Nông dân không ra phố và già trước khi giàu

18821_753451168104802_6572298639671648445_n

Nhân công giá rẻ không phải là một lợi thế và sẽ là lời nguyền tăng trưởng của Việt Nam

Gần chục năm về trước, khi đi qua các giao lộ lớn ở Hà Nội, rất dễ để nhận ra những người tụ tập nhau theo từng nhóm nhỏ ở chân cầu vượt Mai Dịch hay Ngã Tư Sở để chờ việc làm. Họ là những lao động di cư từ nông thôn lên, muốn kiếm những công việc chân tay để tạo thêm thu nhập.

Mười năm sau ngày cơn lốc đô thị hoá biến thủ đô Hà Nội phình to hơn một nửa sau khi sát nhập một số địa phương lân cận, hình dáng của những người lao động từ nông thôn tại chân cầu vượt đã không còn.

Đó có thể coi là một dấu hiệu tốt, nếu nhìn vào khía cạnh lạc quan: hoặc là những người lao động chân tay đã tìm được việc làm ổn định, hoặc thu nhập ở nông thôn đã đủ để họ an cư lạc nghiệp mà không phải tha phương cầu thực. Với nền kinh tế, sự suy giảm lao động giản đơn đồng nghĩa với việc  năng suất lao động của quốc gia tăng lên: của cải vật chất được tạo ra nhiều hơn với chi phí thấp hơn trước.

Thực tế thì có thể đơn giản hơn: chi phí lao động ở Việt Nam đã tăng đến mức mà việc mua bán sức lao động không còn dễ dàng như trước. Nếu lấy tiền lương tối thiểu là chi phí đại diện cho sức lao động, mức tăng giá lao động trong giai đoạn 2005 – 2015 là 6,14 lần, tương đương khoảng 20%/năm. Cụ thể, Tiền lương tối thiểu tăng từ mức 350.000 đồng/tháng (2005) lên đến 2,15 triệu đồng/tháng (2015) (ở vùng 4).

 

Những con số biết nói

Thế nhưng, nghịch lý lớn của chúng ta là giá cả hàng hoá tăng nhanh hơn chất lượng. Theo Báo cáo Năng suất Việt Nam 2014 của Viện Năng suất Việt Nam, năng suất lao động trung bình của Việt Nam giảm gần một điểm phần trăm trong giai đoạn 2006 – 2014, từ 4,05% (2006) xuống 3,45% (2014). Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) cho biết tốc độ tăng năng suất của Việt Nam giai đoạn 2005 – 2012 đạt khoảng 3,6%/ năm, chậm hơn cả một số nước đang phát triển như Mông Cổ, Ấn Độ, Cam-pu-chia và Lào.

Những nước mà chúng ta “vượt qua” về tốc độ tăng năng suất lao động, như Indonesia, Thái Lan, hay Nhật Bản, thực tế có nền tảng năng suất lao động cao hơn Việt Nam rất nhiều. Do đó, dù tốc độ tăng năng suất của họ thấp hơn vẫn đảm bảo giữ Việt Nam ở vị trí bám đuổi trong thời gian dài.

 

Đáng chú ý, đóng góp của Năng suất Yếu tố Tổng hợp (TFP), chỉ số đáng giá chất lượng tăng trưởng, vào tăng trưởng GDP của nước ta trong giai đoạn 2006 – 2010 thậm chí là (âm) -5.73%. Điều này cho thấy dù có tăng trưởng, nền kinh tế không có nhiều tiến bộ về việc đổi mới kỹ thuật, cách thức quản lý, cũng như đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao. Năng suất lao động của Việt Nam vì vậy vốn đã thấp, tăng chậm, lại còn không có chất lượng.

Rõ ràng đây là một thực trạng rất đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào “ngôi làng toàn cầu”.  Nếu không cải thiện được năng suất lao động, đặc biệt là trong việc khuyến khích ứng dụng đổi mới công nghệ trong kinh doanh – sản xuất, mối lo bị gạt ngoài lề khu chợ làng và trở thành nơi chuyên cung cấp sản phấm chất lượng thấp cho thế giới không phải là chuyện xa xôi.

 

Già trước khi giàu

Đến nay, chúng ta vẫn có thể bình chân như vại với năng suất lao động thấp, bởi dù chi phí nhân công có tăng mạnh, giá cả sức lao động ở Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất châu Á. Đó là lợi thế của một quốc gia đang ở thời kỳ “dân số vàng”: khi lực lượng lao động đang vào giai đoạn động đảo nhất trong vòng tròn phát triển của một quốc gia.

Nhưng đó hiển nhiên không phải là một lợi thế tồn tại mãi mãi.

Cũng giống như một số quốc gia trải qua quá trình đô thị hoá mạnh mẽ như Trung Quốc, Việt Nam đang tiếp cận vào một nút cổ chai mà các nhà kinh tế gọi là “điểm ngoặt Lewis”, được đặt tên theo nhà kinh tế học được giải Nobel Arthur Lewis. Đây là “khúc rẽ” khi lượng nhân công giá rẻ từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp không còn, khiến chi phí lao động tăng cao đột biến. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, vì thế, cũng sẽ chậm lại.

Điểm ngoặt Lewis là tất yếu với tất cả các nền kinh tế chuyển đổi, buộc mọi quốc gia phải chạy đua với thời gian, để thoát ra được “bẫy thu nhập trung bình” và giàu có trước khi nguồn lao động thặng dư không còn. Khi đã trở thành nước phát triển, sự thay đổi về lao động không tác động quá tiêu cực đến nền kinh tế.

Các nước trong nhóm “Thần kỳ Đông Á” như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Đài Loan đã làm được điều này, trong khi đó, nhóm nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, và Philippines không thể bứt phá lên thành các nền kinh tế phát triển.

Các chuyên gia cho biết, thời kỳ “dân số vàng” ở Việt Nam sẽ chỉ tiếp tục trong 25 năm nữa. Và sau đó, dân số sẽ bị già hoá, lực lượng lao động giảm đi nhanh chóng, trong khi gánh nặng chi phí an sinh xã hội tăng cao. “Lợi thế” nhân công giá rẻ sẽ quay lại trở thành lời nguyền phát triển cho chúng ta khi bước vào điểm ngoặt Lewis.

 

Đâu là lối thoát?

Không phải là không có những trường hợp đi qua “khúc cua” Lewis một cách an toàn, với lực lượng lao động giảm nhưng chi phí nhân công không quá tăng cao. Nhật Bản trong giai đoạn sau Cải cách Minh trị (1868) đến năm 1920 là một ví dụ điển hình khi có mức tăng lương nhân công không lớn dù số lượng tuyệt đối lao động nông nghiệp giảm. Điều này có được nhờ họ nâng cao được năng suất lao động, ở cả trong nông nghiệp và công nghiệp, bằng việc sử dụng công nghệ và phương pháp quản lý mới vào sản xuất.

Như vậy, việc giải quyết vấn đề về lao động vẫn không thể thoát khỏi câu chuyện về tăng năng suất.  Cả hai gọng kìm để phá thế “già trước khi giàu” của Việt Nam đều đang khá èo uột.

Trong khi việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp chưa tạo ra nhiều dấu ấn (năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ tăng 3% trong giai đoạn 2006 – 2014), thì các doanh nghiệp công nghiệp – dịch vụ đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn từ hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Con số hơn 81 nghìn doanh nghiệp “chết lâm sàng” trong năm 2015 có lẽ là một lời cảnh báo ban đầu.

Chính vì thế, ở cả hai ngành, đòi hỏi về thay đổi chính sách để tạo môi trường kinh doanh tự do và lành mạnh hơn đang cấp thiết hơn bao giờ hết, bởi chỉ đến lúc đó, các doanh nghiệp mới có thể toàn tâm toàn ý đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, cũng như áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Làm được điều đó, chúng ta sẽ không còn quá lo lắng nữa khi vắng bóng những người nông dân ra phố chờ việc làm ở chân cầu vượt Mai Dịch.

 

 

 

Advertisement

3 thoughts on “Nông dân không ra phố và già trước khi giàu

  1. Trung Quở qua nút Lewis chưa bạn? 😛 Mình thấy nói gì thì nói chớ TQ có nhiều bước đi theo hướng bền vững, như đầu tư nhiều vào con người và năng lượng tái tạo. Nguồn nhân lực TQ có vẻ như đã chuyển tiếp sang bậc thang cao hơn từ lâu rồi. Số liệu cụ thể thì mình không rành, chỉ là cảm giác qua theo dõi tin tức thôi.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s