình không cho phép thì phải khéo dùng cái mưu, cái trí.” Anh Toản chia sẻ.

Đầu tháng 12 mới đây, đội trinh sát của anh nghe thông tin mật báo, đội tạm giữ một nữ đối tượng nghi vấn trên xe khách từ Phong Thổ (Lai Châu) xuống. Đối tượng là nữ, trong khi tổ trinh sát lại chỉ rặt toàn nam giới. Các anh đành nhờ một nữ hành khách khám hộ, nhưng không phát hiện  được gì. Linh tính của anh vẫn tin rằng đối tượng có “giữ hàng” ở một chỗ nào đó bí mật, và quyết định di lý đối tượng về trụ sở công an huyện để nhờ một đồng chí nữ khám lại. Anh yêu cầu anh em đi cùng theo dõi thật cẩn thận đối tượng. Vừa bước chân vào cổng trụ sở công an, cô này lấy hàng từ trong bộ phận sinh dục nữ và ném đi để tẩu tán. Cân lên thì được tới 98 gram.”

Nhưng anh bảo, rất khuyến khích anh công an nào mới ra trường đi làm án ma túy, đặc biệt là lên mấy vùng cao trên này. Vì là làm cái này thì phải rèn luyện rất nhiều về nghiệp vụ. Dân chúng báo lên thì cũng có, nhưng phải đến 90% các vụ án ma túy là tự trinh sát đi điều tra và thu thập được chứng cứ.

Đánh án ma cũng giống như một cuộc chơi, anh phải biết đưa đối tượng vào cái ma trận giăng sẵn của mình, bố trí đúng thời điểm để sập bẫy thì mới bắt được.

“Nhiều khi tôi cũng muốn trở thành người khác lắm. Tôi vẫn thấy chưa thỏa mãn với những gì mình đang có. Tôi cũng từng thích nghiên cứu, thích viết, nhưng khi bập vào công tác trinh sát thì đam mê quá, không còn thời gian cho bất cứ cái gì. Giá mà mình có nhiều thời gian hơn,” anh cười xòa.

“Bồng bế nhau lên nó ở non…”

Anh có nói là làm cái nghề này thì khổ nhất là vợ con. Đi lang thang bụi đời nhiều, thời gian dành cho gia đình cũng rất hạn chế. Nhiều khi đi đánh án mấy tuần liền, đêm đi xe qua nhà nhớ vợ con quay quắt nhưng cũng không vào thăm được. Bây giờ chuyển công tác lên tỉnh, trong khi gia đình thì ở Than Uyên, khó khăn lại càng khó khăn. Tính chuyển việc cho chị nhà lên thị xã công tác, nhưng nói chung là mấy chuyện này khó hơn nhiều so với đi đánh án.

Vợ anh Toản cũng không phải là người vùng này. Chị quê ở Hà Tây (cũ), học sư phạm, hai anh chị yêu nhau từ cái thời sinh viên lãng mạn. Ra trường anh phải chuyển lên Lai Châu công tác, đấu tranh tâm lý mãi chị mới quyết theo “tiếng gọi nơi hoang dã” của tình yêu để đi theo anh và định cư luôn trên đó.

Anh chị bây giờ đã có được một cậu con trai năm tuổi kháu khỉnh, lúc tôi đến vẫn đang nghịch nước ở trước hiên nhà. Tôi hỏi là anh có định hướng cho chú bé lớn lên theo nghiệp bố không, anh thẳng thừng trả lời là không. “Mình định hướng lý tưởng và tính cách cho nó thôi, còn nghề nghiệp thì mình phải tôn trọng nó chứ, không ép được.”

Nói đến chuyện thành đạt trong cuộc sống, anh bảo để so sánh thì vô cùng lắm. Mọi người có những thành công riêng.

“Nếu quy ra tiền thì mình không là cái gì cả, so với cái tay Đặng Hồng Anh (chủ tịch hội đồng quản trị của Sacomreal, cũng là một trong 10 người Việt trẻ tiêu biểu năm 2009-PV). Nhưng mà tôi nghĩ, con người ta cứ có một lý tưởng, một mục đích sống, và ý chí để đạt được điều đó, thế là được rồi. Sống cứ có niềm đam mê là được.”

Bài được xuất bản trên Tuần Việt Nam http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-01-17-gap-tuong-cuop-bat-ma-tren-reo-cao

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s